Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần tăng thuế ở mức đủ lớn để làm giảm mức tiêu dùng thuốc lá

Chu Hồng Châu - 17:00 13/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tại Hội thảo Cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với HealthBridge (tổ chức phi chính phủ Canada) tổ chức ngày 13/8, bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông một lần nữa nhấn mạnh nguy cơ, tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người và sự cần thiết áp dụng các chính sách thuế để phòng chống tác hại của thuốc lá.
Toàn cảnh hội thảo.

Việt Nam mỗi năm có khoảng 80.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến hút thuốc lá

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Nhị Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá: Thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất, mỗi năm gây tử vong cho hơn 8 triệu người trên thế giới. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 80.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến hút thuốc lá, chưa kể những tác hại của việc hít phải khói thuốc lá thụ động.

Bà Trần Thị Nhị Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá sẽ có 1 người chết sớm, trong đó ½ ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên (39-65). Sử dụng thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên Thế giới. Bên cạnh các tác hại về sức khoẻ, thuốc lá còn gây ra tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội và môi trường.

Mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác  phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Theo ước tính của WHO, có khoảng 40.000-70.000 ca tử vong sớm/năm do sử dụng thuốc lá. Chi phí y tế (trực tiếp và gián tiếp) do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá khoảng 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1.14% GDP năm 2022, trong khi tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá năm 2022 là 17,6 nghìn tỷ đồng, chưa bằng 1/5 của chi phí y tế. (Nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế năm 2023).

Số liệu đưa ra bởi Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất thuốc lá đã tăng hơn 10%. Vì vậy, chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân. Buổi hội thảo được tổ chức rất kịp thời trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những quyết định quan trọng để bảo vệ người dân khỏi những tác hại của việc sử dụng thuốc lá.

Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu thông qua ghi hình tại hội thảo.

Phát biểu thông qua ghi hình, Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá: Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030.

Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam. Trong những năm vừa qua, thuốc lá ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Đây là điều cần thay đổi. Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này.

“Vì vậy, WHO xin chúc mừng Bộ Tài chính và Chính phủ về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), được công bố để lấy ý kiến vào tháng 6/2024. Luật được đề xuất là một bước đi đúng hướng. Nhưng chỉ điều này thì vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia. Với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong quá trình sửa đổi, WHO tin rằng Việt Nam đang có một cơ hội đặc biệt để hướng tới mục tiêu cao hơn và đạt được nhiều lợi ích hơn nữa tới sức khỏe của người dân” - Tiến sỹ Angela Pratt khẳng định.

Mức thuế cao hơn này là một khuyến nghị rất mạnh mẽ của WHO, hướng tới năm 2030, việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia. Quan trọng hơn, việc áp thuế TTĐB sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29.3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020.

“Do đó, tôi kêu gọi các bạn đừng tin vào những lời nói dối của ngành công nghiệp thuốc lá. Tất cả những lời nói dối đều được tạo ra để bảo vệ lợi nhuận của chính họ và đe dọa làm suy yếu sức khỏe cũng như sự phát triển của đất nước Việt Nam” - Tiến sỹ Angela Pratt nhấn mạnh.

ThS. BS. Nguyễn Tuấn Lâm (Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam) khẳng định: Tỷ lệ người hút thuốc tại Việt Nam giảm chậm, không đạt các mục tiêu quốc gia và cam kết quốc tế.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, ThS. BS. Nguyễn Tuấn Lâm (Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam) khẳng định: Tỷ lệ người hút thuốc tại Việt Nam giảm chậm, không đạt các mục tiêu quốc gia và cam kết quốc tế. Sản lượng và tiêu thụ thuốc lá gần đây có xu hướng tăng nhanh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thuế thuốc lá là biện pháp chính giảm cầu, nhưng lại rất thấp ở Việt Nam. Đồng thời chi phí xã hội do thuốc lá rất lớn về y tế, việc làm, tỷ lệ tử vong do thuốc lá…

Theo Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chi phí/chi trả trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm, Giá/thuế tăng hầu như không đáng kể trong giai đoạn từ 2010-2020 (mặc dù có các lần tăng thuế 2016, 2019). Thị trường sản phẩm quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế để giữ nguyên mức chi thường xuyên cho hút thuốc.

Những quan ngại về tăng thuế thuốc lá và sự thật

Chia sẻ tại hội thảo, Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn đánh giá mức độ lo ngại của ngành công nghiệp thuốc lá về mức tăng thuế quá sốc liệu có ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh tại Việt Nam?. Theo ông Đào Thế Sơn, tình hình kinh doanh của ngành thuốc lá vẫn rất khả quan, vẫn tăng trưởng trong khi xu thế tăng bệnh tật (và kéo theo là chi phí y tế) lại rất đáng lo ngại, Việt Nam cần cấp bách đảo ngược cả hai xu thế này.

Về sự lo ngại về sản lượng và tiêu thụ, các chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ cho thấy tình hình kinh doanh thuốc lá vẫn tăng trưởng tốt trong 10 năm vừa qua. Chỉ số sản xuất/tiêu thụ có mức tăng chậm lại gần thời điểm các năm tăng thuế 2016, 2019, nhưng không đáng kể. Vì vậy, rất cần tăng thuế ở mức đủ lớn để làm chậm lại đà tăng trưởng về tiêu thụ và giảm tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn (thứ 3 từ trái sang) cho rằng, lo ngại về việc làm khi tăng thuế thuốc lá là thiếu cơ sở và bị phóng đại, bởi việc làm trong ngành sản xuất thuốc lá có tỷ lệ rất thấp và ngày càng giảm, ngay cả khi sản lượng tăng.

Ông Sơn cho rằng, lo ngại về việc làm khi tăng thuế thuốc lá là thiếu cơ sở và bị phóng đại, bởi việc làm trong ngành sản xuất thuốc lá có tỷ lệ rất thấp và ngày càng giảm, ngay cả khi sản lượng tăng. Việc làm trong ngành trồng thuốc lá cũng có tỷ lệ thấp và ngày càng giảm, ngay cả khi sản lượng tăng còn đối với ngành bán lẻ, thuốc lá chỉ là một trong rất nhiều mặt hàng đang được kinh doanh.

Tác động của tăng thuế thuốc lá tới việc làm, việc làm tạo ra trong ngành thuốc lá chỉ chiếm từ 0.39% đến 0.42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Theo những số liệu thống kê thực tế thì ngay cả khi không tăng thuế thuốc lá thì việc làm trong ngành thuốc lá cũng tăng, giảm tùy năm (do tác động của cải tiến công nghệ). Tăng thuế có thể giảm việc làm trong ngành thuốc lá, nhưng lại làm chuyển dịch tăng việc làm ở các ngành khác, làm tăng tổng việc làm của nền kinh tế do thuốc lá là một ngành sử dụng ít lao động hơn các ngành khác

Ông Đào Thế Sơn cũng nhận định, ngành công nghiệp thuốc lá không nên lo ngại về buôn lậu là vấn đề cản trở. Ngành công nghiệp thuốc lá thường phóng đại mức độ buôn lậu thông qua tài trợ nghiên cứu và truyền thông bởi rất nhiều bằng chứng quốc tế không khẳng định tăng thuế làm tăng buôn lậu. Tại Việt Nam thuốc lá lậu thậm chí đắt hơn và thể hiện gu dùng riêng.

Do vậy, giải pháp là “vừa tăng thuế vừa tăng cường kiểm soát buôn lậu”. Tổ chức Y tế Thế giới đã phân tích số liệu từ 94 quốc gia năm 2018 cho thấy:  Không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá ở các quốc gia. Tại các quốc gia có mức giá thấp, buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế cao (như ở Ethiopia, Pakistan, Brazil có giá trung bình thuốc lá từ 0.55-1.3 USD và thị phần buôn bán thuốc lá lậu ở mức từ 33%-46%). Ngược lại, nhiều quốc gia có giá cao lại có thị phần buôn lậu thấp (như Hàn Quốc, Séc, Sri Lanka có giá trung bình thuốc lá từ 4 USD-7 USD/bao và thị phần thuốc lá lậu là từ 0.8-2.9%).

Ngân hàng Thế giới đã đưa ra khuyến cáo: Buôn lậu thuốc lá là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng ngay cả khi có buôn lậu thì bằng chứng từ nhiều quốc gia cho thấy tăng thuế thuốc lá vẫn làm tăng thu ngân sách và giảm tiêu dùng. Hơn nữa các chính phủ có thể đồng thời thực thi các chính sách kiểm soát buôn lậu như tem thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe ngôn ngữ địa phương (để phân biệt thuốc lậu), thực thi nghiêm việc chống buôn lậu và áp dùng các hình thức xử phạt nặng các vi phạm”.

Đặc điểm tiêu dùng thuốc lá lậu tại Việt Nam: Tiêu dùng thuốc lá lậu tại Việt Nam không nhất thiết phụ thuộc vào sự tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mà do nhiều lý do khác: Thuế nhập khẩu, vấn đề kiểm soát buôn lậu, thị hiếu tiêu dùng,… Tỷ lệ thuốc lá lậu năm 2015-2017 có xu hướng giảm đáng kể so với 2010-2012, mặc dù có tăng thuế vào năm 2016: từ mức 20% xuống mức 15-17%. Số liệu điều tra cũng cho thấy giá trung bình của thuốc lá lậu cao hơn thuốc lá hợp pháp khoảng 30-60% và có đặc tính thể hiện gu hút hơn là vấn đề chênh lệch giá (90% thuốc lá lậu tập trung vào một số nhãn thuốc, và có đặc tính theo địa phương).

Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn cũng đưa ra những kiến nghị, theo đó Việt Nam nên áp dụng tăng thuế TTĐB từ năm 2026 với thành phần thuế tuyệt đối bổ sung để chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp. Thành phần thuế tuyệt đối cần tăng hàng năm chống xói mòn do lạm phát, thu nhập nhằm đảm bảo sức mua thuốc lá giảm. Để đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá theo chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá thì cần phải tăng thuế theo lộ trình khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới

Quan điểm của Bộ Y tế về thuế thuốc lá 

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế nêu lên những định hướng, quan điểm của Đảng và Nhà nước về thuế TTĐB đối với thuốc lá căn cứ theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.

Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030: Đối với thuế TTĐB: “Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế TTĐB một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; Nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB”.

Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, theo đó yêu cầu “Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”.

Quyết định này giao Bộ Tài chính “Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược; xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; nghiên cứu và đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ hoặc phương án sử dụng cơ cấu thuế hỗn hợp; xây dựng Đề án cải cách thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá, trình Chính phủ trước năm 2025”.

Bộ Y tế ủng hộ và hoàn toàn nhất trí với Bộ Tài chính về một số đề xuất trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm thể chế hóa và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật như đã nêu tại dự thảo Tờ trình, đặc biệt đối với lĩnh vực y tế là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tuy nhiên, để bảo đảm bám sát hơn nữa với các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tăng thuế đối với thuốc lá để đến năm 2030 đạt được tỷ lện 75% theo khuyến cáo của WHO và yêu cầu tại Chiến lược kèm theo Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị không đưa vào Luật này các quy định liên quan đến sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới vì hiện nay còn chưa rõ khái niệm về sản phẩm do chưa có cơ sở pháp lý. Nhiều quốc gia  đang cấm kinh doanh các sản phẩm có hại cho sức khỏe này. Các đề xuất của Bộ Y tế xuất phát từ lý do vì lợi ích sức khoẻ người dân, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Việt Nam mong muốn WHO giúp nâng cao năng lực y tế dự phòng, bảo đảm thuốc, vaccine
Đây là những vấn đề được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu lên tại buổi tiếp Tiến sĩ Saia Ma'u Piukala, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, sáng 13/5.