Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 4 và tiến vào biển Đông

Minh Tú - 17:30 17/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Rạng sáng 17/9, cơn áp thấp nhiệt đới đã vượt qua đảo Ludong (Philippines) vào vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông. Dự kiến ngày mai, ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới này sẽ mạnh lên thành bão (bão số 4) với sức gió mạnh cấp 8 khi di chuyển đến vùng biển giữa Biển Đông (khu vực Hoàng Sa).

Hướng di chuyển của báo phức tạp với hai tình huống

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào hồi 10:00 sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc, 119,9 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9. Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20km/giờ về hướng quần đảo Hoàng Sa và có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới.

Diễn biến của áp thấp nhiệt đới này còn rất phức tạp với hai tình huống

Bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta, gây gió giật mạnh, mưa lớn ở khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày tới. Diễn biến của áp thấp nhiệt đới này còn rất phức tạp với hai tình huống (dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển và hướng di chuyển). 

Tình huống thứ nhất: Bão có khả năng di chuyển về phía khu vực Trung Trung Bộ. Nếu diễn ra theo kịch bản này thì tác động của bão đối với khu vực trên sẽ có thể sớm hơn từ 1-2 ngày (khoảng ngày 19-20/9). Theo tình huống này, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thành phố Đà Nẵng

Tình huống thứ hai: Bão đổi hướng và di chuyển theo hướng Tây Bắc đi về phía khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nếu diễn ra theo kịch bản này thì tác động của bão đến đất liền sẽ vào cuối tuần này và nó khá giống với siêu bão YAGI - bão số 3 (vị trí hình thành của cơn áp thấp nhiệt đới hiện nay cùng ở khu vực phía Đông của đảo Luzon - Philippines). Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào khoảng sau ngày 19/9 còn có khả năng có khối không khí lạnh nhẹ đầu mùa từ phía Bắc di chuyển xuống, tất cả những điều kiện khí quyển hiện tại và tương lai khiến cho đường đi của áp thấp nhiệt đới, sau sẽ là cơn bão sẽ phức tạp hơn nhiều so với siêu bão YAGI.

Tình hình thời tiết trên biển

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay, ở vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7. Ngoài ra, đêm 17 và ngày 18/9, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Bắc, Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Hiện nay, mực nước triều tại khu vực ven biển phía Tây của Nam Bộ đang ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2, riêng khu vực Bắc Biển Đông cấp 3

Dự báo đêm 18 và ngày 19/9:
- Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; biển động rất mạnh; sóng biển cao 3,0-5,0m.

- Vùng biển phía Bắc khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 3,0-5,0m.
- Vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 3,0-5,5m.
- Vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, vùng biển phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 3,0-5,0m, riêng vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau sóng biển cao 2,0-4,0m.
- Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-3,0m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2, riêng khu vực Bắc Biển Đông cấp 3. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

Chủ động ứng phó với bão số 4

Sáng nay, 17/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an.

Công điện nêu: Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay (ngày 17 tháng 9 năm 2024), áp thấp nhiệt đới đã vượt qua đảo Ludong (Philippines) vào vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông; hồi 10 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc, 119,9 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9. 

Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20km/giờ về hướng quần đảo Hoàng Sa và có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới.

Bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta, gây gió giật mạnh, mưa lớn ở khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày tới.

Diễn biến của áp thấp nhiệt đới này còn rất phức tạp (dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển và hướng di chuyển).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh ven biển và các Bộ ngành liên quan tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.

Rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi.

Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đoàn kết, vững lòng tin vào Đảng, Chính phủ để vượt qua siêu bão Yagi
Cơn cuồng phong mang tên Yagi tràn vào Việt Nam, đã và đang gây ra nhiều hậu quả nặng nề, nhiều người bị thiệt mạng, mất tích, bị thương, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp bị tàn phá... Với tất cả nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các địa phương, công tác phòng chống bão lụt và khắc phục hậu quả thiên tai đang được tiến hành khẩn trương nhưng lúc này tin xấu, tin giả đang tràn lan, làm náo động, gây hoài nghi trong xã hội, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Chính quyền các cấp.