Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Biến đường giao thông thành sân phơi thóc

Đình Đức - 15:57 07/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Năm nào cũng vậy, bước vào mùa thu hoạch lúa là một bộ phận không nhỏ bà con nông dân tại nhiều tỉnh thành lại chiếm lòng đường giao thông để biến thành sân phơi thóc. Tình trạng này thường diễn ra nhiều tại các tỉnh như: Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…
Trên QL1A, đoạn tránh TP. Tuy Hoà (Phú Yên) người dân phơi thóc tràn lan hai bên, làm ảnh hưởng, gây mất an toàn giao thông…

Trong những ngày đầu tháng 5/2023, khi di chuyển trên QL1A qua các tỉnh miền Trung, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân chiếm dụng hết phần làn đường dành cho xe gắn máy và xe thô sơ để phơi thóc. Tại không ít chỗ người dân còn phơi thóc ra cả làn đường dành cho xe ô tô. Tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, thì không chỉ QL1A, mà nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã “sân phơi thóc” xuất hiện ở mọi nơi mọi chỗ. Hay như tại tuyến đường tránh TP. Tuy Hoà và dọc tuyến QL1A chạy qua huyện Đông Hoà của tỉnh Phú Yên, thì cảnh người nông dân mang thóc vừa thu hoạch xong lên đường để phơi diễn ra tấp nập, tràn lan. Thậm chí ngay tại quảng trường cửa ngõ TP. Tuy Hoà, các khoảng không gian rộng rãi mặt đường cũng bị người dân tận dụng hết làm chỗ để phơi thóc.

Việc người dân chiếm đường giao thông để làm “sân phơi thóc” nói riêng, cũng như phơi các loại nông sản khác nói chung, là hết sức nguy hiểm, bởi không chỉ làm cản trở các phương tiện, tình trạng này còn mang tới nguy cơ tại nạn giao thông tăng cao. Ngoài ra, khi thóc được phơi trên đường như vậy sẽ khó tránh khỏi đá, sỏi sạn vương vãi lẫn vào, và sản phẩm gạo sau này sẽ bị ảnh hưởng, chất lượng gạo giảm…

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Việc phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, đặt máy tuốt lúa trên đường bộ là vi phạm, và sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (đối với cá nhân), từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (đối với tập thể). Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”.

Người dân phơi thóc tại dốc Cầu Châu, Thị trên QL1A, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Từ thực trạng trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng, chính quyền các tỉnh, TP cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nhắc nhở, cũng như xử phạt nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Vẫn biết là nhu cầu về sân phơi thóc vào mùa thu hoạch lúa là rất lớn và quan trọng, nhưng điều này chính quyền các địa phương có thể giải quyết bằng việc tuyên truyền, hỗ trợ cho nông dân có thể phơi thóc trên các tấm bạt lớn ngay trên đồng ruộng, khoảng không gian nơi vườn tược… như vậy vừa không ảnh hưởng tới giao thông mà sản phẩm gạo sau này không bị đá, sỏi sạn lẫn vào… Việc trang bị các tấm bạt phơi thóc như vậy là rất có lợi và kinh tế, bởi mua tấm bạt một lần nhưng sẽ dùng được nhiều năm…