Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cà Mau: Thiên tai làm hàng ngàn căn nhà dân bị ảnh hưởng

Hoàng Quân - 12:44 13/07/2022 GMT+7
Liên tục từ ngày 7-12/7/2022, dông lốc cùng với triều cường dâng cao đã làm chết 1 người, gây thiệt hại hơn 1.000 căn nhà của người Cà Mau. Không những thế, nước biển dâng cao gần 2m khiến nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở, hàng trăm mét đê xung yếu biển Tây có nguy cơ bị vỡ, đe dọa hàng ngàn hecta hoa màu và cuộc sống hàng ngàn hộ dân.
Đê biển Tây đoạn qua xã Khánh Bình Tây huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau đang đứng trước nguy cơ bị vỡ

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, đến 17h ngày 12/7/2022,  dông lốc kèm nước biển dâng  đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, 5 tàu cá và phương tiện bị chìm. Có 1.147 căn nhà bị thiệt hại (sập 76, tốc mái 812, hư hỏng 8, ngập 251). Thiệt hại 0,56ha nuôi tôm, 168ha muối, sập 345,9ha lúa, 1ha hoa màu. Nhiều công trình công cộng và cây gỗ lớn bị đổ ngã.

Nghiêm trọng nhất, có 80 vị trí ven sông bị sạt lở với 1.708m (trong đó có 464m lộ bê tông), đặc biệt có 9 vụ sạt lở đất ven sông, phá hủy 154m đường, trong đó có 107 m đường bê-tông. Triều cường kết hợp mưa dông lớn còn trực tiếp uy hiếp đến đê biển Tây của Cà Mau.

Theo quan sát tại hiện trường của phóng viên, tại khu vực đê Biển Tây Khánh Bình Đông huyện Trần Văn Thời Cà Mau,  mưa lớn kéo dài kèm theo giông đã làm triều cường dâng cao, sóng biển dâng cao gần 2m trực tiếp uy hiếp thân đê biển Tây. Xuất hiện 2 vị trí sạt lở nguy hiểm, 1 đoạn 100m và 1 đoạn khoảng 20m. Tại đây, thân đê bị sóng đánh trực tiếp gây sạt lở nghiêm trọng, sóng đánh tràn lên mặt đê làm giao thông trên tuyến đê biển Tây bị chia cắt do sóng lớn kéo theo cây cối, rác phủ kín mặt đê. Sáng 12/7/2022, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã xin phép vắng mặt cuộc họp Hội đồng ND tỉnh để xuống hiện trường chỉ huy lực lượng tại chỗ gia cố, chống sạt lở đê biển Tây.

Ông Bùi Văn Đông - Hạt Trưởng Hạt quản lý đê điều Cà Mau, cho biết, đê biển Tây tỉnh Cà Mau dài khoảng 108km, thuộc địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh bảo vệ hơn 90.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn hộ dân. Từ ngày 7 đến 12/7/2022, nước biển dâng tràn qua nhiều đoạn đê gây sạt lở. UBND huyện Trần Văn Thời đã phải huy động hơn 200 lực lượng tại chỗ ứng cứu.

Đợt mưa dông thời tiết xấu ở Cà Mau từ 7-12/7/2022 đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, 5 tàu cá bị chìm cùng hơn 1.000 căn nhà bị ảnh hưởng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4h, ngày 11/7/2022, vùng áp thấp có vị trí ở vào khoảng 14,5 - 15,5 độ vĩ Bắc; 110 - 111.5 độ kinh Đông. Vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực giữa Biển Đông nối với vùng áp thấp nên từ nay và đến ngày 12/7, khu vực phía Nam Biển Đông và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động.

Ông Lê Văn Sử đang chỉ huy lực lượng ứng cứu gia cố đê
biển Tây tại hiện trường sáng 12/7/2022.

Vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động. Sóng biển cao 2 - 4 m. Ngoài ra, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnhTừ ngày 13/7, gió trên các vùng biển có xu hướng hoạt động yếu dần.

TỪ KHÓA #thiên tai