Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đảm bảo đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm trong cải cách hành chính ngành Nông nghiệp

Công Duy - 10:34 10/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- “Tăng 1 bậc so với năm 2022, xếp thứ 6 trên 17 về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” là thông tin được công bố tại hội nghị “Ban chỉ đạo CCHC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” diễn ra chiều 9/5 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự hội nghị “Ban chỉ đạo CCHC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”

Hoàn thiện Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương đã vượt qua khó khăn, thách thức để chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; duy trì đà tăng trưởng và đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao đạt 3,83% (năm 2019 tăng 2,67%; năm 2020 tăng 3,04%; năm 2021 tăng 3,71%; năm 2022 tăng 3,36%), nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng là trụ đỡ của nền kinh tế đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2023, toàn ngành thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ Tư duy sản xuất sang Tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng; lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp thí điểm chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải (GPT) carbon vùng Bắc Trung bộ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố, công khai đầy đủ 168 thủ tục hành chính (TTHC) gồm: 20 TTHC mới, 126 TTHC sửa đổi, bổ sung, 22 TTHC bãi bỏ; rà soát, làm sạch tổng số 356 TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ; đã thực thi 161/168 quy định kinh doanh (đạt 95,83%), 28/49 quy định về TTHC (đạt 57,14%); đã xử lý 8/8 phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Bộ đã hoàn thành 03 nhiệm vụ được giao về xây dựng cơ sở dữ liệu; hoàn thiện Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số các đơn vị thuộc Bộ (DTI); triển khai phát triển nền tảng mạng nhà nông, nền tảng số đầu tiên hỗ trợ HTX và người nông dân trao đổi thông tin về sản xuất, thị trường nông sản nhằm thúc đẩy thương mại nông sản trên môi trường số…

Từ kết quả công tác CCHC trong các năm qua đã góp phần thành tựu năm 2023, Ngành Nông nghiệp và PTNT đạt kết quả, đó là: (1) Kim ngạch xuất khẩu 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước (gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; Lâm sản 14,4 tỷ USD, giảm 15,8%; rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; chăn nuôi 515 triệu USD, tăng 26,2%; Thủy sản đạt 8,9 tỷ USD, giảm 17,8%); (2) Sản lượng lương thực đạt 47,9 triệu tấn tăng 1,7% (lúa đạt 43,5 triệu tấn; Ngô đạt 4,4 triệu tấn; Sắn đạt 10,4 triệu tấn,...); (3) sản lượng gỗ khai thác đạt 20,8 triệu m3, tăng 2,8%; (4) sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; (5) sản lượng khai thác thủy sản đạt 9,3 triệu tấn, tăng 2,3%...

Cải cách hành chính trong nông nghiệp phải đảm bảo đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm

Trong bối cảnh chung đó, công tác CCHC của Bộ và các đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả góp phần thúc đẩy Bộ, ngành phát triển đóng góp vào thành tựu chung của Bộ, ngành Nông nghiệp và PTNT.

Khẳng định tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, CCHC góp phần quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành để ngành đạt được những thành tựu về duy trì tăng trưởng cũng như gia tăng giá trị nông lâm, thủy sản thời gian qua của ngành. Bám sát nội dung, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành 54 nhiệm vụ, 125 hoạt động được giao.

Nhằm nâng cao hiệu quả CCHC trong các đơn vị thuộc Bộ, các đại biểu cho rằng, để hạn chế tình trạng kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất bãi bỏ các thủ tục hành chính, quy định không cần thiết tại các văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi công vụ; kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp...

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp chia sẻ: "CCHC là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lâm nghiệp". 

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp – đơn vị dẫn đầu về cải cách thủ tục hành chính của Bộ chia sẻ, trong bối cảnh mới, công tác cải cách thủ tục hành chính không phải nhiệm vụ kèm theo mà phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cơ quan, đơn vị.

“Căn cứ theo năng lực sở trường, Cục phân công lãnh đạo tham gia phụ trách trực tiếp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. Đối với các đơn vị chuyên môn trực thuộc cũng phải có chuyên viên chuyên trách theo dõi sát đầu mối. Ngay sau khi nhận được kết quả xếp hạng của đơn vị năm 2023, lãnh đạo Cục và các bộ phận cùng nhau phân tích các chỉ số để mục tiêu không phải là điểm số xếp hạng mà nhìn rõ những hạn chế để phấn đấu trong những năm tới cải cách hành chính tốt hơn” – ông Trần Quang Bảo bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, Cục thường xuyên rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Theo ông Bảo, cải cách hành chính được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục, trong quá trình cập nhật cũng như công bố các thủ tục hành chính đều thực hiện rà soát lại các nhiệm vụ công việc chuyên ngành của từng lĩnh vực, dựa trên cơ sở đó để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục cũng đang tích cực thực hiện chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới về cải cách hành chính.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, CCHC không chỉ là công tác thường xuyên mà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ phải đảm bảo tính gắn kết và đồng bộ vừa phải có trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo triển khai. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực do mình quản lý, nhất là về cải cách thể chế, xử lý các điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn cho địa phương và doanh nghiệp khi công bố thủ tục hành chính.

Trong năm 2024, Ban chỉ đạo CCHC của Bộ sẽ tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ giao; đảm bảo đúng tiến độ, hoàn thành mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức và thực hiện Đề án vị trí việc làm của các đơn vị thuộc Bộ theo quy định. 

Thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo yêu cầu, đúng tiến độ.Tiếp tục phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, hệ thống một cửa điện tử, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Triển khai xác định Chỉ số Parindex năm của Bộ 2024 theo kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Nội vụ; thực hiện đánh giá, chấm điểm CCHC các đơn vị theo chỉ đạo, kế hoạch của Bộ năm 2024. Thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và các đơn vị; kiểm tra CCHC các cơ quan, đơn vị.

“Các đơn vị đầu mối của Bộ chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu, nội dung của Bộ về công tác CCHC, đặc biệt phải đôn đốc, kiểm tra báo cáo về các nội dung trong lĩnh vực do Bộ quản lý; tổ chức triển khai tốt các kế hoạch đã được Bộ trưởng phê duyệt. Đối với mỗi nội dung cụ thể cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để triển khai hiệu quả. Về phía các đơn vị chuyên môn của Bộ phải xây dựng kế hoạch triển khai công tác CCHC của đơn vị, trong đó xác định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, phải xác định đâu là trọng tâm của đơn vị để tổ chức thực hiện” – ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu.