Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Cám ơn đám cháy”

21:14 28/03/2018 GMT+7

Mùa khô nóng vẫn chưa bước vào giai đoạn cao điểm. Ngay sau đám cháy thương tâm ở chung cư Carina Plaza (TP.HCM), tại nhiều đô thị trên cả nước (Hà Tĩnh, Hà Nội . . .) lại tiếp tục xảy ra những vụ cháy lớn khác. Do mật độ dân cư, công trình dày đặc nên các đám cháy ở đô thị thường để lại hậu quả nghiêm trọng cả về người và của.

Hãy tạm để sang một bên trách nhiệm của các chủ đầu tư công trình, bởi đây là câu chuyện cần đến sự vào cuộc của các cơ quan tư pháp và chính quyền. Hãy thử xem, khi đã xảy ra cháy thì các lực lượng chức năng có thể làm gì. Theo các nguồn tin báo chí, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM chỉ mất 7 phút (từ 1h27 đến 1h34 sáng 23/3) để có mặt chữa cháy, kể từ lúc nhận tin. Và 2h sáng thì đám cháy được dập tắt. Gần 200 người dân đã được lực lượng PCCC trực tiếp cứu sống bằng cách đưa ra khỏi vùng ngạt khói của chung cư, hàng ngàn người được hướng dẫn, gián tiếp đưa khỏi nơi nguy hiểm.

Nhưng những nỗ lực đáng ghi nhận đó vẫn chưa đủ, vì lực lượng PCCC lực bất tòng tâm. Các xe thang cứu hỏa hiện đại nhất của TP.HCM mới chỉ vươn được đến tầng thứ 20, trong khi tòa nhà cao nhất ở đô thị đặc biệt này cao tới 81 tầng. Cần nói thêm rằng xe thang có chức năng chính là tổ chức chữa cháy, chứ không phải là cứu nạn, vì mỗi lần lên xuống chỉ đưa được 2-3 người khỏi đám cháy.

Dự định mua trực thăng chữa cháy đã từng được nêu ra và… nguội đi, nay nóng trở lại, song tiếp tục được coi là bất khả thi. Trực thăng chuyên dụng (có khả năng dừng tại chỗ, nhưng phải bay trước cửa sổ của tòa nhà cao tầng, để phun nước và chất chữa cháy vào) thì quá đắt đỏ, ước chừng trên dưới 10 triệu USD/ chiếc, hơn nữa, với cách quản lý bầu trời và các hoạt động bay hiện hành, nhiều chuyên gia cho rằng để trực thăng cất cánh được thì bà Hỏa đã gần như… xong việc!

Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “phòng cháy chữa cháy” (và tất cả các trường hợp kiểm soát rủi ro khác) luôn đặt “phòng” lên trước “chữa”. Vấn đề cấp phép đầu tư xây dựng dự án chung cư và những chủ trương chính sách theo sau đó, đã được nói đến rất nhiều lần, vẫn chưa bao giờ cũ. Khi cho phép xây dựng những toà nhà 50-60 tầng, phải tính toán mức tiêu thụ điện, nước, mật độ dân cư trong tòa nhà, tiên lượng trước nếu xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ giải cứu thế nào… Về phía mình, các cư dân chung cư cũng không thể bỏ qua những trang thiết bị cứu nạn và kỹ năng thoát nạn.

Ý thức về an toàn là “vũ khí” đầu tiên và vô cùng hiệu quả mà tất cả các bên – cơ quan quản lý, chủ đầu tư, đơn vị vận hành chung cư và từng cư dân đang sinh sống trong khu vực – cần trang bị cho mình, trước khi có thể hy vọng có trực thăng đến cứu!

Và như thế, còn lại sau đám cháy không chỉ nỗi buồn thương, mà còn là quá nhiều việc phải làm, cùng một câu “cám ơn đám cháy”!

Cẩm Hà