Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cao Bằng cần thêm nguồn lực cho các vùng khó khăn

Nông Văn Quốc - 15:56 20/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Cao Bằng đã tích cực chủ động trong công tác phối hợp, triển khai xây dựng mô hình điểm để làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, vùng sâu, vùng xa chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn chưa đến được với người dân.

Chủ động phối hợp để tăng hiệu quả tuyên truyền
Ông Bế Trọng Hàm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng cho biết: Sau khi có Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc các bộ, ngành, UBND các cấp phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh và các sở, ngành thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. 
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập được Ban Chỉ đạo của tỉnh gồm có 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Phó ban thường trực là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Hàng năm, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện ở cấp huyện và các cơ sở. Ban hành hơn 738 kế hoạch và văn bản chỉ đạo về việc triển khai, thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, định kỳ hàng tháng tham gia tiếp công dân tại Ban tiếp công dân tỉnh.
Các nội dung Hội Nông dân tỉnh phối hợp với chính quyền các cấp như: Tham gia xây dựng pháp luật; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; bồi dưỡng nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 
Về hình thức phối hợp là các cấp Hội tham gia bằng văn bản, tham gia trực tiếp các cuộc tiếp công dân định kỳ của UBND các cấp, trực tiếp tổ chức các hội nghị về tuyên truyền, phổ biến pháp luật; bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm tra, tiếp công dân, hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, tiếp công dân, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền... 
“Từ năm 2015 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức dược 20 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho các cộng tác viên, tuyên truyền viên cơ sở được 2.040 người; 6 tháng đầu năm 2023 phối hợp với UBND tỉnh tổ chức 01 Hội nghị về thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg cho 100 cán bộ chủ chốt Hội ND cơ sở. Toàn tỉnh tuyên truyền được 9.873 cuộc với 782.413 lượt hội viên, nông dân (6 tháng đầu năm 2023 được 1.090 cuộc – 79.837 hội viên); tư vấn trợ giúp pháp lý cho nông dân được 1.550 cuộc với 50.726 hội viên. Các cấp Hội Nông dân tham gia với UBND các cấp tiếp công dân được 2.955 lượt người. Số đơn thu tiếp nhận thuộc thẩm quyền 747 đơn, không thuộc thẩm quyền 588 đơn. Tham gia giải quyết mâu thuẫn nhỏ của nông dân được 1.042 vụ; tham gia hòa giải thành công 1.402 vụ; Hội trực tiếp hòa giải được 35 vụ việc mâu thuấn của nông dân...”, ông Bế Trọng Hàm cũng thông tin.

Tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ Hội ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Để triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình và xây dựng 01 Câu Lạc bộ Nông dân với pháp luật với 42 thành viên tham gia. Hội Nông dân huyện, thành phố đã trực tiếp tham gia sinh hoạt chi hội điểm để cùng lắng nghe, tìm hiểu, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nông dân, kịp thời phản ánh với Đảng, chính quyền các cấp về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đề xuất phối hợp giải quyết, xử lý các đơn thư khiếu nại, các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở huyện và tỉnh. Nhờ vậy, giải quyết mâu thuẫn tranh chấp ngay tại cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp,.
Nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền
Theo ông Bế Trọng Hàm, mặc dù Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đạt được một số kết quả như tham gia xây dựng pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bồi dưỡng nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo….
Tuy nhiên, bên cạnh đó các cấp Hội có một số khó khăn, hạn chế như:  Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc quán triệt, tuyên truyền các văn bản mới cần triển khai chưa thường xuyên. Các văn bản liên quan đến hệ thống pháp luật được bổ sung mới, nhiều nhưng chưa còn chậm được triển khai, phổ biến. Việc nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nông dân chưa sát sao nên việc phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nông dân còn chậm, dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp vẫn còn xảy ra nhất là những vụ việc liên quan đến thu hồi đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 Ông Hàm cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế đó là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, phối hợp với các cấp Hội Nông dân trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một việc khó khăn, phức tạp, trong khi đó phần đông đội ngũ cán bộ Hội Nông dân chưa có nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm công tác nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của đại bộ phận nông dân còn hạn chế nên luật khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức pháp luật. Một nguyên nhân quan trọng nữa là kinh phí từ Ngân sách Nhà nước của địa phương dành cho các cấp Hội Nông dân trong việc xây dựng các mô hình điểm của huyện, thành phố có hạn chế đã ảnh hưởng phần nào đến chất lượng và các nội dung của quy chế phối hợp tại các huyện và cơ sở.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Bế Trọng Hàm đề nghị, Hội Nông dân Trung ương cần tăng thêm nguồn lực cho các vùng khó khăn như Cao Bằng, cụ thể như tiếp tục quan tâm và hỗ trợ kinh phí hàng năm để mở các lớp tập huấn về giải quyết khiếu nại, tố cáo.