Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Để một con tàu là cột mốc, mỗi ngư dân là một chiến sĩ giữ chủ quyền quốc gia trên biển

23:04 20/05/2019 GMT+7
Ngày 20/05/2019 tại Hội trường UBND xã Thổ Châu, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 đã tổ chức sơ kết 2 năm (2017-2018) thực hiện mô hình công tác Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với Ngư dân”. Đến dự có Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh

Ngày 20/05/2019 tại Hội trường UBND xã Thổ Châu, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 đã tổ chức sơ kết 2 năm (2017-2018) thực hiện mô hình công tác Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với Ngư dân”. Đến dự có Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, các đơn vị Cảnh sát biển vùng 4 cùng đại diện chính quyền các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và hàng trăm người dân địa phương.

Cứu hộ, cứu nạn ngư dân, là nhiệm vụ chiến đấu thời bình của chúng tôi

Tại hội nghị, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết khẳng định: “Cảnh sát biển Việt Nam đang ngày càng trưởng thành hiện đại, sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con ngư dân về mọi mặt cứu hộ, cứu nạn, hậu cần để bà con bám biển. Để mỗi lá cờ Tổ quốc tung bay trên các con tàu của ngư dân, là cột mốc chủ  quyền quốc gia trên biển”.

Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã thường xuyên duy trì trực chiến từ 01 đến 02 tàu, xuồng trực tại các đảo xa bờ. Nhất là khu vực Bắc đảo Phú Quốc, Thổ Châu. Có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Qua đó, kịp thời xử lý tốt các tình huống xảy ra, nhất là khi các tàu nước ngoài xua đuổi, đâm va, cướp ngư lưới cụ. Các tàu này đã trực tiếp hướng dẫn và tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Trong nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho ngư dân, xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, nên dù điều kiện thời tiết khó khăn, mưa bão hoặc ở vùng biển xa, các lực lượng và phương tiện của Bộ Tư lệnh Vùng vẫn có mặt kịp thời để cứu giúp ngư dân. Trong 2 năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng đã sử dụng 15 lượt tàu, xuồng  thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu kéo được 15 tàu, thuyền với 36 người.

Ông Thái Châu Báu, Phó Ban Dân Vận tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Sự có mặt của Lực lượng Cảnh sát biển trên vùng biển Tây Nam thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cùng ngư dân dương cao ngọn cờ chủ quyền trên biển

Qua hai năm triển khai thực hiện, Bộ Tư lệnh Vùng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ở 03 xã đảo Thổ Châu, (Phú Quốc, Kiên Giang), Lại Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang), Thị trấn Gạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau) tổ chức tuyên truyền cho hơn 4.500 cán bộ và nhân dân; 870 giáo viên, học sinh; cấp phát 6.000 tờ rơi tuyên truyền cho tàu cá cùng ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc Bộ Tư lệnh Vùng quản lý. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền được tiến hành linh hoạt, đa dạng, sinh động, sát thực, hiệu quả như: Tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; phát tờ rơi, tờ gấp; băng rôn, khẩu hiệu; cử các các tổ, đội tuyên truyền theo nhiệm vụ; phát loa tuyên truyền trên các tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển…Đặc biệt là tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” ở các trường Trung học cơ sở tại các xã đảo và thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau; Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang.

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND Thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau.

Nội dung mà những người lính cảnh sát biển đã miệt mài tuyên truyền vận động nhân dân từ đa dạng chuyên sâu, đến đơn giản dễ hiểu. Từ Công ước Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Thủy sản; Luật Phòng chống tội phạm ma túy; tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển của nước ngoài để khai thác hải sản trái phép đặc biệt là vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia…; Đến tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước để khuyến khích, động viên nhân dân ổn định sinh sống trên đảo, tích cực bám ngư trường khai thác; tuyên truyền về tình hình biển, đảo. Kết quả, đã nâng cao tinh thần yêu nước, tình yêu biển, đảo, lòng tự hào dân tộc, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho nhân dân và ngư dân. Xây dựng được ý thức trách nhiệm cho ngư dân đấu tranh với các hiện tượng sai trái, tiêu cực trên biển, đảo như: Vi phạm qui định về trật tự, an toàn trên biển; buôn bán hàng cấm; trốn lậu thuế; đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài; đánh bắt hải sản có tính chất tận diệt, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và phá hoại môi trường sinh thái biển; thông qua tuyên truyền còn giúp cho nhân dân và ngư dân xã đảo Thổ Châu, xã An Sơn, thị trấn Rạch Gốc có nhiều thông tin hữu ích về tình hình biển, đảo.

Ông Lê Bá Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang khẳng định, hai năm thực hiện, ngư dân đã an tâm làm ăn khai thác, hiểu và không vi phạm pháp luật Việt Nam, pháp luật nước bạn; Nâng cao ý thức chủ quyền, bảo vệ tài nguyên quốc gia. Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch Thị Trấn Rạch Gốc cho biết, các nội dung của chương trình, đã rất thiết thực và ý nghĩa đối với chính quyền địa phương và ngư dân. Chính hiệu quả của chương trình đã làm cho tình hình tàu cá Cà Mau vi phạm chủ quyền nước bạn được giảm mạnh đáng kể.

Giúp địa phương xây dựng nông thôn mới

Hai năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng đã cùng các xã  đảo, ven biển thực hiện có hiệu quả phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “xây dựng Nông thôn mới”; vận động Tổng công ty Khí điện đạm Cà Mau tặng 01 nhà Đại đoàn kết trị giá 60 triệu đồng. Để thực hiện có hiệu quả, Bộ Tư lệnh Vùng đã chủ động tuyên truyền, vận động 25 doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, nhà hảo tâm tham gia giúp đỡ về tiền mặt với số tiền gần 1 tỷ đồng và vật chất khác như thuốc quân y, cờ Tổ quốc, sách, vở… để cùng Bộ Tư lệnh Vùng đồng hành với ngư dân.

Toàn cảnh hội nghị

Song song với đó, Bộ Tư lệnh Vùng đã tổ chức tốt các lớp tập huấn, hướng dẫn bồi dưỡng công tác bảo đảm an toàn, phương pháp sơ cấp cứu người bị đuối nước cho ngư dân; tổ chức thi tìm hiểu kiến thức về biển, đảo, truyền thống địa phương cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn; tổ chức các hoạt động giao lưu VHVN, viếng nghĩa trang liệt sỹ; cùng với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thăm, tặng quà gia đình chính sách, ngư dân nghèo, học sinh nghèo học giỏi; nhận đỡ đầu 03 cháu học sinh nghèo học giỏi (300.000 đồng/1 cháu/1 tháng – thường xuyên từ tháng 4 năm 2017 cho đến nay); tặng cờ Tổ quốc, áo phao, phao tròn; các phần quà khác cho học sinh nghèo học giỏi; khám và cấp thuốc miễn phí cho ngư dân; tặng sổ tay hướng dẫn cấp cứu thông thường, tủ thuốc và túi thuốc… tổng trị giá quà tặng 450 triệu đồng.

Ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu khẳng định, chương trình đã nâng cao nhận thức người dân địa phương về ý thức bảo vệ chủ quyền và bảo tồn môi trường biển. Từ khi chương trình khởi động, tình hình vi phạm về an ninh trật tự môi trường trên địa bàn đã giảm hẳn, tạo điều kiện cho Thổ Châu ổn định phát triển kinh tế xã hội, góp phần to lớn giúp địa phương đạt 13/19 tiêu chí  để phấn đấu trở thành xã Nông thôn mới. Một nỗ lực không hề dễ dàng ở một xã đảo khó khăn, nơi tiền tiêu cực Tây Nam của Tổ Quốc.

 Hoàng Quân