Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Địa đạo Kỳ Anh - Nơi mang đậm dấu ấn lịch sử

Đào Ngọc Thuỷ - 07:09 27/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Làng Thạch Tân thuộc xã Kỳ Anh (nay là xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) nằm trong Khu di tích Địa đạo Kỳ Anh. Điều đặc biệt ở đây, hàng năm, cứ đến Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 là nhà nào cũng tất bật chuẩn bị làm giỗ để tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.
Ông Huỳnh Kim Ta - Trưởng Ban Quản lý Di tích Địa đạo Kỳ Anh, Trưởng thôn Thạch Tân bên hầm tránh pháo của người dân ở Địa đạo Kỳ Anh.

Hiện nay, Khu di tích địa đạo Kỳ Anh là một trong ba địa đạo lớn của cả nước được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, sau địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị) và địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Đây là nơi ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của những người con đất Quảng Nam anh hùng và của dân tộc Việt Nam. 

Làng Thạch Tân - cả làng có giỗ vào ngày 27-7

 Ông Huỳnh Kim Ta - Quản lý Khu di tích Địa đạo Kỳ Anh, đồng thời là Trưởng thôn của thôn Thạch Tân cho biết: Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, xã Kỳ Anh có 1.252 liệt sỹ và 237 Mẹ Việt nam Anh hùng. Riêng thôn Thạch Tân trong chiến tranh chỉ có 140 hộ gia đình nhưng có 203 liệt sĩ và 59 Mẹ Việt Nam Anh hùng, còn lại là gia đình có công với cách mạng.

 Hiện nay, thôn Thạch Tân có 263 hộ gần 1000 người dân, 59 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện chỉ còn 1 mẹ còn sống. Thôn Thạch Tân có 14 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, chủ yếu là những người bị tàn tật, không có người thân, là một phần hậu quả trong chiến tranh. Nhiều người tuổi đã cao nên không thể xóa nghèo.

Để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ và những người cống hiến cho các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Nhà nước, tỉnh Quảng Nam và TP. Tam Kỳ đều có ngân sách hỗ trợ cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng. Hàng năm, vào các dịp Tết Nguyên Đán và ngày Thương binh, liệt sỹ 27-7, Đảng bộ và chính quyền các cấp đều tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sỹ, vợ liệt sỹ...
Theo ông Huỳnh Kim Ta, vào dịp ngày Thương binh, liệt sỹ 27-7 thì nhà nào cũng làm giỗ. Bởi vì, ở đây, nhà nào cũng có người hy sinh cho cách mạng, có thể đó là những người con hy sinh tại mảnh đất Kỳ Anh hoặc những người con hy sinh tại các chiến trường nhưng không biết ngày hy sinh, phần mộ bị thất lạc nên các gia đình đã cũng chọn ngày 27-7 để cúng giỗ cho người đã mất, nhớ đến các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho quê hương đất nước.

Du khách tham quan được nghe giới thiệu về Địa đạo Kỳ Anh.

Huyền thoại trong lòng đất, niềm tự hào của dân tộc

Địa đạo Kỳ Anh được xây dựng trong bối cảnh lịch sử của cuộc đấu tranh chống Mỹ vào giai đoạn quyết liệt nhất ở chiến trường Quảng Nam những năm 1964 - 1975. Tháng 5/1965, để cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ vội vàng đưa quân vào miền Nam Việt Nam cùng với quân ngụy và chư hầu thực thi chiến dịch: “Bình định nông thôn”, “Tiêu diệt và Bình định” mở rộng chiến dịch “về làng”, bắt bớ càn quét, đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng. 

Theo ông Huỳnh Kim Ta, Địa đạo Kỳ Anh xây dựng trong 2 năm 1966- 1967, nằm trọn trong xã Kỳ Anh, tập trung nhiều nhất ở 2 điểm là thôn Thạch Tân, thôn Vĩnh Bình. Địa đạo có tổng chiều dài dưới lòng đất là 32km, cách mặt đất chừng 1,6m, chiều rộng từ 0,5 - 0,8m, chiều cao khoảng 0,8-1m. Chiều dài các đoạn địa đạo tùy theo địa thế của mỗi thôn, trong lòng địa đạo có nơi rất hẹp, nhằm đề phòng khi địch phát hiện miệng địa đạo, dùng hơi cay hay lựu đạn ném xuống, ta dễ dàng bịt kín ngăn đoạn còn lại để thoát tránh thương vong. 

Trong 10 năm chiến tranh, quân và dân xã Kỳ Anh đã đánh 1.052 trận, loại địch ra khỏi vòng chiến đấu 3.751 tên, trong đó 55 tên Mỹ, diệt 57 tên ác ôn, bắt sống 150 tên, diệt gọn 5 trung đội dân vệ và biệt lập, một đại đội biệt kích, một trung đội Mỹ, đánh thiệt hại nặng 6 trung đội dân vệ, 3 đại đội và 3 tiểu đoàn Cộng hòa, bắn cháy 3 máy bay, 15 xe quân sự, thu 500 súng các loại.

Với sự kiên cường, anh dũng chiến đấu và sự sáng tạo ấy, năm 1994, quân và dân xã Kỳ Anh vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước là xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được Đảng và Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

 Trong những năm qua, ở tỉnh Quảng Nam nói chung và Tam Kỳ nói riêng cũng đã đầu tư cho khu di tích nhiều nhưng Địa đạo Kỳ Anh có diện tích rộng và khi xây dựng cũng chưa đảm bảo xứng tầm với di tích cấp Quốc gia nên khi đi vào hoạt động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách đến tham quan. “Tôi làm ở khu di tích này từ năm 2012, nhiều điểm cũng đã xuống cấp nên rất mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư để nâng cấp di tích này ngày càng hoàn thiện hơn để đón khách chu đáo, thăm quan được nhiều hơn” - ông Huỳnh Kim Ta bày tỏ.

Cũng theo ông Huỳnh Kim Ta, hiện nay ở Quảng Nam và Đà Nẵng có 2 điểm du lịch lớn là Tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Chính vì vậy, việc xây dựng Di tích địa đạo Kỳ Anh trở thành khu du lịch mang tính lịch sử là thuận lợi, thu hút nhiều khách đến tham quan. “Hiện nay, mỗi ngày tôi hướng dẫn, giới thiệu cho khách thăm quan từ 5-7 đoàn, đông nhất dịp 30-4 , rất nhiều đoàn đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Họ đến đây để tìm lại cội nguồn, các anh, các chú sống ở dưới hầm đánh giặc, để tưởng nhớ và khâm phục tinh thần dũng cảm, sự sáng tạo, ý chí quật cường của người dân nơi đây đã kỳ công xây dựng nên một “Thành đồng trong lòng đất”, bất chấp gian khổ, hy sinh” - ông Huỳnh Kim Ta nhấn mạnh. 

“Tôi được sinh ra trên mảnh đất Kỳ Anh, sống trong giai đoạn chiến tranh, chứng kiến những người cha, người mẹ, các anh, các chị, bà con lối xóm làm địa đạo để kháng chiến nên với công việc này tôi hiểu rõ và mong muốn cung cấp nhiều thông tin đến với khách thăm quan, giúp họ hiểu, trân quý hơn những công lao đóng góp, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước”.
Ông Huỳnh Kim Ta – Trưởng thôn Thạch Tân, Trưởng ban quản lý di tích địa đạo Kỳ Anh