Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

8 giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

(Tapchinongthonmoi.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến cán bộ và công tác cán bộ. Người coi đó là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Ông Phạm Xuân Hồng - Trưởng ban Tổ chức (T.Ư Hội NDVN).

Thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ Hội

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…”. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định mục tiêu tổng quát:  “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc...”.  Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20 tháng 12 năm 2023 của Bộ Chính trị, đã xác định nhiệm vụ, giải pháp đối với cán bộ Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn mới: “Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội bảo đảm số lượng, chất lượng; cán bộ Hội phải có uy tín, trình độ, năng lực thực tiễn, trưởng thành từ phong trào quần chúng, nhất là cán bộ chuyên trách, cán bộ cơ sở, chi hội trưởng”... “Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực, phương pháp, kỹ năng công tác cho cán bộ Hội các cấp…”.

Quán triệt và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đã xác định mục tiêu tổng quát: “…xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân, tận tụy phục vụ nông dân; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng và củng cố cơ sở Hội vững mạnh”. Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xác định quan điểm, mục tiêu về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ mới đó là: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta, để làm tốt công tác cán bộ nhằm xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh vì mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Công tác cán bộ có vai trò quyết định đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng Hội, có ý nghĩa quyết định sự thành công của công tác Hội và phong trào nông dân. 

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua các cấp Hội Nông dân luôn quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Hơn 10 năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức đào tạo 37 lớp trung cấp cho 2.356 cán bộ cơ sở Hội và hơn 300 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho gần 260.000 cán bộ các cấp Hội. Đến nay trên 100% cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện và chủ tịch Hội Nông dân cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; 100% cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương, 100% Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã có trình độ trung cấp chính trị trở lên. 

Đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trưởng thành về nhiều mặt, trình độ học vấn và phương pháp vận động quần chúng từng bước được nâng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức cách mạng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với nông dân, có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ có những chuyển biến tích cực; chất lượng lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ ngày càng được nâng cao; sâu sát cơ sở, hiểu nông dân, có trách nhiệm cao với nông dân, nhiều đồng chí lãnh đạo, quản lý của Hội có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tạo nên những mô hình tiêu biểu trong công tác Hội và phong trào nông dân, được cấp ủy và cán bộ, hội viên nông dân tín nhiệm, đánh giá cao. 

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới, trước xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ cán bộ Hội và công tác cán bộ cũng còn một số hạn chế, bất cập: Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được đào tạo bài bản, có hệ thống về công tác vận động quần chúng, nắm phương pháp luận và kỹ năng công tác chưa chắc; trình độ ngoại ngữ và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế; năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ nhất là về kiến thức sản xuất nông nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tin học còn hạn chế. Có một bộ phận không nhỏ cán bộ Hội chưa có ý thức tự tu dưỡng, tự học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, phương pháp vận động, tập hợp nông dân; năng lực, phẩm chất, uy tín của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng và đòi hỏi của hội viên, nông dân. Công tác cán bộ còn hạn chế, bất cập; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn với đánh giá cán bộ một cách thực chất và gắn với các sản phẩm cụ thể, chưa khắc phục được tính cảm tính và nể nang trong đánh giá cán bộ. 

Lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo năm 2024.

Đề xuất giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Hội

Xuất phát từ thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ Hội, đề xuất giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ Hội. Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khoá XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; có tinh thần đoàn kết, xây dựng, gương mẫu, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Các cấp Hội thực hiện nghiêm túc chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ; hằng năm, tham mưu cho cấp ủy đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ Hội các cấp.

Hằng năm, các cấp Hội tổ chức tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đánh giá cán bộ đảm bảo thực chất để có căn cứ đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; đồng thời, rà soát, sàng lọc và đề nghị đưa những cán bộ, đảng viên không đủ tư cách, phẩm chất, năng lực yếu ra khỏi Đảng và tổ chức Hội.

Thứ hai, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực, phương pháp, kỹ năng công tác cho cán bộ Hội các cấp; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng thông qua hoạt động thực tiễn và hướng dẫn kèm cặp; phát động, tổ chức các phong trào, hoạt động thiết thực, cụ thể của Hội Nông dân cơ sở để cán bộ được rèn luyện và trưởng thành. Đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới, cập nhật nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng, đảm bảo tính khoa học, liên thông và có tính kế thừa, phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng.

Khuyến khích phong trào tự học tập, tự nghiên cứu, trao đổi kỹ năng nghiệp vụ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “học để biết, học để làm việc, học để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, học để làm người”, cán bộ Hội phải tự rèn luyện, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, những kiến thức mới, kỹ năng cơ bản, cần thiết, nhất là về nghiệp vụ công tác Hội, kỹ năng, phương pháp công tác nông vận, kiến thức về pháp luật, khoa học, kỹ thuật nông nghiệp, quản lý kinh tế, khả năng vận động, thuyết phục, đối thoại với nông dân... để đáp ứng yêu cầu công tác Hội trong thời kỳ mới. 

Thứ ba, về công tác tuyển chọn, bố trí sử dụng cán bộ: Các cấp Hội thực hiện chặt chẽ quy trình xét tuyển, thi tuyển, tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tự chủ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; có chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, đã qua thực tiễn có uy tín, kinh nghiệm, trưởng thành từ các phong trào quần chúng làm công tác mặt trận, đoàn thể và sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ; hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông, liên kết giữa các khâu trong công tác cán bộ Hội; hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt hệ thống danh mục, vị trí việc làm, khung năng lực cán bộ Hội gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ Hội các cấp, bảo đảm bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc; đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; thí điểm thi tuyển cấp lãnh đạo quản lý Hội các cấp.

Thứ tư, về công tác điều động, luân chuyển cán bộ: Các cấp Hội  bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; giải quyết hài hoà giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận; quan tâm cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; lựa chọn, phát hiện cán bộ trẻ có năng lực nổi trội; tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn, rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm.

Tổ chức Hội tiếp tục đổi mới công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận; đồng thời quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ Hội: Việc đánh giá theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Để làm được điều này, cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể đối với cán bộ Hội ở từng cấp, đánh giá đúng thực chất, công tâm, khách quan. Phải đánh giá cả năng lực, phẩm chất và uy tín; dựa vào kết quả, hiệu quả thực hiện từng công việc bằng những sản phẩm cụ thể, có những yếu tố định lượng về số lượng, chất lượng công việc, thời gian hoàn thành công việc, những giải pháp sáng tạo trong giải quyết công việc, sự tín nhiệm của cán bộ làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Hội. Rà soát, sàng lọc kỹ để kịp thời thay thế những người năng lực hạn chế, uy tín thấp. 

Thứ sáu, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ Hội: Chú trọng đưa vào quy hoạch những cán bộ đã được rèn luyện, thử thách, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Quy hoạch phải sát với thực tiễn, trên cơ sở nắm chắc cán bộ hiện có và nguồn cán bộ, dự báo được yêu cầu sắp đến, đề ra được các biện pháp tích cực, khả thi, hiệu quả. Thực hiện phương châm quy hoạch “động” và “mở”. Có cơ chế phát hiện sớm cán bộ trẻ có đức, tài và triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt để tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Hội. Việc điều chỉnh quy hoạch quan tâm bổ sung cán bộ trẻ, cán bộ nữ là những người ưu tú, có năng lực, triển vọng phát triển, trong đó chú trọng năng lực thực tiễn. Hằng năm Hội đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; phát hiện, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Hội các cấp. Thường xuyên chăm lo xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Hội các cấp đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thực, khách quan, công tâm. Quan tâm tuyển chọn, bố trí sử dụng cán bộ có phẩm chất chính trị tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức xây dựng Đảng, đoàn thể, có thực tiễn, năng lực, tố chất làm công tác tổ chức cán bộ. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, năng lực, đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cấp ủy Đảng với lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức “trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông” và thực hiện tốt 5 việc “Hiểu cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ tám, tiếp tục thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Hội Nông dân các cấp tinh gọn, nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy Ban Kiểm tra các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, cơ cấu và đạt chuẩn theo quy định; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 
 

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức trong sáng
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 18/11/2022 tại Hà Nội, Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức gặp mặt chào mừng 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022) và Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường (3/12/1997 – 3/12/2022).