Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giúp dân, đó là mệnh lệnh từ trái tim

16:13 23/05/2019 GMT+7
Khi được hỏi về câu chuyện “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” của Cảnh sát biển Vùng 4, nhiều ngư dân ở Kiên Giang, Cà Mau… đã nhanh chóng trả lời: “Có mấy ảnh, tụi tui không việc gì phải lo lắng khi ra khơi”. Nhiệm vụ chiến đấu thời bình Đại tá

Khi được hỏi về câu chuyện “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” của Cảnh sát biển Vùng 4, nhiều ngư dân ở Kiên Giang, Cà Mau… đã nhanh chóng trả lời: “Có mấy ảnh, tụi tui không việc gì phải lo lắng khi ra khơi”.

Nhiệm vụ chiến đấu thời bình

Đại tá Nguyễn Đình Khương – Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4, thông tin: “Cảnh sát biển đồng hành ngư dân là mô hình công tác dân vận mà Bộ Tư lệnh Vùng triển khai thực hiện từ năm 2017. Tuy mới hai năm, nhưng đã đạt được những thành quả đáng mừng, đó là nâng cao được một bước về nhận thức của người dân đối với chủ  quyền biển đảo của Tổ quốc và tinh thần thượng tôn pháp luật. Tạo được sự tin yêu tuyệt đối của người dân đối với cán bộ chiến sỹ Cảnh sát biển Vùng 4, và để ngư dân an tâm ra khơi bám biển giữ chủ quyền.

Đại tá Nguyễn Đình Khương, Phó Chính ủy Cảnh sát biển vùng 4

Từ đó, giữa Cảnh sát biển Vùng 4 và ngư dân hình thành một liên kết chặt chẽ, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh vùng biển của đất nước mà Đảng và Nhà nước giao phó đảm trách. Đối với công tác cứu hộ, cứu nạn cho bà con ngư dân, đó là trách nhiệm phải làm và tự hào của lực lượng Cảnh sát biển. Bà con ngư dân như người thân của chúng tôi, họ gặp nạn như người thân chúng tôi gặp nạn. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng là nhờ bà con ngư dân. Bởi vậy khi dân gọi cầu cứu, chúng tôi đều cố gắng tiếp cận nhanh nhất có thể”.

Có mặt trong lực lượng Cảnh sát biển từ những năm đầu thành lập, anh Khương đã rất nhiều lần cùng đồng đội giải cứu ngư dân thoát khỏi nhiều tai nạn, sự cố trên biển. Một lần, tàu của các anh đã lao hết tốc lực cứu một tàu cá của ngư dân bị lật úp, cứu được hàng chục người nhưng còn sót một người trong hầm máy mà không cách nào tiếp cận. Các anh và mọi người đã rất lo lắng, vì trong hầm máy ngoài việc thiếu oxy, còn phải chịu cảnh ngập ngụa dầu nhớt.

Vật lộn 8 tiếng mới đục thủng tàu, nhờ ý chí kiên cường của người bị nạn và nỗ lực của các anh, cuối cùng cũng cứu được người thợ máy đang thoi thóp vì thiếu không khí. Khi đưa nạn nhân lên được tàu của Cảnh sát biển, nhiều anh em không kìm được đã bật khóc vì mừng. Bởi đối với các anh, cứu hộ cứu nạn không chỉ là nhiệm vụ chiến đấu thời bình, mà đó còn là mệnh lệnh từ trái tim.

Chỗ dựa của người dân xã đảo

Người dân đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang) đến giờ vẫn nhắc câu chuyện ngày 12/5/2019, Cảnh sát biển Vùng 4 đã kịp thời cứu sống một gia đình người dân nơi đây. Hôm đó, nhận được yêu cầu hỗ trợ cấp cứu người dân bị nguy kịch của UBND xã Thổ Châu, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4 đã điều ngay Tàu CSB 4039 nhanh  ra đảo Thổ Châu đưa cả gia đình 3 người về Phú Quốc cấp cứu, gồm: Anh Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1976, chị Lê Thị Trang sinh năm 1986, và cháu Nguyễn Văn Khang sinh năm 2004. Cả 3 nạn nhân đều đang trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng, hôn mê sâu. Theo UBND xã Thổ Châu, gia đình anh Nguyễn Văn Bình có thể bị ngộ độc khí tối 11/5/2019 nhưng đến sáng 12/5 mới được người dân phát hiện. Cháu Nguyễn Văn Yên, 10 tuổi, con trai út của gia đình anh Bình đã tử vong trước khi được phát hiện. Và chuyến tàu đó đã kịp cứu sống 3 người còn lại của gia đình, vun đắp thêm niềm tin yêu của người dân đối với Cảnh sát biển.

 

Trung tá Dương Xuân Dũng, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh Sát biển Vùng 4 cùng Thiếu tá Ngô Văn Tuấn, Trạm trưởng Cảnh Sát biển Thổ Chu tặng cờ Tổ quốc, phao cứu sinh.. cho bà con ngư dân đang neo đậu ở bãi Dong, đảo Thổ Chu.

Chú Tư, 74 tuổi, cựu chiến binh, nhà ở tổ 8, là cư dân lâu năm ở đảo, cho hay: Chuyện Cảnh sát biển cứu dân Thổ Châu đã từ nhiều năm nay. Đây là xã đảo xa nhất  của tỉnh Kiên Giang. Tận 5 ngày mới có một chuyến tàu khách Thổ Châu-Phú Quốc, vì vậy nhanh nhất để cứu dân chỉ có các anh Cảnh Sát biển. Chị Nguyễn Thị Lành nhà ở tổ 2, ấp Bãi Ngự, cảm kích: “Bà con ở đây không nghĩ là Cảnh sát biển đến nhanh như vậy, nếu không có mấy anh, gia đình anh Bình đã chết hết. Có các anh, bà con yên tâm bám trụ sinh sống ở đảo hơn”.

Dân thương vì tuyên truyền khéo, dân vận giỏi

Chú Sáu 69 tuổi, Chú Tư 71 tuổi, cư ngụ tổ 8, kể chuyện nhiều năm trước, khi các chú là những ngư phủ lão luyện. Vì mê luồng cá, đã nhiều lần đi vào vùng biển của Indonesia, Malaysia, Thái Lan… đánh bắt. Có chuyến, bị nước bạn bắt giữ tàu và người, phải bán gia sản để chuộc vậy mà vẫn ham vì bên đó nhiều cá. Nhờ các anh Cảnh sát biển giáo dục tuyên truyền đã nhận ra rằng, nước ta nước bạn đều có tài nguyên, chủ quyền quốc gia. Ai cũng phải tự bảo vệ là đương nhiên, mình không vào nhà người ta và cũng không để ai vào nhà mình đánh cắp.

Chú Tư kể, gia đình đang khó khăn do sau bão Linda 1997, 4 con tàu đều bị phá hủy. Giờ chỉ còn một chiếc ghe câu ở Hòn Chon do người con thứ tư làm chủ. Tôm cá không nhiều, phải làm thêm nghề lặn mò ốc, lưới để sống. Nhưng con chú đã nghe lời, cương quyết không bao giờ sang nước bạn đánh bắt câu mực hay cào banh lông vì việc đó là vi phạm pháp luật, phá hoại nơi ở của các loài tôm cá. Hỏi sao chú rành rọt vậy, chú cười: “Mấy anh Cảnh sát biển nói tụi tui hoài, riết tụi tui ở đây hiểu hết à. Ở Trạm có ông Tuấn (Thiếu tá Ngô Văn Tuấn -Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển Thổ Châu) nè, xuống rỉ rả với bà con hoài à. Ghe tàu cá về đậu là thấy ổng xuống tìm bà con ngư dân nói chuyện rồi. Dân vận giỏi vậy hỏi sao bà con không thương, không nghe”.

Lớn lên, con sẽ làm Cảnh sát biển

Buổi tuyên truyền “em yêu biển đảo quê hương” do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4 tổ chức tại UBND xã Thổ Châu những ngày hè tháng 5 đang nhộn nhịp. Có một cậu bé gầy còm đen nhẻm đứng thập thò, thèm thuồng ngắm chiếc xe đạp được tặng từ quĩ Vừ A Dính của Bộ Tư lệnh cho học sinh giỏi ở đây. Hỏi thăm, em nói tên Trần Thanh Nghĩa 13 tuổi, làm ngư phủ được 1 năm. Em kể, em rất thích đi học nhưng nhà nghèo,  đông anh em. Phải nghỉ học từ lớp 6 để theo ba đi theo ghe đánh lưới ghẹ. Em nói, thấy các chú Cảnh sát biển giảng giải thế nào là bảo vệ môi trường, thế nào là chủ quyền nước ta nước bạn. Con thích lắm. Hết năm nay, cố kiếm thật nhiều tiền để quay trở lại học. Để lớn lên, được làm Cảnh sát biển ra khơi bảo vệ ngư dân.

Đồng tình với bạn của mình, em Nguyễn Văn Tài -12 tuổi học lớp 6 Trường THCS Thổ Châu,cũng hào hứng: Buổi lễ hôm nay vui lắm chú, cả lớp con đến dự. Có nhiều bạn được các chú Cảnh sát biển tặng quà, xe đạp như con. Các bạn ấy cũng muốn làm Cảnh sát biển.

Ông Đỗ Văn Dừng -Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho hay: Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” đã nâng cao nhận thức người dân địa phương về ý thức bảo vệ chủ quyền và bảo tồn môi trường biển. Hai năm qua, Cảnh sát biển Vùng 4 đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bồi dưỡng công tác bảo đảm an toàn, phương pháp sơ cấp cứu người bị đuối nước cho ngư dân; tổ chức thi tìm hiểu kiến thức về biển, đảo, truyền thống địa phương cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, viếng nghĩa trang liệt sỹ.

Các hoạt động tuyên truyền, tặng cờ Tổ Quốc, tủ thuốc, phao cứu sinh được Cảnh sát biển duy trì thường xuyên. Đây là hoạt động thiết thực góp phần giúp ngư dân bám biển bảo vệ chủ quyền.

Cùng với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thăm, tặng quà gia đình chính sách, ngư dân nghèo, học sinh nghèo học giỏi. Nhận đỡ đầu 3 cháu học sinh nghèo học giỏi (300.000 đồng/cháu/tháng – thường xuyên từ tháng 4 năm 2017 cho đến nay); tặng cờ Tổ quốc, áo phao, phao tròn, cùng các phần quà khác cho học sinh nghèo học giỏi; khám và cấp thuốc miễn phí cho ngư dân; tặng sổ tay hướng dẫn cấp cứu thông thường, tủ thuốc và túi thuốc… tổng trị giá quà tặng gần nửa tỷ đồng.

Chỉ trong 2 năm 2017-2019 thực hiện “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân ”, Bộ Tư lệnh Vùng đã sử dụng 15 lượt tàu, xuồng  thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu kéo được 15 tàu, thuyền với 36 người. Tổ chức tuyên truyền cho hơn 4.500 cán bộ và nhân dân, 870 giáo viên, học sinh; cấp phát 6.000 tờ rơi tuyên truyền cho tàu cá cùng ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc Bộ Tư lệnh Vùng quản lý.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền được tiến hành linh hoạt, đa dạng, sinh động, sát thực, hiệu quả như: Tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; phát tờ rơi, tờ gấp; băng rôn, khẩu hiệu; cử các các tổ, đội tuyên truyền theo nhiệm vụ; phát loa tuyên truyền trên các tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển về công ước Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Thủy sản; Luật phòng chống tội phạm ma túy; tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển của nước ngoài để khai thác hải sản trái phép, đặc biệt là vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia.

Hoàng Quân