Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nâng cao hiệu quả hỗ trợ đồng bào dân tộc thiếu số tiếp cận thông tin

Quang Tú - 19:42 26/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) - Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu ý kiến.

Tham dự Hội nghị có bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc; cùng nhiều phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương.

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Nhị Thủy cho biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội khoá XIV phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/06/2020. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu chung của Chương trình là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dân số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân...

“Hội nghị giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết về mục tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào tộc thiểu số, miền núi, tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, từ đó ngày càng nrt4” – bà Trần Thị Nhị Thủy nhấn mạnh.

Quang cảnh hội nghị.

Trong Chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra giám sát, đánh giá thực hiện tổ chức thực hiện chương trình; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào...

Chương trình gồm 10 dự án thành phần với nhiều mục tiêu khác nhau. Trong số đó, một trong những dự án được quan tâm, chú trọng tổ chức thực hiện là truyền thông, tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Hội nghị đã nghe ông Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ thông tin về một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thông tin giai đoạn 2021-2025. Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, yêu cầu chung đối với công tác thông tin, truyền thông về công tác giảm nghèo đa chiều đối với các cơ quan báo chí, truyền thông là: Thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về công tác giảm nghèo đa chiều trên cơ sở các chuẩn nghèo đa chiều quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, ngành và toàn xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và công tác huy động nguồn lực đóng góp cho công tác giảm nghèo bền vững; tình hình thực hiện giảm nghèo đa chiều trên các lĩnh vực; những kinh nghiệm trong sản xuất, gương điển hình về giảm nghèo bền vững. Các cơ quan báo chí phổ biến, định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng chương trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, bình đẳng giới; về quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, ưu tiên công tác thông tin, tuyên truyền đến khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Ông Đinh Xuân  Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc chia sẻ thông tin.

Nội dung tuyên truyền được thực hiện trên báo chí, xuất bản phẩm. Thông tin, tuyên truyền qua các hình thức: Sân khấu hóa; tại các buổi sinh hoạt cộng đồng về công tác giảm nghèo; tổ chức nói chuyên chuyên đề, phổ biến cho hộ nghèo về chính sách giảm nghèo; tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; phát động các cuộc thi về thông tin, tuyên truyền trên báo chí và các hình thức khác về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; phát triển, tăng cường hoạt động trang thông tin điện tử về giảm nghèo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương...

Giới thiệu về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc  cho biết, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là thu nhập bình quân tăng hai lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%. Trong đó có dự án truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình..

Ông Đinh Xuân Thắng chia sẻ: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay với dân số trên 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang sinh sống ở 3/4 diện tích của cả nước và hoàn toàn sống ở vùng kinh tế - xã hội có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Với xuất phát điểm thấp nên đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

“Trong khi tỷ lệ dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tính trên tổng số hộ nghèo cả nước năm 2015 là 45,25%, năm 2016: 48,22%, năm 2017: 52,66%, năm 2018: 55,27%, năm 2020: 61,29%, cao hơn 3 - 4 lần so với tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số và có xu hướng tăng lên rõ rệt” - ông Đinh Xuân Thắng thông tin.