Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Tĩnh: “Kích hoạt” phòng, chống cháy rừng mùa cao điểm nắng nóng

Đức Cảnh - 14:47 09/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Dự báo thời tiết mùa khô năm nay diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trước tình hình đó, Hà Tĩnh đã triển khai biện pháp nhằm đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng có hiệu quả.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa Hè năm 2024, khu vực Bắc Trung Bộ nắng nóng sẽ xảy ra nhiều và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, nhất là trong tháng 5 và tháng 6, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trong đó, riêng Hà Tĩnh nhiệt độ liên tục tăng cao, có nơi trên 40 độ C, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng khó kiểm soát. 

Được biết, tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 360 nghìn héc ta rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 120 nghìn héc ta rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy. Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra, Hà Tĩnh đang thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác PCCCR, tập trung cao cho công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Rừng thông nhựa nằm tiếp giáp với khu dân cư được cảnh báo có nguy cơ cháy rất cao

Tại huyện miền núi Hương Sơn hiện có hơn 84 nghìn héc ta rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 20 nghìn héc ta rừng thông, keo được xác định là rừng trọng điểm dễ cháy. Để phòng ngừa nguy cơ thiệt hại, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng đã chủ động triển khai nhiều phương án phòng, chống cháy rừng. 

"Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng cho các hộ gia đình, trường học, đơn vị đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại hiện trường, giám sát việc thực hiện phương án phòng cháy tại các địa phương, đơn vị chủ rừng. Qua đó, kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng", ông Nguyễn Xuân Lâm- Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sơn Giang, huyện Hương Sơn cho biết.

Lực lượng bảo vệ rừng thị xã Hồng Lĩnh sẵn sàng thiết bị khi xảy ra sự cố cháy rừng

Trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh có 1,3 nghìn héc ta rừng, diện tích nằm trên địa bàn hành chính của 5 phường và chủ yếu là rừng trồng thuần, thông nhựa, keo, tràm… có nguy cơ cháy rất cao. Trước tình hình đó, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm thị xã phối hợp với chính quyền các phường và đơn vị chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân.

Mặt khác, hướng dẫn, kiểm tra công tác đốt, dọn thực bì và tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với hộ dân có diện tích đất sản xuất gần rừng. Cùng các hộ có rừng xây dựng phương án PCCCR theo nguyên tắc 4 tại chỗ, đặc biệt chú trọng tu bổ các đường băng, đường ranh cản lửa, chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ, vật tư, phương tiện để PCCCR.

Ông Kiều Đình Linh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Đến nay đơn vị đã phối hợp với chủ rừng tu bổ gần 20km đường băng, đường ranh cản lửa; gắn biển báo, biển cấm lửa tại những vị trí theo quy định và khu vực có nguy cơ cháy cao; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các phường, xã trực tiếp tuyên truyền cho học sinh, người dân; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng”.

Kiểm soát ra vào khe suối, hồ đập ở  khu vực cửa rừng

Dịp cao điểm nắng nóng tại các khe suối, hồ đập ở những khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn ở một số huyện như Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà… thường thu hút rất đông người dân đến giải nhiệt. Quá trình vui chơi, tổ chức ăn uống chỉ cần một sơ suất nhỏ khi sử dụng lửa là có thể xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, tại một số khu rừng có các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lưu lượng người tham quan đông cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. 

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Hải- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, địa phương hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 8 nghìn héc ta, trong đó: Rừng phòng hộ gần 3 nghìn héc ta, rừng sản xuất hơn 5 nghìn héc ta. Trong rừng có rất nhiều khe suối, hồ đập…là những nơi khi thời tiết nắng nóng thường thu hút đông người dân, du khách đến giải nhiệt.

Ông Lê Thanh Hải- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thạch Hà

“Những năm qua, để bảo đảm diện tích rừng trong mùa nắng nóng, chúng tôi luôn thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên, triển khai nhiều kế hoạch, trong đó thực hiện giao khoán, bảo vệ, chăm sóc và khoanh nuôi tái sinh rừng được xem là giải pháp hạn chế hiệu quả được tình trạng cháy rừng, khai thác rừng trái phép. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt dịp cao điểm nắng nóng, lực lượng bảo vệ rừng trực gác thường xuyên, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và ứng cứu kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra”, ông Lê Thanh Hải cho biết.

Liên quan đến công tác phòng chống cháy rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải đã có chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng kiểm tra, rà soát lại phương án, kế hoạch PCCCR đảm bảo sát đúng thực tế, có tính khả thi, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, quan tâm đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống khói độc, công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm, nước uống, vật tư y tế phục vụ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm trực gác, chốt cửa rừng, giám sát để phát hiện sớm lửa rừng, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong suốt thời gian cao điểm nắng nóng phát hiện sớm cháy rừng, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất.

Rừng thông sẽ được phát, chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng

Có phương án, kế hoạch di dời người dân, tài sản của Nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra; có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và có chính sách phù hợp, hiệu quả cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ trực cháy và chữa cháy rừng.

Khi có cháy rừng xảy ra, yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng và UBND cấp xã nơi có rừng bị cháy huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn kịp thời dập tắt đám cháy theo phương châm “4 tại chỗ”, báo cáo cho Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh theo số điện thoại: 0913310611 hoặc 02393855571 để theo dõi, phối hợp chỉ đạo và đề xuất huy động lực lượng chữa cháy rừng cấp tỉnh (khi cần thiết).