Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hậu Giang: Nhiều nông dân có thu nhập tiền tỷ từ sản xuất nông nghiệp

Đức Vượng - 13:00 11/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Hậu Giang, vùng đất trù phú được bồi đắp bởi phù sa sông Mekong, đang ngày càng khẳng định vị thế là một tỉnh nông nghiệp trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long. Điểm sáng nổi bật chính là sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, với hơn 60.500 hộ đạt danh hiệu này.

Hội Nông dân đồng hành cùng nông dân làm giàu

Theo số liệu từ Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”, toàn tỉnh hiện có 60.528 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có 264 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương, 5.563 hộ đạt cấp tỉnh, 14.984 hộ đạt cấp huyện và còn lại là cấp cơ sở.

Con số ấn tượng này cho thấy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Hậu Giang đang phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo bà con nông dân tham gia. Họ không chỉ là những người cần cù, gắn bó với ruộng đồng mà còn là những người tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và huyện Vị Thuỷ tham quan vườn cây trái của nông dân xã Vị Bình
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và huyện Vị Thuỷ tham quan vườn cây trái của nông dân xã Vị Bình

Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần giúp đỡ hội viên nông dân vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, các cấp Hội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ. Điển hình là việc tăng trưởng Quỹ “Hỗ trợ nông dân” đạt gần 57,3 tỷ đồng, hỗ trợ vốn vay cho 1.391 hộ hội viên nông dân với tổng dư nợ hơn 55 tỷ đồng, trong đó có 181 mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao được hỗ trợ vốn.

Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội bảo lãnh, giới thiệu cho 37.052 thành viên vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ 1.552 tỷ đồng. Các hoạt động này đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên nông dân.

Không chỉ hỗ trợ về vốn, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng và doanh nghiệp tổ chức hỗ trợ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cho nông dân về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc... với tổng trị giá 226,7 tỷ đồng. Đồng thời, Hội chủ động phối hợp các ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật 6.430 lớp cho 328.841 lượt hội viên, nông dân tham gia; hỗ trợ hội viên nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản...

Nhờ những nỗ lực này, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.

Nhiều mô hình cho thu nhập cao

Ông Võ Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cho biết, thông qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con giống mới, phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.

Tiêu biểu như mô hình của những nông dân Việt Nam xuất sắc trong những năm qua: Ông Thiều Văn Hải (huyện Châu Thành A), trồng lúa, thu nhập 1,9 tỷ đồng/năm, là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018; bà Trương Ánh Nguyệt (Châu Thành A), nuôi cua đinh, ba ba, thu nhập 10,2 tỷ đồng/năm, là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019;  ông Trần Văn Bá (TP. Vị Thanh), là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020, với mô hình trồng khóm, thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm; bà Võ Thị Hằng (huyện Vị Thủy), mô hình đa canh: cá, hạnh, mít Thái, bơ sáp, mãng cầu Thái, sầu riêng Ri6, thu nhập 2,3 tỷ đồng/năm, là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.

Các điển hình khác như ông Lê Văn Sáu (huyện Phụng Hiệp), mô hình trồng Sầu Riêng, thu nhập 3 tỷ đồng/năm và ông Võ Văn Em (huyện Phụng Hiệp), mô hình trồng Sầu Riêng, thu nhập 5 tỷ đồng/năm, là 2 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; ông Lê Hoàng Duyên (TX.Long Mỹ), là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, mô hình nuôi cá thát lát, thu nhập 1,1 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, bà Nguyễn Kim Thùy (ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp), là nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, chủ nhân của 11 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, xuất khẩu sang Mỹ và là Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm.

 Hậu Giang đã từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh
Hậu Giang đã từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuấtkinh doanh giỏiđoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất hiệu quả. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Nhiều mô hình sản xuất thân thiện với môi trường ra đời, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phong trào cũng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cũng nhân thấy cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền và các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác cần được nâng cao, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho nông dân tham gia vào các chuỗi cung ứng lớn cũng là một hướng đi quan trọng. Cuối cùng, nguồn nhân lực chất lượng cao cần được chú trọng đào tạo, phát huy hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp hiện đại./.

An Giang tăng cường liên kết đưa trái cây vươn ra thế giới
(Tapchinongthonmoi.vn) – An Giang là tỉnh có thổ nhưỡng rất thích hợp cho phát triển cây ăn trái, do đó hoạt động liên kết, tiêu thụ trái cây được quan tâm, doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến liên kết để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.