Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hòa giải khéo – Hoá giải mâu thuẫn từ cơ sở

11:26 21/10/2021 GMT+7

Thời gian qua, các cấp Hội ND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung hướng mạnh về cơ sở, nâng cao vai trò của các cấp Hội trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Qua đó, tạo tinh thần đoàn kết trong hội viên nông dân, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

“Hòa giải khéo phải có lý, có tình”

Ông Trần Hậu Hạnh cho biết: Mấy tháng nay, lúc nào ông cũng tất bật, “đầu tắt mặt tối” vì bận tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương. Với vai trò là Chi hội trưởng Nông dân, ông bận rộn hơn bao giờ hết vì dốc lòng, dốc sức để cùng nhân dân vượt qua đại dịch. Khi địa phương trở về trạng thái “bình thường mới”, cũng là lúc ông dần dần trở lại với công việc hòa giải như trước kia ông vẫn làm.

Ông Hạnh cho biết: Việc nắm bắt tình hình trong tổ dân phố là một công việc như là thói quen của ông. Nếu là chuyện vui, thì ông đến chia vui; nếu là chuyện buồn thì ông chia sẻ. Khi phát hiện trong tổ dân phố có những biểu hiện mâu thuẫn, xích mích thì dù nắng, mưa… ông vẫn miệt mài đến gặp từng người để chia sẻ, tư vấn, hòa giải. Ông Hạnh kể, ông đã tham gia hòa giải nhiều vụ tranh chấp, xung đột.

Ông Hạnh đứng trước bức tường rào giữa gia đình bà N.T.S và gia đình ông V.T.N

Mới đây, ông tham gia hòa giải vụ việc mâu thuẫn không thống nhất xây dựng tường rào giáp ranh giữa hai gia đình bà N.T.S và gia đình ông V.T.N. Trước kia, lối đi chung của gần 20 hộ gia đình chỉ là con ngõ nhỏ. Khi có chủ trương vận động các gia đình 2 bên hiến đất, mở rộng đường giao thông để thuận tiện trong đi lại, cả 2 gia đình đã đồng ý thực hiện. Sau đó, bà S ra gia đình con trai ở Hà Nội để trông cháu một thời gian; khi trở về bà cho rằng hàng rào ngăn giữa 2 nhà mà ông N mới xây đã lấn sang phần đất của mình.

Vụ việc mẫu thuẫn lên đỉnh điểm khi bà S không chỉ chửi mắng, mà còn thuê người dựng hàng rào chắn luôn cả phần đất trước đây mình đã hiến làm đường.

Nắm bắt được nguồn tin, ông Hạnh cùng với tổ hòa giải đã đến gặp gỡ, xác minh nguyên nhân, để tìm cách khuyên giải, tháo gỡ. Với sự kiên trì và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái lý và tình cảm xóm làng, sau 3 lần gặp gỡ, phân tích, mời các gia đình trong ngõ cùng xác minh ranh giới, tổ đã hòa giải đã thành công và gia đình bà S đã đồng ý tháo dỡ rào chắn, trả lại không gian con ngõ đi chung cho khu phố, tình cảm láng giềng lại được hàn gắn, con ngõ nhỏ giờ lại trở thành biểu tượng của tình đoàn kết láng giềng.

Theo ông Hạnh: “Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là khiếu kiện về nhà ở, đất đai. Tại nhiều khu dân cư nảy sinh những vụ việc tranh chấp về đất đai, tường rào, ngõ đi chung”.

Hay như vụ việc bất đồng quan điểm, dẫn đến những tranh cãi giữa vợ chồng ông B.V.H và con trai B.V.M là một ví dụ. Trước đây, nhiều lần vợ chồng ông H và con trai vì những quan điểm sống khác nhau, những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình không được giải quyết kịp thời, dẫn đến những xung đột lâu ngày. Qua nắm bắt thông tin đa chiều, tìm hiểu nguyên nhân và lắng nghe những ý kiến của các thành viên, Tổ đã gặp, trao đổi, phân tích, giải thích, tuyên truyền, vận động giúp các thành viên gia đình tìm được tiếng nói chung.

Những câu chuyện trên chỉ là một trong số những vụ việc mà tổ hòa giải tổ dân phố  số 6, phường Nguyễn Du mà ông Hạnh là tổ trưởng đã hòa giải thành công. Với sự tâm huyết, nhiệt tình trong công việc cộng với vốn sống, hiểu biết luật pháp và khả năng thuyết phục “thấu tình, đạt lý”, khách quan, công bằng ông đã hòa giải kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, tránh để “bé xé thành to”.

Ông Trần Hậu Hạnh (bìa trái ngoài cùng) – Chi hội trưởng Nông dân tổ dân phố 6, phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh trong một lần tham gia hòa giải.

Theo ông Hạnh: “Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình để lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian công sức, nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con trong khu phố”.

Ông bộc bạch với chúng tôi về những nỗi niềm trong công tác hòa giải, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đã đúc rút ra từ chính quá trình hòa giải của mình. Khi hòa giải, ông luôn vận dụng phương châm “mưa dầm thấm lâu” kèm với quy định của pháp luật và những hiểu biết về pháp luật có liên quan bằng lời nói nhẹ nhàng đầy sức thuyết phục, giải thích có lý, có tình nhằm thuyết phục hai bên đi đến thỏa thuận vui vẻ. Thêm một kinh nghiệm nữa của ông Kiệt trong công tác hòa giải là không nên có quá nhiều người trong tổ tham gia vì dễ gây “nhiễu” thông tin, khiến cho đối tượng khó tiếp nhận.

“Hòa giải thành, không có kẻ thắng, người thua mà là hàn gắn và vun đắp tình đoàn kết trong cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ông Hạnh nhấn mạnh.

Chủ động trợ giúp và hoà giải ở những điểm nóng

Ông Trần Hậu Quốc – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nguyễn Du cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội ND phường đã phối hợp tổ chức được 5 lớp phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho hơn 300 lượt cán bộ, hội viên nông dân. Hội cũng đã chủ động phối hợp tham mưu thành lập các Tổ hòa giải tại chỗ; động viên các đồng chí Chi hội trưởng tham gia Tổ và bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân trong từng chi hội, để khéo léo tháo gỡ kịp thời những mâu thuẫn nhỏ ngay khi mới manh nha. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hoạt động hoà giải trên địa bàn đã được Hội Nông dân phường triển khai thực hiện hiệu quả, tỷ lệ hoà giải thành cao; qua đó đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Thời gian qua, các cấp Hội ND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung hướng mạnh về cơ sở, nâng cao vai trò của các cấp Hội trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Qua đó, tạo tinh thần đoàn kết trong hội viên nông dân, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hoạt động hòa giải ở cơ sở là một trong những phương thức được lựa chọn trước nhất trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp ở cộng đồng dân cư vừa mang tính pháp lý, vừa giàu tính nhân văn giữ gìn sự đoàn kết trong nhân dân; hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình no ấm, hạnh phúc và xây dựng làng văn hóa.

Bà Thuỷ cho biết: Một cơ sở pháp lý quan trọng, khẳng định vai trò của các cấp Hội trong thực hiện hoạt động hòa giải đó là Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ về việc “phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân trong việc tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”, nhất là chú trọng đến giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc ngay tại cơ sở không để phát sinh thành khiếu kiện.

Trong đó, hạt nhân là các câu lạc bộ Nông dân với pháp luật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 77 CLB “Nông dân với pháp luật” ở các xã, phường, thị trấn với 5.845 thành viên, hoạt động hiệu quả.

Để nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho các thành viên CLB “Nông dân với pháp luật”, Ban chủ nhiệm các CLB quán triệt và tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các cuộc tập huấn do Hội ND tỉnh, huyện tổ chức.

Đồng thời, từ năm 2015 đến nay, các CLB phối hợp với cơ sở Hội và các đơn vị liên quan tổ chức 185 điểm trợ giúp pháp lý cho 12.267 lượt người, tuyên truyền pháp luật 955 buổi với 64.236 người tham gia.

Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ban chủ nhiệm các CLB thường xuyên phối hợp chặt chẽ cơ sở Hội và các đơn vị liên quan tham gia hoà giải cơ sở.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội ND trong tỉnh Hà Tĩnh đã hòa giải thành trên 2.200 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ gìn trật tự an toàn trên địa bàn nông thôn.

Minh Ánh