Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khi tư duy hoán đổi sự nhếch nhác đô thị đang thịnh hành

22:46 21/05/2018 GMT+7

Giải tỏa, đền bù được xem là khâu “khó nhằn” nhất trong quá trình phát triển dự án, dù là thương mại hay hạ tầng đô thị. Bởi, điều này không chỉ liên quan đến tài chính mà còn ở vấn đề an sinh xã hội của những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp.

Cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây với cử tri quận 2 cho thấy, đã nhiều năm qua đi nhưng đâu đó vẫn tồn tại những bức xúc, uẩn khúc từ các hộ dân bị giải tỏa, nhường chỗ cho sự hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điển hình này đặt ra nhiều câu hỏi bức bách cho những dự án có quy mô giải tỏa đền bù lớn được triển khai sau này, đặc biệt là việc giải bài toán tái định cư, ổn định đời sống cư dân.

Hình minh họa

Cách nay không lâu, khi được hỏi ở những quốc gia có diện tích nhỏ như Singapore, cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm gì để tạo nên bộ mặt đô thị đồng bộ, nơi đó vừa có nhà của người thu nhập thấp, vừa có biệt thự, căn hộ hạng sang, một chuyên gia có kinh nghiệm phát triển các khu đô thị lớn trong khu vực chia sẻ, sự phát triển của mỗi đô thị đều đi theo hình thái riêng, dựa trên điều kiện sống, thành phần dân cư, yếu tố lịch sử, văn hóa của khu vực đó. Song, quan trọng hơn hết là nguyện vọng của cư dân và mong muốn về hình thái đô thị trong tương lai mà cơ quan quản lý hướng đến.

Theo chuyên gia này, với một đảo quốc có diện tích nhỏ như Singapore, họ không hoàn toàn phân chia theo kiểu người có thu nhập thấp, sống trong những căn hộ được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển nhà ở Singapore (HDB) tách biệt hẳn với những khu nhà thương mại đắt đỏ do tư nhân xây dựng. Vẫn có những khu nằm cạnh nhau, ranh giới giữa chúng là những hàng cây xanh, không có tình trạng bên lố nhố, lem nhem, bên sang trọng, kín cổng cao tường. Vấn đề là chính quyền đã giúp hình thành ý thức sống cộng đồng nơi những cư dân đô thị, họ biết cách gìn giữ bộ mặt chung của đô thị sạch đẹp, văn minh. Ở góc độ nào đó, thay đổi này mang tính bền vững thay vì nhắm đến sự khu biệt.

TP.HCM, một đô thị đang trong tâm thế hướng đến chuẩn “hiện đại bậc nhất khu vực” thì việc giải quyết ổn thỏa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất (bởi các công trình hạ tầng, khu đô thị mới…), bảo tồn được những giá trị lịch sử của một thành phố hơn 300 năm tuổi là điều cần phải được xem xét nghiêm túc.

Như GS. Đặng Hùng Võ từng bày tỏ quan điểm về công tác di dời dân, giải phóng mặt bằng nhằm triển khai các công trình lớn, rằng, việc giải tỏa, đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án không chỉ là giá cả mà là ổn định được cuộc sống sau đó, cụ thể là bố trí nơi ở mới và công ăn việc làm cho họ. Phát triển các khu đô thị mới, kiểu mẫu không đánh đồng với khái niệm chuyển sự nhếch nhác từ khu vực này sang khu vực khác.

Nguyên Bảo