Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Nội: Nước sông Hồng dâng cao, nhiều tuyến phố nguy cơ bị ngập lụt

Tuệ Anh - 13:00 10/09/2024 GMT+7
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lớn nhiều ngày, một số hệ thống thủy điện mở cửa xả đáy khiến nước sông Hồng đang dâng lên rất cao, nguy cơ ngập lụt ở nhiều khu vực của TP. Hà Nội.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân bị ngập ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc hơn 3 giờ sáng 10/9 cho thấy, mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 8,26m, dưới mức báo động 1 là 1,24m. Dự báo tới 19 giờ cùng ngày, mực nước tại đây có thể đạt tới 9,6m, vượt báo động 1 là 0,1m.

Lũ trên các sông vẫn tiếp tục dâng cao ở khu vực Hà Nội hiện có một số khu nguy cơ ngập, bao gồm: Bãi giữa, ven sông Hồng thuộc các quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm và Gia Lâm. Nước sông đã gây ảnh hưởng tới một số vùng trũng thấp ven bờ tại quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ như như tại các phố Chương Dương Độ, Tứ Liên, Âu Cơ...

Trong ngày 9/9, tại Hà Nội đã có mưa lớn kéo dài khiến nhiều quận, huyện khác của Thủ đô rơi vào cảnh ngập úng cục bộ, nhiều tuyến đường ngập từ 20 - 25cm khiến sáng ngày 10/9 người dân di chuyển khó khăn.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ ngày 10/9 đến sáng 12/9 thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 80 - 150mm, có nơi trên 250mm, cụ thể các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh: 100 - 200mm, có nơi trên 300mm. Thị xã Sơn Tây và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên: 80 - 150mm, có nơi trên 250mm.

Cũng trong sáng ngày 10/9/2024, do nước lũ sông Hồng lên gần tới mặt cầu Chương Dương, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thông báo hạn chế xe qua Cầu Chương Dương.

Cụ thể, hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên: Cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ; cấm ôtô tải trên 0,5 tấn; xe buýt được chạy bình thường. Hướng từ Long Biên đi Hoàn Kiếm: cấm xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải trên 0,5 tấn; xe buýt được qua cầu. Xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ và ôtô tải trên 0,5 tấn lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

Nước sông Hồng dâng cao, cầu Chương Dương (Hà Nội) đang bị hạn chế phương tiện qua lại.

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.

Theo Công điện, các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.

Công điện yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h để theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở; chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.

Yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông..; nhân dân chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

Các đơn vị thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn; có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của Nhà nước và Nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất dễ cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện...