Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nâng cao nhận thức pháp luật cho nông dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội

Đức Cảnh - 07:58 07/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Việc vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương và công tác Hội được đánh giá quan trọng hàng đầu của tổ chức Hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Quanh câu chuyện này, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Ước- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh.

PV: Xin ông cho biết sơ lược những kết quả đạt được trong việc vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và nhiệm vụ của Hội những năm qua trên địa bàn?

Ông Trần Đình Ước:

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún, sang sản xuất hàng hóa, quy mô, tập trung; hội viên, nông dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh những năm gần đây được mùa liên tiếp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh (tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,6%, xếp thứ 20 cả nước và thứ 2 Bắc Trung bộ, sau Thanh Hóa).

Ông Trần Đình Ước- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: Baohatinh.vn)

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng những việc làm thiết thực, Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, như: hiến hàng ngàn mứt vuông đất, phá tường rào, di dời nhà cữa, cây cối, đóng góp ngày công, kinh phí; liên kết giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội... Những kết quả đạt được góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh trở thành điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới, được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới. Đến nay, có 10/13 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 181/181 xã đạt chuẩn, 60/181 xã đạt chuẩn nâng cao, 15/181 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. 

Ngoài ra, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đồng thuận trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Dự án Cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua Hà Tĩnh dài 103 km; phải giải phóng mặt bằng 1.000ha, cần xây dựng 24 khu tái định cư để di dời gần 700 hộ dân); Dự án đường dây 500kV mạch 3 (đoạn qua Hà Tĩnh dài hơn 141 km, gồm có 285 vị trí xây dựng cột, đi qua địa bàn 8 huyện và 01 thị xã) và nhiều dự án trọng điểm khác của tỉnh.

PV: Hà Tĩnh đã triển khai, nâng cao hiệu quả việc vận động hội viên, nông dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và nhiệm vụ của Hội như thế nào, thưa ông ?

Ông Trần Đình Ước:

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh xác định công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhiệm vụ công tác Hội là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức Hội. Theo đó, tập trung xây dựng và củng cố đội ngũ làm công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên với phương châm “mỗi cán bộ Hội là 1 tuyên truyền viên”.

Hội Nông dân tuyên truyền, vận động hội viên 

Quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên; công tác bồi dưỡng, tập huấn, cấp nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp; tổ chức quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật nhà nước đến tận hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền vận động phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, giúp cán bộ, hội viên nông dân dễ tiếp thu, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện thông qua các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, đối thoại, trao đổi với hội viên nông dân; tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, các loại hình Câu lạc bộ nông dân, tổ chức các mô hình trình diễn, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi,  hội thảo; Phát động các phong trào thi đua yêu nước chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước và ngày truyền thống của Hội bằng những công trình, phần việc cụ thể.

Hà Tĩnh đến nay đã thành lập trên 100 Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luât" nhằm nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử của hội viên

Để vận động có hiệu quả, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội chọn đối tượng vận động trước. Thường thì thực hiện theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, gia đình cán bộ, đảng viên vận động thực hiện trước; chọn người có uy tín trong cộng đồng để vận động họ làm trước, sau đó mọi người làm theo.

Mặt khác, thường xuyên bám, nắm địa bàn, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; Các cấp Hội phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành cùng cấp; nhất là phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Kết hợp phương tiện tuyên truyền, vận động truyền thống kết hợp với việc ứng dụng các phương tiện thông tin hiện đại, Trang thông tin điện tử, tuyên truyền thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook,... góp phần truyền tải thông tin đến cán bộ, hội viên nông dân nhanh hơn, kịp thời, đầy đủ và chính xác hơn.

PV: Để vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước luôn gặp phải những khó khăn. Vậy, những khó khăn gặp phải là gì, giải pháp tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới ra sao ?

Ông Trần Đình Ước:

Nhiều cán bộ làm công tác Hội chưa được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ tuyên truyền, kỹ năng công tác vận động quần chúng, nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn; một số cán bộ cấp cơ sở tuổi đã nhiều nên việc ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội vào công tác Hội nói chung và tuyên truyền, vận động nói riêng có phần hạn chế. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đầu tư; Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và giữa các thành viên trong khối Mặt trận đối với công tác vận động Nhân dân chưa thường xuyên. Nhận thức của một bộ phận hội viên, nông dân còn hạn chế, còn tư tưởng bảo thủ, trông chờ.       

Hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới

Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, thời gian tới cần khắc phục ngay những khó khăn tồn tại hiện nay. Bên cạnh đó, xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch cụ thể cho công tác tuyên truyền ở cơ sở Hội: Công tác tuyên truyền của Hội có nhiều nội dung, nên không thể thực hiện được tất cả các nội dung ngay cùng một lúc. Do vậy, cán bộ Hội cần lập ra chương trình, kế hoạch cụ thể để tuyên truyền trong từng tháng, từng quý, 6 tháng, một năm.

Đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động, trong đó coi trọng thông tin hai chiều theo hướng dân chủ và tăng cường đối thoại để nắm bắt tình hình tư tưởng của nông dân, chú trọng công tác tuyên truyền miệng. Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, tình làng, nghĩa xóm, nếp sống văn minh, hiện đại, ý chí tự lực, tự cường vượt mọi khó khăn vươn lên của nông dân. Bên cạnh đó, để đối phó kịp thời, chính xác với các diễn biến đột xuất của tình hình, các tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình công tác, cán bộ làm công tác tuyên truyền cần chủ động xây dựng các phương án dự phòng, các tình huống giả định để khi có tình huống xảy ra sẽ không bị động, lúng túng.

Nông thôn mới Hà Tĩnh trở thành điểm sáng của cả nước

Hiện nay, trên địa bàn nông thôn có nhiều tổ chức, đoàn thể hoạt động. Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, của Hội cấp trên, cơ sở Hội cần chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân. Đặc biệt, việc tuyên truyền, vận động phải theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với lợi ích của hội viên, nông dân, hướng nhiều vào việc đảm bảo quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !