Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhiều nơi trên thế giới từng hối hận vì thảm họa nuôi tôm hùm đất

23:59 26/05/2019 GMT+7
Các công trình hạ tầng tại bang Michigan, Mỹ, từng bị đe dọa nghiêm trọng bởi loài tôm hùm đất khi thói quen đào hang của chúng khiến các đập nước bị yếu đi. Chỉ trong vòng vài ngày tháng 7/2017, cơ quan bảo tồn tự nhiên Michigan nhận được hai báo cáo liên tiếp

Các công trình hạ tầng tại bang Michigan, Mỹ, từng bị đe dọa nghiêm trọng bởi loài tôm hùm đất khi thói quen đào hang của chúng khiến các đập nước bị yếu đi.

Chỉ trong vòng vài ngày tháng 7/2017, cơ quan bảo tồn tự nhiên Michigan nhận được hai báo cáo liên tiếp về tình trạng các hồ nước của bang xuất hiện loại sinh vật lạ, có tên khoa học là Procambarus clarkii, hay còn được biết đến với tên gọi “tôm đầm lầy đỏ nước ngọt” (được gọi là tôm hùm đất ở Việt Nam).

Khi các nhân viên bảo tồn đến hồ Novi ở ngoại ô Detroit, họ phát hiện vùng đất xung quanh mặt nước đầy những hố với kích thước vừa, giống như bị đại bác bắn vào. “Bạn sẽ không thể đi qua chỗ này mà không bị tụt chân xuống”, bà Michelle Crook, kỹ sư dự án của Sở Tài nguyên Thiên nhiên Michigan, cho biết.

Mối đe dọa với cơ sở hạ tầng

“Khoảng 60 cm bờ của một nửa hồ có nhiều hố sâu và đất thì thụt xuống các hố đó”, bà Crook nói với CityLab.

Tôm hùm đất và những cái hang mà chúng đào bên bờ hồ Novi ở Michigan. Ảnh: Sở Tài nguyên Thiên nhiên Michigan.

Tình trạng xói mòn khủng khiếp này được gây ra bởi chính loài tôm hùm đất, với tập tính đào hang có đường kính khoảng 10 cm và sâu từ 60-90 cm. Đó là điều rất nguy hiểm với hồ Novi, vì nó có nhiệm vụ trữ nước từ dòng chảy của các cơn mưa lớn, và lại ở gần hai con đường cao tốc quan trọng, một trung tâm mua sắm và bãi đỗ xe bận rộn.

Tất cả những thứ này sẽ bị ảnh hưởng nếu bờ hồ sập, kéo theo khối lượng nước khổng lồ. Điều đó cũng không ổn nếu nhìn rộng ra toàn Michigan, vì bang này có tới 2000 đập nước ở các khu vực cả thành thị lẫn nông thôn. Rất nhiều trong số các đập này có cấu phần được cấu tạo hoàn toàn bằng đất, khiến chúng dễ bị ảnh hưởng bởi tập tính đào hang của tôm hùm đất.

“Chúng có thể bắt đầu làm xói mòn các đoạn đập bằng đất, và đến một lúc nào đó con đập sẽ không thể ngăn nước được nữa”, bà Crook nhận định.

“Chúng ta biết điều này từ tập tính của chúng ở môi trường bản địa. Ví dụ khi người ta xây dựng trang trại tôm hùm đất, người ta sẽ làm hệ thống đê bao để giữ chúng ở trong, nhưng mật độ hang dày đặc của chúng sẽ khiến đê bao bị phá hủy. Và đó là điều đáng lo ngại dưới góc độ cơ sở hạ tầng”, chuyên gia Nick Popoff, người đứng đầu chương trình động vật xâm lấn thủy sinh của Sở Tài nguyên Môi trường Michigan, cho biết.

Đây cũng là điều được khẳng định bởi các chuyên gia đến từ Louisiana, quê nhà của loài tôm hùm đất. Ông Ray McClain, giáo sư ngành nuôi trồng thủy sản tại Đại học bang Louisiana, cho biết: “Tôm hùm đất có thể là mối đe dọa đối với các hệ sinh thái nhạy cảm, một số loài thủy sinh bản địa, và các loài cây nông nghiệp và các cấu trúc giữ nước”.

Bản đồ phân bố tôm hùm đất trên thế giới, khu vực màu xanh là môi trường sống bản địa, khu vực màu đỏ là những nơi chúng được coi là sinh vật ngoại lai xâm lấn. Đồ họa: Loureiro et al./Nauplius.

Sinh ra để phá hủy, có thể đi bộ tới 3 km

Tôm hùm đất dường như được sinh ra để thống trị và phá hủy. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ coi chúng vừa là loài ăn thực vật, vừa là loài ăn thịt, và cho rằng chúng “có tiềm năng hoạt động như một loài chủ chốt, thống trị dòng năng lượng trong chuỗi thức ăn”. Tôm hùm đất hung hăng hơn nhiều so với những người họ hàng của nó, và cũng sở hữu khả năng sinh sản vượt trội (tôm hùm đất cái có thể sinh 3 lần mỗi năm, mỗi lần 500 trứng).

Loài động vật này ăn tạp và tiêu thụ tất cả từ thảm thực vật dưới nước, côn trùng, ốc sên, cá con, trứng cá và những con tôm khác. Đã có trường hợp tôm hùm đất ăn tất cả các loài thực vật thủy sinh trong hồ, khiến cho nước trở nên đục và thiếu oxy. Và khi đã hết thức ăn, chúng đơn giản là đi bộ tới một nơi khác để tiếp tục sự phá hủy.

“Tất cả các loài tôm hùm đều có thể sống trên cạn trong một thời gian nhất định, nhưng loài tôm hùm đất có khả năng chủ động đi bộ trên đất liền. Từng có trường hợp chúng đi bộ 3 km để tìm nơi ở mới”, ông Popoff cho biết.

Kể từ khi thoát khỏi môi trường bản địa ở bờ biển phía nam nước Mỹ, tôm hùm đất với sự giúp đỡ của con người đã có mặt trên khắp các lục địa trên trái đất, ngoại trừ châu Úc và châu Nam Cực. Chúng là hung thần của các nông dân California vì khả năng tiêu thụ hoa màu và đào hố ở các đập nước.

Một mình loài này được cho là nguyên nhân hủy hoại ngành đánh bắt cá địa phương tại hồ Naivasha ở Kenya vì chúng ăn sạch các loài thực vật thủy sinh dưới nước, khiến cho cá không còn chỗ trú ẩn. Chúng cũng ăn luôn cả cá bị mắc trong lưới, và dùng bộ càng sắc nhọn để cắt lưới của ngư dân khi bị mắc kẹt.

Tôm hùm đất tại hồ Naivasha ở Kenya, chúng đã phá hủy hoàn toàn ngành đánh bắt cá địa phương tại hồ này. Ảnh: National Geographic.

Ở châu Âu, Tây Ban Nha từng thử nhân giống tôm hùm đất vào những năm 1960 để làm món ăn cho con người, nhưng quốc gia này sớm phải hối hận sau khi những con vật này tạo nên thảm họa khi xuất hiện trong môi trường tự nhiên.

Một bản tin của AP vào năm 1991 đã nói về những hậu quả: “Tôm hùm Louisiana được nhập khẩu vào đây với hy vọng nó sẽ tạo ra thành công về mặt ẩm thực. Nhưng sinh vật gai góc này đã cho họ một cú lừa. Thay vì nép mình vào bên bờ những ruộng lúa mì ở Tây Ban Nha, chúng ăn hết cả cánh đồng… ‘Tôi không biết chính xác Louisiana ở đâu, nhưng tôi mong người dân ở đó hãy tới đây và mang chúng về’, nông dân Juan Tiron cho biết… Khi mùa đông tới, một nhà sinh vật học cho biết loài tôm này đào hang vào mặt đất và các con đê, khiến mực nước trên cánh đồng bị giảm. Các con đê bị rỗng cũng bị sụp xuống khi máy cày đi qua”.

“Những con vật này chắc chắn gây ra sự tàn phá ở mọi nơi mà chúng tới, vì vậy chẳng có mặt tích cực nào ở đây cả”, chuyên gia Popoff nhận định.

Nguồn New Zing