Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Niềm tin tưởng, yêu quý của nông dân với ThaiBinh Seed:

Là giá trị không mua được bằng tiền

Việt Tùng - 07:39 23/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - “Muốn có nhiều lúa gạo thì phải tăng năng suất lúa. Muốn tăng năng suất lúa thì phải chọn lọc, cung cấp giống tốt cho nông dân”. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ khi về thăm Thái Bình ngày 01/01/1967, ông Trần Mạnh Báo - cựu chiến binh, thương binh, doanh nhân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đã xây dựng nên một ThaiBinh Seed, với sứ mệnh đồng hành cùng nông dân, “bã đỡ” cho hàng triệu nông dân…
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Mạnh Báo (giữa) tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam dioxin tỉnh Thái Bình. 

Trả ơn quê hương 

Trong cuốn tự truyện “Đối thoại với cánh đồng”, thương binh, doanh nhân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã bộc bạch rằng: “Đã là người con Thái Bình, thì phải xây dựng được thương hiệu cho giống lúa Thái Bình. Từ thương hiệu giống lúa Thái Bình, phải tạo ra được thương hiệu cho gạo Thái Bình. Chỉ có làm được thế mới phần nào trả được ơn cho quê hương”. Đó là những lời tâm huyết, tận đáy lòng của ông dành cho quê hương Thái Bình nơi ông sinh ra và cũng chính từ tình cảm đó, sự “trả ơn” đó mà ông đã mang lại mùa vàng bội thu cho hàng triệu nông dân…

Ông Trần Mạnh Báo sinh năm 1950 tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1968, khi đang là học sinh Trường cấp 3 Thái Ninh (huyện Thái Thụy), ông tình nguyện nhập ngũ. Chiến tranh kết thúc, tháng 6/1975 ông trở về quê hương với thương tật 2/4 và được phân công công tác tại Công ty giống lợn Thái Bình, sau đó ông chuyển sang làm tạp vụ tại Công ty giống cây trồng Thái Bình.

Năm 1976 khi đã 26 tuổi, ông vẫn xin đi học cấp 3. Thời gian vừa đi học vừa đi làm dù vất vả song ông vẫn kiên trì, nỗ lực theo đuổi mục tiêu trở thành kỹ sư nông nghiệp. Và những cố gắng không ngừng nghỉ của ông cũng được đền đáp xứng đáng. Năm 1981, ông thi đỗ Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, mở cánh cửa giúp ông từng bước hiện thực hóa nhiều ý tưởng đã ấp ủ từ lâu trên chính ruộng đồng quê hương.

Bước ngoặt đáng nhớ, tạo dựng nên danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới của ông Trần Mạnh Báo hôm nay, đó là khi ông về Trại sản xuất giống lúa Đông Cơ Tiền Hải (thuộc Công ty Giống cây trồng Thái Bình). Năm 1987, ông được đề bạt làm Trại phó Trại sản xuất giống lúa Đông Cơ. Khi ấy Trại giống sản xuất kém hiệu quả, trì trệ. Với diện tích 56ha nhưng mỗi năm Trại chỉ được giao kế hoạch sản xuất 60 tấn giống. Nghĩa là một năm, mỗi hec-ta chỉ làm ra được chưa đầy 1,1 tấn, trong khi 20 năm trước, Thái Bình đã vang danh “Quê hương 5 tấn” với năng suất lúa 5 tấn/ha. Nghịch lý này khiến ông luôn trăn trở tìm cách đưa Trại sản xuất vươn lên. Từ việc quan sát thực tế, ông nhận ra giống lúa kém chất lượng và cơ chế quản lý “cha chung không ai khóc” chính là hai xiềng xích bó chặt nền nông nghiệp không thể phát triển được. Vì vậy, muốn “cởi trói” cho nông nghiệp cần phải tập trung vào hai khâu đột phá là giống lúa và quyền tự chủ đất đai.

Ông Báo chia sẻ, năm 1987 ông dành trọn 4 tháng để xây dựng đề tài “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh”. Thời điểm đó khoán sản phẩm là vấn đề hoàn toàn mới, vấp phải nhiều sự phản đối. Có người cho rằng đây là phương án không khả thi, là phá vỡ kinh tế nhà nước; cũng có người khuyên từ bỏ để giữ an toàn bởi cách làm của ông dễ bị “bỏ tù” vì đi ngược lại chủ trương. Không nản chí, ông kiên trì thuyết phục lãnh đạo Công ty và các địa phương, để đề tài của mình được áp dụng vào thực tiễn, bởi ông tin đây là vấn đề sống còn với sản xuất nông nghiệp.

Kết quả, chỉ sau 1 năm đề tài được triển khai, năm 1988 Trại sản xuất giống lúa Đông Cơ đã tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 600 tấn thóc giống trên diện tích 56ha đất canh tác, tăng gần 10 lần so với thời kỳ trước, đời sống người lao động cải thiện rõ rệt. Cũng trong năm đó, để chuẩn bị cho Nghị quyết số 10/NQ-TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là Khoán 10), Trung ương đã cử đoàn cán bộ về Trại sản xuất giống Đông Cơ để tìm hiểu và Trại giống trở thành mô hình tiêu biểu để nhiều Công ty trong cả nước học tập.

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Mạnh Báo rất say sưa với đồng ruộng, với cây lúa.

Sự cố “lúa lép” và thước đo giá trị ThaiBinh Seed

Năm 2000, ông Trần Mạnh Báo được bầu làm Giám đốc công ty Giống cây trồng Thái Bình. Năm 2004, công ty tiến hành cổ phần hóa, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed ngày nay. 

Một sự cố mà ông không thể quên trong cuộc đời làm giống của mình. Đó là năm 2013, giống lúa BC15 gặp nhiệt độ thấp (38 năm mới gặp một lần) nên bị lép hạt tại 11 tỉnh. Lúc đó ThaiBinh Seed quyết định bỏ ra 1.063 tấn thóc để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất. Ngay cả Nhà nước cũng chưa bao giờ xuất ra đến 1.000 tấn thóc giống để hỗ trợ giống lúa cho nông dân (tính đến thời điểm đó).

Khi đó, nhiều người không đồng ý, nhưng ông đã nói với họ rằng: “Các vị không đồng ý tôi vẫn làm. Bởi vì công ty này sinh ra là theo ý kiến của Bác Hồ. Sinh ra để cung cấp giống tốt cho nông dân, nhưng nông dân sử dụng giống của chúng ta đang gặp khó khăn. Nông dân không có lỗi, chúng ta không có lỗi, nhưng thời tiết “có lỗi”. Dù có phá sản công ty vẫn phải hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn”.

Và chính điều đó đã giúp cho ThaiBinh Seed tăng thêm niềm tin đối với nông dân. Rất nhiều lãnh đạo các tỉnh nói rằng: “Không có công ty nào có trách nhiệm với nông dân như ThaiBinh Seed và chính vì vậy bà con nông dân lại yêu quý và tin tưởng sử dụng sản phẩm. Khi niềm tin đã nhân lên thì mình đưa sản phẩm gì người ta cũng ủng hộ, không bao giờ nói rằng “công ty đó làm bậy”. Đó chính là giá trị không thể mua bằng tiền, không phải công ty nào cũng có được”, ông Trần Mạnh Báo chia sẻ.

Đến nay, Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã mở rộng hoạt động trên 3 lĩnh vực Giống cây trồng - Kinh doanh lương thực và Thương mại dịch vụ với 12 chi nhánh, đơn vị thành viên trên toàn quốc. Công ty hiện sở hữu bản quyền 21 giống cây trồng, đặc biệt là 9 giống lúa thuần TBR-1, BC15, TBR36, TBR45, TBR225, Đông A1, TBR279, TBR89, Nếp A Sào cùng 4 giống lúa lai mới của ThaiBinh Seed góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng ở tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay, có  20% diện tích sản xuất lúa của cả nước sử dụng giống lúa của ThaiBinh Seed, riêng tại Thái Bình tỷ lệ này là khoảng 85-90%. 

Năm 2020, ông vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2021 Công ty đã thực hiện liên kết với 70 điểm trong cả nước với diện tích 8.000ha/năm, sản lượng đạt gần 30.000 tấn, lượng giống cung ứng cho nông dân đạt gần 26.000 tấn.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo chia sẻ, cuộc đời ông tổng kết có 3 thứ không mua được bằng tiền. “Thứ nhất là sức khoẻ, thứ hai là tri thức, thứ ba là tình cảm. ThaiBinh Seed có tài sản là tình cảm của người nông dân rất lớn. Chính vì tình yêu thương đó mà ThaiBinfh Seed dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau đó vẫn tiến lên được. Chứ doanh thu 1.000 tỷ/năm thì chưa là gì”, Anh hùng Trần Mạnh Báo nói.

Theo ông, cái mà ThaiBinh Seed có được ngày hôm nay là mồ hôi, nước mắt, công sức, trí tuệ của tất cả người lao động trong hơn 50 năm qua. Đó là sự biết ơn Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương đã giúp đỡ ThaiBinh Seed. Đó còn là sự giúp đỡ, chở che của bà con nông dân cũng như bạn bè, đối tác…