Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển ngàn năm của Hà Nội

Minh Tú - 16:25 06/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 6/10, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999-16/7/2024), UBND TP. Hà Nội đã tổ chức chương trình “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm - biểu tượng văn hóa lịch sử của Thủ đô. Hình ảnh lực lượng nông dân được tái hiện đầy ấn tượng trong phần diễu hành và xuyên suốt các màn diễn thực cảnh hoành tráng.

Hà Nội chưa đẹp thế bao giờ

Những ngày qua, Hà Nội đã dồn sức cho công tác chuẩn bị một đại lễ hoành tráng nhất trong nhiều năm trở lại đây, “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình”. Tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, sân khấu chính của sự kiện được dàn dựng công phu, sử dụng ngôn ngữ thực cảnh để tái hiện lại các di tích lịch sử, địa điểm nổi tiếng gắn liền với Thủ đô như Cửa ô Hà Nội, Cổng Đoan Môn (Hoàng Thành Thăng Long), Cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân và Cột cờ Hà Nội. Nỗ lực đó của Hà Nội đã biến khu vực hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Thủ đô thành một không gian văn hóa lịch sử độc đáo, giúp người dân và du khách sống lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Hà Nội trong suốt chiều dài 70 năm từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Tham dự ngày hội, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025.

Đại biểu nước ngoài tham dự sự kiện có: Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam; các đại biểu quốc tế, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Tham dự ngày hội còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo các sở, ban, ngành,  đoàn thể và hàng vạn người dân Thủ đô tham gia trực tiếp vào chương trình và chứng kiến buổi lễ.

Tại buổi lễ, ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa Vì hòa bình nhấn mạnh, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, hôm nay, trước Tượng đài Đức vua Lý Thái Tổ, không gian lịch sử văn hóa hồ Gươm, địa danh linh thiêng, trái tim của Thủ đô Hà Nội, nơi ghi dấu truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc đã trả gươm thần cho Rùa vàng, như một thông điệp giã từ chiến tranh và khát vọng hòa bình, thành phố Hà Nội long trọng tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”.

Đối với người dân Hà Nội, từ nhiều ngày nay, không gian văn hóa độc đáo quanh hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một “trend” (xu hướng) thực sự, thu hút đông đảo người dân đến chụp ảnh, chiêm ngưỡng những công trình tái hiện lớp trầm tích văn hóa đa dạng, phong phú và cổ xưa của Hà Nội.

Ngày hôm nay, trong không khí lễ hội tràn ngập,  hàng nghìn quần chúng, nhân dân Thủ đô, lại có vinh dự đặc biệt được cùng tham gia tái hiện những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô...

Điểm nhấn ấn tượng là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước ngày 10/10/1954, khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong cảnh rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng. Kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, ác liệt với biết bao hy sinh, mất mát và tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh, viết nên bản anh hùng ca trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta.

Những người được chứng kiến sự kiện, cả trên truyền hình và tại sự kiện đều xúc động khi nghe tiếng còi báo động, tiếng cảnh báo quen thuộc “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 50km…”, trên đại thực cảnh tái hiện lại cảnh người dân Thủ đô xuống hầm tránh bom, những chiếc tên lửa và chiến sĩ, dân quân, tự vệ Thủ đô băng qua lửa đạn anh dũng chống lại kẻ thù…

Màn diễu hành, trình diễn chưa từng có của nhân dân Thủ đô

Ngày hôm nay, Hà Nội được đón các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhân dân đại diện cho 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Hơn 8.000 người, bao gồm 5.000 người dân và đại diện các lực lượng từ các quận, huyện, thị xã, tham gia vào các màn diễu hành, trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô. Lần lượt tiến qua Lễ đài là đại diện cho 1.350 làng nghề truyền thống, gần 8.000 lễ hội dân gian đặc sắc trong đó có nhiều lễ hội được được UNESCO và quốc gia công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Đặc biệt, trong các khối đoàn thể tham gia diễu hành, khối đại diện cho Nông dân Thủ đô nhận được sự chú ý rất lớn của nhân dân. Các anh, các chị trong màu áo nâu quá đỗi thân thương với những bó lúa vàng trên tay tươi vui tiến qua Lễ đài. Trong suốt chiều dài hơn 1000 năm lịch sử của Hà Nội, đời sống và sản xuất của giai cấp Nông dân luôn là cội nguồn, tạo nên một nền văn hóa với những nét đặc sắc riêng của Thủ đô; nông dân luôn là lực lượng chủ lực trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực ngoại xâm, bảo vệ Thủ đô. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc trong thế kỷ XX có sự đóng góp to lớn của lực lượng nông dân Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người. "Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm" đó, nay lại mở rộng vòng tay đón bạn bè quốc tế, cùng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai bạn bè năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm - biểu tượng văn hóa lịch sử của Hà Nội hôm nay đã kết thúc nhưng không gian văn hóa đặc sắc, tiêu biểu quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ được giữ nguyên để phục vụ nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế tới thăm quan Thủ đô Hà Nội, thành phố vì hòa bình của Thế giới.

Hà Nội tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” tại Hồ Hoàn Kiếm vào sáng 6/10
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2024), UBND Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm - biểu tượng văn hóa lịch sử của Thủ đô.