Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông”:

“Ghi nhận, động viên, khích lệ Nhà khoa học tiếp tục cống hiến, liên kết, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Nhà nông”

Minh Tú (thực hiện) - 07:00 01/10/2024 GMT+7
Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” tính đến năm 2024 sẽ là lần thứ 5 được tổ chức. Sự kiện này đã trở thành hoạt động thường niên của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhằm cụ thể hóa kịp thời sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong công tác tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác Khoa học và công nghệ - đổi mới sáng tạo.

Tiếp nối liên tục các kỳ tôn vinh, để kịp thời đánh giá, ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Chương trình Tôn vinh: “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V - năm 2024.

Đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN.

Để có một cái nhìn toàn cảnh về kết quả, ý nghĩa và mục tiêu của Chương trình tôn vinh này, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã phỏng vấn đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN, Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức về Chương trình Tôn vinh Nhà Khoa học của Nhà nông.  

Thưa đồng chí Phó Chủ tịch, từ góc nhìn của lãnh đạo Trung ương Hội, đồng thời là Trưởng ban Tổ chức chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ IV và thứ V, đồng chí đánh giá như thế nào về chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” sau 5 lần tổ chức?

Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” được Trung ương Hội tổ chức từ năm 2018, đến nay đã được 4 lần và năm 2024 là lần thứ 5. Đối tượng tham gia Chương trình này là những người có học hàm, học vị, có công trình nghiên cứu hoặc những nhà quản lý, những nông dân có phát minh, sáng chế, sáng kiến, có sáng tạo, cải tiến quy trình kỹ thuật, quy trình quản lý hoặc những người có kiến thức về chuyên môn, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, quy trình quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Chương trình tôn vinh còn nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của không chỉ các Nhà Khoa học mà còn các cá nhân có đam mê, có năng lực nghiên cứu và mong muốn cống hiến cho đất nước nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng. 

Đảng, Nhà nước ta nhiều lần khẳng định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội”, “Khoa học - công nghệ vừa giữ vai trò then chốt, vừa là nền tảng, động lực góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Hội nghị Trung ương Năm (khoá XIII) của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra giải pháp “Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn”, trong đó nhấn mạnh “Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân”. 

Mới đây, Nghị quyết số 46 - NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới” tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: “Tăng cường trách nhiệm của Hội Nông dân trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng liên minh giữa giai cấp Công nhân với giai cấp Nông dân và đội ngũ trí thức, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân”.

Trong bối cảnh ấy, Chương trình Tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” (do Trung ương Hội NDVN chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) không đơn thuần chỉ là hình thức tri ân của giai cấp Nông dân Việt Nam đối với đội ngũ Nhà khoa học của đất nước, mà còn góp phần ghi nhận, động viên, thúc đẩy Nhà khoa học liên kết, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Nhà nông, là một minh chứng sinh động thiết thực trong việc xây dựng liên minh chặt chẽ giữa giai cấp Công nhân với giai cấp Nông dân và đội ngũ trí thức.

Lãnh đạo T.Ư Hội NDVN đánh giá cao sự tham mưu, tổ chức và nỗ lực trong việc tham mưu tổ chức Chương trình Tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” của Tạp chí Nông thôn mới và các đơn vị phối hợp khác. 

Trong mối liên kết “6 nhà” đang được nhắc đến nhiều, hiện nay, “Nhà Khoa học - Nhà nông” là liên kết còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác và kỳ vọng gặt hái thành tựu vượt bậc trong thời gian tới. Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” chính là một trong những hoạt động thúc đẩy mối liên kết ấy. 

Cố GS.TS Võ Tòng Xuân (giữa) là nhà khoa học hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và quốc tế.

Thưa Phó Chủ tịch, qua 5 lần tổ chức, đồng chí có đánh giá như thế nào về các “Nhà Khoa học của Nhà nông” được tôn vinh? 

Tính đến năm 2024, với 5 lần tổ chức, tổng số các Nhà Khoa học được tôn vinh là hơn 300 người, mỗi cá nhân “Nhà Khoa học của Nhà nông” đó không chỉ có một công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo có giá trị duy nhất, mà đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo hữu hiệu được áp dụng hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiệu quả của các nghiên cứu khoa học khó có thể định lượng ngay trong một thời gian ngắn, vì có những công trình, những đề tài nghiên cứu kéo dài nhiều năm mới có được kết quả. Tôi đã có những trao đổi với một số Nhà Khoa học và được biết công tác nghiên cứu khoa học của họ thường khô khan, và lặp đi lặp lại một quy trình, kéo dài hàng chục năm. Nếu không có lòng say mê nghiên cứu khoa học và tinh thần tận hiến thì các Nhà Khoa học không thể vượt qua được những khó khăn về kinh tế, về gia đình, cuộc sống để hoàn thiện đề tài, mang lại lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng.

Tôi lấy ví dụ đề tài nghiên cứu về giống lúa ST của Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, “Nhà khoa học của Nhà nông” đã được tôn vinh vào năm 2019. Năm 1996, khi lai tạo một số giống lúa thơm trên địa bàn, Kỹ sư Hồ Quang Cua phát hiện một số cây lúa màu tím. Ông cùng các cộng sự đã tập trung vào nhóm lúa biến dị tự nhiên này để nghiên cứu và tạo ra giống lúa thơm mang tên ST (Sóc Trăng) với nhiều ưu điểm. Không dừng lại ở đó, suốt 25 năm tiếp theo, ông Cua đã cho ra đời hàng loạt giống lúa mang tên ST3, ST5, ST8… và cuối cùng, sau 10 thế hệ lai tạo, năm 2019 giống lúa ST25 đã được công nhận và vinh danh là “Gạo ngon nhất thế giới”. Cùng với những danh hiệu, sự công nhận của quốc tế thì điều quan trọng nhất là các dòng lúa ST được nông dân trong tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đưa vào sản xuất và được thị trường đón nhận, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bởi giá trị kinh tế của dòng lúa này rất cao. Giá gạo ST25 xuất khẩu sang các thị trường khá cao, dao động từ 900 USD/tấn đến hơn 1.000 USD/tấn; trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam là 575 USD/tấn. Có thể thấy, không chỉ góp phần tạo nên thương hiệu lúa gạo Việt Nam mà gạo ST25 còn tạo ra một phân khúc riêng - gạo giá trị cao trên thị trường thế giới.  

 Một nhà khoa học khác đã được Chương trình tôn vinh vào năm 2019 mà cả nước đều biết hoặc ít nhất đã nghe nói về ông - Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân (người vừa tạ thế vào ngày 19/8/2024). Trong cuộc cách mạng nông nghiệp, Giáo sư Võ Tòng Xuân đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống lúa kháng rầy nâu IR36 trên các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công. Hợp tác với nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật cấy ghép, GS. Võ Tòng Xuân đã góp phần giúp bà con nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cải thiện đáng kể năng suất, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn đất nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những thành quả nghiên cứu của Giáo sư đã được bà con nông dân cả nước nhân rộng, tạo niềm tin lớn của nhân dân đối với khoa học công nghệ nước nhà. Không chỉ là chuyên gia về nông nghiệp nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của GS Võ Tòng Xuân còn mang nhiều lợi ích cho nông dân các nước nghèo trên thế giới, giúp hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực khi ông đã đưa nhiều giống lúa Việt Nam, nhà khoa học Việt Nam sang giúp đỡ một số nước như: Sierra Leone, Liberia, Nigeria, Mozambique, Angola, Cameroon Sudan… 

Bên cạnh những tên tuổi lớn như Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, GS. Võ Tòng Xuân… thì T.Ư Hội NDVN cũng chú trọng tôn vinh của những “Nhà khoa học chân đất” với những nghiên cứu ứng dụng tưởng chừng rất nhỏ bé nhưng mang lại lợi ích to lớn cho nông dân. Trong đó điển hình là ông Văn Đức Quynh ở Hải Lăng, Quảng Trị được vinh danh năm 2018. Ông Quynh chỉ có trình độ văn hóa 9/12, không có bằng cấp, là một nông dân thực thụ nhưng ông có một đam mê đặc biệt là cải tiến máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tận dụng những đồ, vật liệu cũ, ông nghiên cứu, tìm hiểu và cho ra đời máy tách hạt ngô công suất 5 tạ hạt/1,5kw/giờ; máy cắt đa năng, máy băm thức ăn dùng cho chăn nuôi, máy xay lọc tinh bột nghệ, máy đánh vảy cá… Các sản phẩm của ông đi ra từ đồng ruộng và quay trở lại phục vụ nông nghiệp, giúp người nông dân bớt đi bao nỗi nhọc nhằn. Có thể nói, ông là điển hình tiêu biểu cho người nông dân yêu lao động, say mê sáng tạo nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, nhằm giải quyết những khó khăn trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả vào quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Sau 5 năm tổ chức, Ban Tổ chức nhận thấy, hầu hết các “Nhà khoa học của Nhà nông” sau khi được vinh danh đều không dừng lại. Họ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, nâng cấp, hoàn thiện chuyển giao thành quả trí tuệ, tâm huyết cho tổ chức, doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam, lan toả giá trị đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Như Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua khi sản phẩm của ông đã đạt được danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019, ông vẫn không dừng lại, tiếp tục miệt mài nghiên cứu, nâng cao giá trị sản xuất cho dòng lúa ST25. Những nỗ lực đó của ông đã mang lại kết quả tốt đẹp khi năm 2023, tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 tổ chức ở Philippines, gạo ST25 lại tiếp tục “đăng quang”, lần thứ 2 được công nhận là loại “Gạo ngon nhất thế giới”.  

Còn rất nhiều ví dụ về những “Nhà Khoa học của Nhà nông” đang không ngừng miệt mài trên con đường nghiên cứu, sáng tạo, tâm huyết cho đất nước nói chung, với ngành nông nghiệp, nông dân Việt Nam nói riêng. Các “Nhà khoa học của Nhà nông” đã và đang tiếp tục góp phần quan trọng cùng Nhà nông hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. 

Thông qua 5 lần tổ chức Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông”, Trung ương Hội NDVN tự hào đóng góp một phần công sức, tâm huyết trong việc tôn vinh, khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân của các Nhà Khoa học, làm sâu sắc hơn nữa mối liên kết Nhà Khoa học - Nhà nông, góp phần củng cố vững chắc Liên minh chính trị nền tảng giữa giai cấp Công nhân, giai cấp Nông dân và đội ngũ Trí thức, theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước ta.

Ông Hồ Quang Cua (cha đẻ giống lúa ST25) (người cầm nón) trên cánh đồng lúa mẫu tại xã Đắk Tờ Kan (Tu Mơ Rông, Kon Tum). Ảnh: Tiến Trình

Thưa đồng chí, Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” có những ảnh hưởng, tác động tích cực như thế nào đối với xã hội, đối với các nhà khoa học, đối với nông dân? 

Có thể nói, sau 4 lần tổ chức trước đây, Chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” đã thu hút sự chú ý rất lớn của giới nghiên cứu khoa học, của nông dân và đặc biệt của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” đã được đánh giá là một trong những sự khẳng định của Hội NDVN, giai cấp NDVN đối với các nhà khoa học, các cá nhân có những công trình nghiên cứu, sáng kiến, sáng tạo, phát minh sáng chế ghi nhận những thành tựu của cá nhân trên con đường sự nghiệp rất dài của họ. Sự tôn vinh đó không chỉ là tôn vinh nhà khoa học, các cá nhân sáng tạo mà còn tôn vinh giá trị các công trình, sự đóng góp của các cộng sự vào những công trình nghiên cứu, những giải pháp có giá trị lâu dài cho cộng đồng. Trên con đường dài ấy, sự trân trọng của xã hội, sự quan tâm của hệ thống chính trị, các đoàn thể và của đông đảo nông dân Việt Nam là nguồn động viên, khuyến khích tinh thần dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ của họ. 

Cùng với đó, trong cộng đồng còn nhiều nhà khoa học, nhiều nông dân, doanh nhân… có đam mê, có năng lực và thành quả nghiên cứu, sáng tạo, Chương trình tôn vinh hi vọng sẽ tiếp tục “phát hiện”, kết nối, cổ vũ, giúp họ có thêm động lực để cống hiến, sẻ chia trí tuệ, tri thức cho nông dân nói riêng, cho cộng đồng nói chung để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.  

Đối với nông dân Việt Nam, Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” còn mang ý nghĩa thực tế hơn. Đó là những kết quả nghiên cứu khoa học năm nay sẽ giúp họ thế nào trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống. Ví dụ như năm 2022, Thạc sỹ Hoàng Thị Hương, Trưởng khoa Kỹ thuật Nông lâm và Chăn nuôi thú y - Trường Trung cấp nghề Cao Bằng được tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông”. Trong chùm đề tài nghiên cứu của chị Hương, nông dân Cao Bằng đã chú ý ngay tới đề tài “Nghiên cứu chế phẩm sinh học thuốc trừ sâu từ hạt cây Thàn mát (Mác bát) với nồng độ 1%”. Bởi lẽ, đề tài này thiết thực, ứng dụng được ngay tại địa phương với nguồn nguyên vật liệu đơn giản, sẵn có. Bà con các dân tộc ở khắp các huyện trong tỉnh Cao Bằng đều có kinh nghiệm thu hái và bảo quản hạt giống. Kỹ thuật tạo ra chế phẩm thuốc trừ sâu được kế thừa từ phương pháp truyền thống của bà con nông dân, nên họ dễ thực hiện, dễ áp dụng. Chế phẩm thuốc trừ sâu này đặc biệt phù hợp với các mô hình trồng rau có quy mô nhỏ và vườn hộ gia đình. Đề tài này đã ngay lập tức đi vào cuộc sống, hỗ trợ thiết thực cho kinh tế địa phương, tạo ra các sản phẩm rau, củ, quả an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” tổ chức lần thứ 5, năm nay đã và đang thu hút thêm sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Khi các nhà khoa học và đề tài được tôn vinh, các doanh nghiệp sẽ chủ động tiếp cận, hợp tác để phát triển sản phẩm, nhân rộng mô hình, phát triển kinh tế. Càng sớm có thông tin, doanh nghiệp và nông dân giỏi càng có cơ hội hợp tác với các nhà khoa học. Sự nhanh nhạy và chuyên nghiệp của các doanh nhân và nông dân giỏi không chỉ nhanh chóng đưa đề tài nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống mà còn giúp cho cá nhân nhà khoa học có thêm thu nhập, có kinh phí tiếp tục nghiên cứu đề tài mới, giúp nông dân phát triển kinh tế. Các thành tựu khoa học và công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ củng cố chức năng “trụ đỡ” của nền kinh tế, mà còn giúp phát huy mạnh mẽ ưu thế của nhiều ngành hàng xuất khẩu trên nền tảng của nền nông nghiệp truyền thống với trí tuệ bản địa độc đáo trầm tích hàng ngàn năm qua.

Nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh hoa

Thưa đồng chí Phó Chủ tịch, với những ý nghĩa to lớn ấy, Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” trong tương lai sẽ tiếp tục được tổ chức như thế nào?   

Tất nhiên, cũng cần phải nói rõ là có nhiều nhà khoa học ưu tú khác, nhiều nông dân sáng tạo khác trên khắp đất nước của chúng ta, vì những lý do khác nhau mà chưa được giới thiệu, chưa được Chương trình phát hiện, tôn vinh, song những đóng góp, cống hiến của họ đã, đang, sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Nhân dân nói chung, nông dân nói riêng ghi nhận thông qua những ứng dụng thực tiễn. 

Do đó, T.Ư Hội NDVN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tổ chức tốt Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” những năm tới, theo tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới khẳng định: “Hội Nông dân thực hiện tốt vai trò là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước; phối hợp với tổ chức, cá nhân hỗ trợ nông dân trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, nhất là giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, chuyển đổi số, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị; vận động hội viên, nông dân tích tụ đất nông nghiệp, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tổ chức sản xuất quy mô lớn”.

 Và Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” là một trong những nội dung nằm trong Chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.

Trong thời gian tới, T.Ư Hội NDVN mong muốn các “Nhà Khoa học của Nhà nông” sẽ tiếp tục có những cống hiến, nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu, sáng tạo để có những công trình, giải pháp hữu hiệu áp dụng vào quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; hiện đại hóa quy trình sản xuất, giảm bớt, sức lao động, gánh nặng cho nông dân… Trung ương Hội NDVN mong muốn thông qua sự kiện này sẽ tập hợp được các nhà tri thức, người thực hành về nông nghiệp giỏi ở Việt Nam, các doanh nhân gắn bó với nông nghiệp đầu tư vào các đề tài nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát huy giá trị nền nông nghiệp, làm giàu cho nông dân và đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch!
 

Công bố 56 “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V năm 2024
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN, đã ký Quyết định số 841-QĐ/HNDTW quyết định về việc tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V năm 2024.