Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Về Việt Nam thấy đất nước phát triển, chúng tôi rất mừng"

08:35 09/02/2024 GMT+7
“Về Việt Nam thấy đất nước phát triển, chúng tôi rất mừng, dù ở đâu cũng luôn hướng về đất nước bằng những việc làm thiết thực” – đó là chia sẻ của Sư cô Thích Nữ Giới Tánh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc.

Trở về Việt Nam đón Tết Nguyên đán năm 2024, xen lẫn niềm vui đoàn viên, những người Việt Nam ở nước ngoài tự hào khi đất nước ngày càng đổi thay, nỗ lực vượt qua khó khăn, hòa nhập sâu rộng với thế giới. Tại TP.HCM, ngày càng có nhiều kiều bào lựa chọn về quê hương lập nghiệp, vận động con em mình cùng góp sức cho sự phát triển của Thành phố và đất nước. 

Tự hào là người Việt

Lần đầu tiên về nước tham dự chương trình “Xuân quê hương” nhân dịp Tết cổ truyền 2024, Stephanie Đỗ, 39 tuổi, người Việt Nam ở Pháp là một trong những gương mặt tiêu biểu đại diện cho thế hệ kiều bào trẻ, năng động, hội nhập sâu rộng vào đời sống chính trị xã hội sở tại. Là Nghị sĩ Quốc hội Pháp nhiệm kỳ 2017-2022, chị cũng là nữ Nghị sĩ gốc Việt và gốc châu Á đầu tiên tại Pháp.

Chị Stephanie Đỗ, kiều bào Pháp được trao Bằng khen, vinh danh kiều bào tiêu biểu năm 2024 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức (ảnh: Ngọc Xuân)

Lần này về nước, Stephanie rất vui và ngạc nhiên vì được đón tiếp nồng nhiệt, chu đáo, chị thực sự cảm động khi lần đầu được đặt chân tới những nơi chưa biết đến bao giờ. Sang Pháp khi mới 11 tuổi, năm 2006 Stephanie mới về thăm quê nhà, rồi từ đó hè năm nào cũng về. Ngay sau dịch Covid, chị lại về nước năm 2023, và cái Tết năm nay, được đi chợ xuân ngắm hoa đào Hà Nội, rồi về lại Sài Gòn, những kỷ niệm đẹp đẽ tuổi thơ như ùa về, sống động hơn bao giờ hết.

Là tác giả của cuốn sách “Đường đến Quốc hội”, được đích thân Tổng thống Pháp đương nhiệm viết lời bình dài 4 trang, Stephanie cho biết muốn qua tác phẩm này truyền cảm hứng cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam:

"Stephanie từ Việt Nam sang Pháp không có gì hết, bàn tay trắng nhưng có thể làm được Nghị sĩ của 68 triệu người dân nước Pháp đúng không? Tổng thống Pháp cũng viết trong sách như vậy. Mình được sinh ra, có công ăn việc làm cũng từ nước mình mà ra, cho nên cống hiến cho đất nước rất quan trọng. Tôi muốn 2 nước Việt – Pháp ngày càng mạnh mẽ trong các hoạt động đối tác, trên mọi lĩnh vực. Đó là ước mơ của mình, từ nhiệm kỳ của mình tới bây giờ chưa bao giờ từ bỏ ước mơ đó và bây giờ còn tích cực hơn nữa" - Stephanie chia sẻ. 

“Mộng mơ của Stephanie", theo chị là một ngày nào đó có thể vừa làm ở Pháp và Việt Nam, đi đi về về mỗi năm để thấy đất nước mình thật nhiều thay đổi! Có thể thấy, niềm hãnh diện, tự hào là về nguồn cội, về quê hương Việt Nam đang được nhân lên. Ngày nay cộng đồng người Việt trên thế giới ngày càng lớn mạnh, với gần 6 triệu người tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ ở 5 châu lục, kể cả châu Phi xa xôi. Kiều bào ta ngày càng có địa vị pháp lý vững chắc hơn, đời sống tốt hơn và là nguồn lực hết sức quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, người Việt Nam ở Nhật Bản, hiện là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại TP. Fukuoka (ảnh: Ngọc Xuân)

Cũng đại diện cho thế hệ kiều bào trẻ thành công, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, 39 tuổi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại TP. Fukuoka (Nhật Bản) bày tỏ: "Tôi rất xúc động, là một người con sống xa quê hương nhiều năm, tôi thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với kiều bào rất tuyệt vời. Tôi nghĩ cá nhân mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác phát triển cộng đồng tại Nhật Bản. Tôi mong năm mới đất nước ngày một phồn vinh và phát triển".

“Về Việt Nam thấy đất nước phát triển, chúng tôi rất mừng, dù ở đâu cũng luôn hướng về đất nước bằng những việc làm thiết thực” – đó là chia sẻ của Sư cô Thích Nữ Giới Tánh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc. Điều đó được thể hiện qua những đóng góp âm thầm như đưa các đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc về đầu tư tại Việt Nam, xây dựng khu công nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm; ký kết với các cơ sở đúc đồng ở Việt Nam, quảng bá văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại.

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh tâm nguyện: "Kiều bào xa xứ cùng nhau đoàn kết yêu thương hướng về đất nước, dù đi đâu, ở đâu cũng hướng về nguồn cội của mình. Ở Hàn Quốc có Hội Phật tử Việt Nam, ngoài việc chăm lo đời sống tinh thần cho người dân xa xứ còn dạy tiếng Việt cho con em, làm được gì cho quê hương chúng tôi rất mừng".

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh dự lễ dâng hương tại Khu tưởng niệm các vua Hùng - Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc 

Tiếp nối những giấc mơ

Trong những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, bất ổn chính trị ở nhiều nơi nhưng đồng bào ta ở nước ngoài vẫn nỗ lực thích ứng, ổn định cuộc sống và tiếp tục đóng góp cho quê hương đất nước.

Tính đến tháng 11/2023 có 421 dự án của kiều bào tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 1,72 tỷ USD. Kiều hối năm 2023 ước đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. Riêng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022 - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Việt kiều Mỹ cho biết: "Tôi đã về đây bốn chục năm, những cống hiến của mình luôn luôn được Nhà nước ghi nhận, không phải chỉ trên giấy tờ hay chỉ là cái bắt tay, mà còn qua những giải thưởng, những huân, huy chương. Cho nên cảm thấy yên lòng, thấy rằng việc đóng góp cho quê hương rất là cần thiết và được đánh giá cao".

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn (bên phải), doanh nhân Việt kiều trở về nước từ năm 1984 (ảnh: M.H)

Ngoài nguồn lực kinh tế, cái quý hơn là tài lực và trí lực. Hiện có gần 600.000 kiều bào ở nước ngoài có trình độ học vấn cao đã trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Mỗi năm trung bình có khoảng 300 – 500 trí thức Việt Nam ở nước ngoài trở về tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cũng như đóng góp ý kiến tại hội nghị, hội thảo do các cơ quan, địa phương trong nước tổ chức. 

TP.HCM là địa phương có đông kiều bào nhất cả nước, đại đa số sống ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, hàng chục ngàn người Việt trẻ từ các nền kinh tế phát triển về nước, tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp tại TP.HCM. Các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng cường hợp tác, đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng, liên kết với doanh nghiệp trong nước. 

Rất nhiều chính sách dành cho kiều bào về nguồn lực con người, tài chính, tri thức, hỗ trợ cho bà con ở nước ngoài làm việc, chuyển tài chính từ nước ngoài vào trong nước đang được triển khai mạnh mẽ. Đề án huy động nguồn lực kiều bào vừa được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thông qua, sẽ triển khai thực hiện sau khi được ký ban hành. Thành phố cũng tạo môi trường pháp lý thuận lợi để đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Thành phố và cả nước.

Đoàn kiều bào tiêu biểu về dự chương trình Xuân quê hương 2024 (ảnh: M.H)

Bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của kiều bào: "Đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương Tổ quốc rất phong phú và đoàn kết, tạo được uy tín của Việt Nam đối với các nước trên thế giới. Tôi mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đoàn kết, thương yêu nhau, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, có nhiều đóng góp theo khả năng, lĩnh vực của mình để làm cho đất nước ta ngày càng lớn mạnh, hùng cường và tự hào là chúng ta là người Việt Nam".

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, ánh nắng xuân tươi đẹp đang ngập tràn trên các nẻo đường TP.HCM. Số lượng kiều bào về ăn Tết năm nay đông hơn năm ngoái cho thấy dù khó khăn, thu nhập giảm, nhưng từ những vùng đất xa xôi, bà con kiều bào luôn hướng về cội nguồn và tìm cơ hội để về đón Tết giữa lòng quê hương. Khi xem tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sắp vận hành, thăm cầu Thủ Thiêm bắc qua cánh đồng hoa hướng dương, hay dạo chơi Đường hoa Nguyễn Huệ và Đường sách Lê Lợi dẫn đến quảng trường Quách Thị Trang vừa được khôi phục…, có lẽ bà con kiều bào cảm nhận được rằng người dân thành phố, dẫu chưa hết lo âu trăn trở, vẫn tin tưởng và hy vọng về tương lai.

Chia sẻ nỗi lo và niềm vui với nhân dân TP.HCM, tình yêu và niềm khát khao cống hiến cho quê hương là động lực giúp kiều bào bước tiếp đến thành công mới trong năm Giáp Thìn 2024, để mỗi năm lại về đón Tết trên Thành phố thân yêu.

                                                                                                                               Theo VOV

TỪ KHÓA #xã hội