Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925-21/6/2024) CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925-21/6/2024)

Cuộc đời thăng trầm của nữ nghệ sĩ cải lương Ngọc Đáng

Đức Vượng - 13:06 15/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vốn sinh ra trong một gia đình gồm 4 thế hệ theo nghiệp cầm ca, Ngọc Đáng - người con trong đại gia đình ấy là nghệ sĩ lão làng trong dòng nhạc cải lương lừng danh một thời với những vai diễn đa tính cách. Mặc dù đã bước sang tuổi 97, nhưng bà vẫn luôn hoài vọng về một thời.

Bà đã đóng góp lớn cho sự phát triển của dòng nhạc này ở những thập niên 70, bằng việc đỡ đầu cho nhiều tài danh có tên tuổi lớn như Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Ngọc Giàu, nghệ sĩ Hùng Cường, nghệ sĩ Thanh Sang…Gần 20 năm nay, nghệ sĩ Ngọc Đáng cũng giống như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác, đang sống đạm bạc trong Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (trước đó bà ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh) khiến nhiều người phải xót xa.

“Chúng tôi đã từng rất trẻ, cống hiến say mê, nhưng đã mang nghiệp cầm ca thì phải biết trước được cái bạc bẽo của nó. Để đem lại những vở diễn từng đêm mua vui cho khán giả, chúng tôi đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt mặn đắng”, nghệ sĩ Ngọc Đáng nói.

Lời kể của bà đưa chúng tôi ngược dòng thời gian về những năm tháng hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ. Sinh ra trong gia đình 4 đời theo nghiệp cải lương, ngay từ nhỏ bà đã theo bố mẹ rong ruổi khắp nơi ca hát. Mới vài tuổi đầu, bà đã bộc lộ khả năng ca hát nổi trội của mình.

Nghệ sĩ Ngọc Đáng hiện đang sống trong Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè

Năm 10 tuổi, bà theo đoàn hát khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc chịu biết bao cay đắng buổi đầu vào nghề. Năm 15 tuổi, bà trở thành một vai diễn nổi tiếng trên sân khấu đoàn Năm Châu. Thời đó, bà được nhiều ký giả kịch trường của các tòa soạn báo tung hô là có chất giọng ngọt ngào, thu hút người nghe.

Năm 18 tuổi, bà nên duyên với nghệ sĩ Huỳnh Kinh. Sau nhiều năm đứng trên sân khấu với vai trò là một nghệ sĩ hát cải lương, năm 25 tuổi hai vợ chồng bà quyết định thành lập gánh hát. Nhưng để thành lập được một gánh hát thời đó là chuyện không hề dễ, nhiều năm hai vợ chồng đi hát sô nhưng tiền tích góp cũng chẳng được là bao. Thiếu vốn, vợ chồng bà chạy vạy khắp nơi, phải lấy cả danh tiếng của mình làm “tin” cho chủ nợ.

Hai vợ chồng bà gồng gánh cả đoàn hát với một tư chất mạnh mẽ, uy nghiêm khiến các nghệ sĩ rất nể trọng. Không chỉ vậy, bà thương diễn viên trong đoàn như những người thân. Ai ốm đau, gặp nạn, bà cưu mang không toan tính. Ngoài chuyện hát, vợ chồng bà còn phải lo từ vở diễn đến chuyện tiền bạc trả lương cho anh em nghệ sĩ.

Gánh hát Ngọc Kiều của vợ chồng bà ngày đó tuy tên tuổi không sánh ngang với những đoàn hát lớn khác, nhưng nó đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhiều nghệ sĩ lừng danh thế hệ sau này. Đặc biệt, họ đều do chính tay nghệ sĩ Ngọc Đáng rèn giũa, tôi luyện nên.

NSND Ngọc Giàu, được bao thế hệ người Việt biết đến với giọng ca cải lương mùi mẫn, khiến bao người nghe xúc động rơi nước mắt. Năm 13 tuổi, Ngọc Giàu đã trở thành đào hát cho gánh hát Ngọc Kiều. Chưa dừng lại, những tên tuổi nổi tiếng như nghệ sĩ Thanh Sang, Hùng Cường… cũng là những người có xuất phát điểm từ gánh hát của nghệ sĩ Ngọc Đáng ngày đó. 

Nghệ sĩ Ngọc Đáng đang biểu diễn một tiết mục tại Trung tâm dưỡng lão 

Nổi danh chưa được bao lâu, gánh hát Ngọc Kiều lâm vào cảnh khó khăn, vốn liếng cạn kiệt. Cùng lúc đó, nghệ sĩ Huỳnh Kinh lâm trọng bệnh, một mình bà đứng ra vực dậy gánh hát nhưng bất thành. Không có tiền chạy chữa cho chồng, bà đã từng đi bán máu lấy tiền mua thuốc. Năm 1972, nghệ sĩ Huỳnh Kinh qua đời trong cảnh nghèo khổ. Vài năm sau đó, gánh hát Ngọc Kiều cũng tan rã mỗi người một nơi.

Đang từ một chủ gánh hát lớn, gặp lúc sa cơ lỡ vận bà phải bỏ lại phía sau những ánh hào quang ấy lăn lộn với cuộc sống mưu sinh. Người đàn bà góa phụ nuôi 5 người con nghèo khổ, bơ vơ đứng giữa dòng đời khi trong túi không còn một đồng dính túi. Trên vai người phụ nữ yếu ớt ấy là gánh nặng cuộc đời, và miếng ăn của 5 đứa con nheo nhóc. Quá chua xót cho phận mình, nhưng bà vẫn kiên cường bắt đầu lại bằng công việc buôn gánh bán bưng, rong ruổi khắp các ngõ hẻm, chợ Sài Thành bán đủ các mặt hàng để mưu sinh...

“Từ nhỏ đến lớn tôi chỉ biết mặc những bộ trang phục lộng lẫy, trang điểm cho đẹp rồi đứng trên sân khấu hát mua vui cho người ta xem. Đời biết đâu được chữ ngờ, gánh hát tan rã, bao nhiêu tiền bạc tôi đều phân phát trả lương cho anh em trong đoàn để họ về quê hay đi tìm một gánh hát mới. Thời ấy, tôi như muốn ngã quỵ. Nhưng nhìn 5 đứa con cứ khóc vì đói, buộc tôi phải cố gắng hơn nữa. Ngoài no bụng, tôi phải cho các con ăn học đàng hoàng, không thể vì nghèo mà cho con mất chữ được”, nghệ sĩ Ngọc Đáng kể lại.

Bao nhiêu năm, nghệ sĩ Ngọc Đáng quay cuồng trong dòng xoáy cơm áo gạo tiền, đến khi nhìn lại bà mới nhận ra mình đã già đi trong cơ cực. Chính sự hy sinh thầm lặng đó của bà đã nuôi 5 người con khôn lớn, thành người. Sống cùng con cháu chưa được bao lâu, nỗi niềm về nghiệp ca hát khiến bà không hết nhớ thương, day dứt. Nghệ sĩ Ngọc Đáng bàn với các con về ý định muốn xin vào viện dưỡng lão nghệ sĩ sống cùng đồng nghiệp, nhưng bị phản đối vì các con đều muốn lo cho bà có được cuộc sống thảnh thơi lúc tuổi già. Nhưng rồi, họ cũng đành gói gém đồ đạc cho mẹ vào viện dưỡng lão nghệ sĩ khi thấy bà ngày ngày thẫn thờ hoài niệm đến từng lời ca, điệu nhạc.

Cuộc đời của nghệ sĩ Ngọc Đáng là thế, rất nhiều thăng trầm và bao cảm xúc của một thời. Đến nay, bà sống trong viện dưỡng lão đã gần 20 năm. Hàng ngày, trong khuôn viên viện dưỡng lão, bà cùng các nghệ sĩ khác vẫn ngồi ôn lại kỉ niệm của thời xa xưa. Họ nhớ đến từng động tác diễn, từng lời ca cải lương ngọt ngào. Rồi lại cất giọng ca, từng câu vọng cổ ngân nga vang vọng khắp khuôn viên. Tuy đã bước sang tuổi 97, nhưng nghệ sĩ Ngọc Đáng ca vẫn rất ngọt, hễ có khách, hay ngày Rằm hàng tháng bà đều bước lên sân khấu trong viện dưỡng lão hát, diễn lại những vở cải lương ngày xưa cho mọi người nghe lại. Bà bảo, mình còn sống là còn hoài niệm, còn mê ca cải lương.

Dù cuộc sống sống không được mấy viên mãn, nhưng bà cũng có những công lao, đóng góp nhất định cho nền nghệ thuật nước nhà khi đã đào tạo ra những nghệ sĩ tài danh như: NSND Ngọc Giàu; NSND Kim Cương; NS Hùng Cường; NSƯT Thanh Sang…Thời gian qua, nhiều độc giả thắc mắc là nghệ sĩ Ngọc Đáng đã mất năm 2022 ở Mỹ - đó là cô đào cải lương tuồng cổ xuất sắc, sinh năm 1951 và qua đời tại Mỹ do bệnh nan y. Còn nghệ sĩ Ngọc Đáng (trong bài này) hiện đang sống ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ là thế hệ đi trước của nghệ sĩ Ngọc Đáng (sinh năm 1951).

Nghệ sĩ violin Stéphane Trần Ngọc trở lại với những kiệt tác dành cho đàn violin
Ngày 13/7, tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ violin nổi tiếng Stéphane Trần Ngọc sẽ trở lại trong chương trình biểu diễn những kiệt tác dành cho đàn violin. Nghệ sĩ violin Stéphane Trần Ngọc Stéphane Trần Ngọc đã gây ngạc nhiên cho khán giả TP.HCM vào tháng 7/2017  khi biểu diễn