Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm gì khi có người thân mắc bệnh lao

Ngọc Thúy - 13:12 12/09/2023 GMT+7
Vi trùng lao bị lan truyền qua không khí khi người mắc bệnh lao trong phổi hoặc trong cổ ho ra, hắt hơi, hát hoặc nói, bắn ra những tia li ti vào không khí. Những người khác có thể hít phải các tia này. Phần nhiều người ta chỉ bị nhiễm lao do lây từ người nào có tiếp xúc nhiều với họ.

Bệnh lao là gì?

Bệnh lao gây ra do nhiễm khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Bệnh này thường ảnh hưởng đến phổi nên người ta hay đồng nghĩa bệnh Lao và Ho Lao, nhưng đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như hạch bạch huyết, thận, xương ... 

Bệnh lao phổi lây qua đường hô hấp

Các loại bệnh lao 

Được chia thành 2 thể chính là lao phổi và lao ngoài phổi:

- Lao phổi là dạng thể lao thường xuyên gặp nhất, chúng chiếm tới 80% trường hợp bị mắc lao. Đây là những người bệnh khi xét nghiệm đờm có vi khuẩn lao là nguồn lây truyền cho người bệnh xung quanh.

- Lao ngoài phổi có thể gặp như: lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao xương khớp, lao hệ sinh dục. 

Triệu chứng bệnh lao phổi

Triệu chứng của bệnh là ho có đờm, ho khan, ho ra máu và thường kéo dài trên 2 tuần và cũng là triệu chứng quan trọng nhất liên quan đến lao phổi.

Ngoài ra những triệu chứng bệnh lao khác kèm theo:

- Kém ăn, mệt mỏi, cơ thể gầy sút;

- Sốt nhẹ về chiều;

- Ra mồ hôi trộm vào ban đêm;

- Tức ngực và đôi khi còn khó thở.

Người ta bị lây nhiễm lao bằng cách nào?

Vi trùng lao bị lan truyền qua không khí khi người mắc bệnh lao trong phổi hoặc trong cổ ho ra, hắt hơi, hát hoặc nói, bắn ra những tia li ti vào không khí. Những người khác có thể hít phải các tia này. Phần nhiều người ta chỉ bị nhiễm lao do lây từ người nào có tiếp xúc nhiều với họ. Rất hiếm khi nhiễm lao từ người nào mà mình chỉ tiếp xúc ngắn ngủi hoặc ngẫu nhiên. Bệnh lao không lan truyền qua các vật dụng trong nhà, chẳng hạn như bát đĩa muỗng đũa hoặc điện thoại.

Bệnh lao phổi có lây nhiễm từ người này sang người khác

Khi cơ địa của bạn kém thì chỉ cần hít phải một lượng nhỏ vi khuẩn cũng đã nhiễm lao. Chính vì vậy, một bệnh nhân bị lao phổi có thể lây nhiễm sang cho khoảng 10 - 15 người mỗi năm thông qua những hoạt động giao tiếp hàng ngày. Và hơn nữa, nếu người bệnh không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỉ lệ lây lan còn tăng theo cấp số nhân.

Với những trường hợp người có sức đề kháng tốt thì sẽ ngăn cản không cho vi khuẩn lao sinh sôi và phát triển. Còn những trường hợp sức đề kháng kém, sức đề kháng bị giảm sút ở người phụ nữ mang thai hay đang mắc phải bệnh suy giảm như (cảm cúm, sốt, chóng mắt, suy giảm miễn dịch...) đều sẽ nhanh chóng phát bệnh.

Hầu hết những người bị nhiễm lao phổi ban đầu đều không có bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Vi khuẩn khi đã xâm nhập có thể bất động (hay còn gọi là tiềm ẩn) trong cơ thể và sẽ tấn công cơ thể sau nhiều năm khi hệ miễn dịch trở nên suy yếu.

Bệnh càng dễ lây hơn cho những người thuộc các trường hợp như:

- Suy dinh dưỡng

- Bệnh mãn tính

- Nghiện thuốc lá, nghiện rượu

- Sử dụng các loại thuốc không theo chỉ định

- Bệnh HIV/AIDS

Ngoài ra những bệnh ung thư khác đều có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch dẫn tới sự lây lan của bệnh. Từ nhiễm trùng phổi ban đầu lan rộng ra đến tất cả các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả thận, cột sống và ảnh hương đến cả não.

Người đã chủng ngừa BCG có được bảo vệ hay không? Thuốc chủng ngừa BCG chỉ giúp bảo vệ một phần đối với bệnh lao và chủ yếu là bảo vệ cho trẻ em. Mọi người vẫn có thể bị bệnh lao ngay cả nếu như đã có chủng ngừa BCG.

Khi có người trong nhà mắc bệnh lao, muốn phòng bệnh lao, phải chú ý những điểm sau đây:

- Giải quyết triệt để nguồn lây, nghĩa là chữa khỏi cho người mắc bệnh lao (đặc biệt là lao phổi).

- Không để các chất có trực khuẩn lao phát tán ra ngoài. Đờm của người có bệnh phải được khạc vào ca hoặc cốc chứa vôi bột... Người bệnh không được khạc nhổ bừa bãi.

- Sau 2 - 3 tuần điều trị thuốc lao đầy đủ, tích cực, khả năng làm lây bệnh ở người lao phổi sẽ giảm đi. Trong thời gian đó, bệnh nhân cần tránh sự tiếp xúc không cần thiết với người không mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em gầy yếu, thiếu ăn, suy nhược, suy dinh dưỡng... Không được để người bị lao chưa khỏi bệnh bế ẵm, hôn hít hoặc trông nom trẻ nhỏ.

- Người bị lao tốt nhất là được ở một nơi riêng. Nếu phải nằm cùng giường thì nên nằm tráo đầu đuôi hoặc quay đầu khác hướng, không để hơi thở của người bị lao phả vào mặt mình. Nhà ở cần thoáng đãng, không ẩm ướt, nhiều ánh sáng, cao ráo, sạch sẽ, vệ sinh.

- Không cần ăn uống riêng biệt, bát đũa riêng vì bệnh lao phổi thường không lây theo đường ăn uống. Nếu có điều kiện, nên ăn uống đủ chất, giàu chất đạm: tôm, cua, cá, ốc, thịt, đậu, đỗ...

- Có thể phòng lao cho trẻ mới đẻ bằng cách tiêm vacxin BCG. Với trẻ lớn, phải phát hiện xem đã bị lây nhiễm chưa bằng cách đưa đi khám bệnh, làm xét nghiệm Mantoux, chụp phim X quang phổi... Nếu có biểu hiện bị lây nhiễm hoặc bị bệnh thì phải điều trị bằng thuốc chống lao theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Nhiễm lao có thể được chữa khỏi hay không?

Việc nhiễm lao có thể được chữa trị để ngăn chận việc chuyển thành bệnh lao trong tương lai. Việc chữa trị này thường là uống hàng ngày một trong các loại thuốc dùng để chữa bệnh lao (isoniazid), trong vòng sáu đến chín tháng. Việc chữa trị có hiệu quả 60% đến 90% trong việc ngăn ngừa bệnh lao ở những người bị nhiễm lao. Việc chữa trị này khá an toàn, nhất là ở những người trẻ. Nếu bác sĩ của quý vị khuyên dùng thuốc này, thì họ sẽ giải thích thêm về lợi ích và nguy cơ của việc chữa trị này.

Việc chữa trị lao cần được tiến hành dưới sự chỉ dẫn, giám sát của bác sĩ  chuyên khoa. Nên dùng thuốc vào lúc xa bữa ăn (trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 1-2 giờ) vì dịch vị và thức ăn sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc. Khi điều trị, phải dùng đủ số thuốc (ít nhất 3 loại), đều đặn và đủ thời gian quy định cho tới khi khỏi hoàn toàn.

TỪ KHÓA #bệnh lao