Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 có 80% làng nghề hoạt động hiệu quả

Bùi Ánh - 07:29 29/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Để gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, vừa qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2030”.

Theo số liệu thống kê năm 2023, Nghệ An là tỉnh có số lượng làng nghề không hề khiêm tốn, toàn tỉnh có đến 189 làng nghề. Trong đó, có 18 làng nghề có hợp tác xã; 17 làng nghề có sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Tựu chung, các làng nghề trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả chiếm tỷ lệ cao và giải quyết việc làm cho gần 24 ngàn ao động địa phương.

Trên thực tế, bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương; đồng thời, việc bảo tồn này sẽ phát huy được giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vùng, miền, địa phương khác nhau.

Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 (Cửa Lò) ngày một khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Bùi Ánh

Song song với đó, việc phát triển làng nghề sẽ khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn thương hiệu của địa phương và quốc gia thông qua phát triển sản phẩm của các làng nghề. Đặc biệt là sản phẩm của làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo gắn với việc phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi lành nghề và người lao động ở các địa phương, làng nghề, làng nghề truvền thống.

Từ những thế mạnh đó, tỉnh Nghệ An đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ khôi phục, bảo tồn được ít nhất 1 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Công nhận mới ít nhất 18 làng nghề, ít nhất 1 làng nghề truyền thống, trong đó có 2 làng nghề gắn với du lịch; Trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; Có ít nhất 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỳ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; phấn đấu mỗi năm tổ chức từ 3 - 4 lớp dạy nghề, truyền nghề tại các làng nghề; Có ít nhất 1 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm;…

Làng nghề dệt thổ cẩm ở huyện Kỳ Sơn vừa bảo lưu những nét văn hóa của đồng bào vùng cao vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Tư liệu

Mục tiêu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 2 nghề truyền thống và 2 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Công nhận mới ít nhất 30 làng nghề, 3 làng nghề truyền thống, trong đó có 4 làng nghề gắn với du lịch; Trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; Có ít nhất 1 làng nghề truyền thống và 12 làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mồi xã một sản phấm (OCOP); Nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 8,5 triệu USD/năm;

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Nghệ An cần phải huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo điều kiện tối đa cho các làng nghề cả về vật lực cũng như chính sách; Phát triển hài hòa các cơ sở ngành nghề quy mô vừa và nhỏ, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, phát triển làng nghề gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề.

Điều kiện cần để làng nghề thích ứng với xu thế thị trường là đào tạo và phát triển được nguồn nhân lực cho các làng nghề. Trong đó, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học, thiết kế mẫu mã sản phẩm và xu hướng thị trường; Hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại làng nghề nâng cao trình độ kỹ năng nghề, vệ sinh an toàn lao động, kiến thức công nghệ thông tin cơ bản, chuyển đổi số kiến thức kinh doanh.

Những sản phẩm làm từ mây tre đan được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ảnh: Bùi Ánh

Cùng với đó là tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, khuyến khích sự sáng tạo trong các làng nghề; Đẩy mạnh khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới, công nghệ theo hướng bền vững vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; Hỗ trợ đầu tư mua trang thiết bị máy móc tiên tiến, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm thiêu ô nhiễm môi trường làng nghề…

Để làng nghề có nguyên liệu để sản xuất, các địa phương phải có phương án duy trì và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề. Điển hình như: Cây lùng ở Quỳ Châu, Quế Phong; mây, tre, mét ở Con Cuông, Tương Dương và Thanh Chương; Đậu làm tương ở Nam Đàn và Diễn Châu; mít ở Thanh Chương, Đô Lương và Tân Kỳ; rễ hương ở Quỳ Châu, Quỳnh Lưu; mía ở Nghĩa Đàn; trồng dâu ở Đô Lương, Tân Kỳ và Diễn Châu…

Tình trạng chung hiện nay, các làng nghề đang phải đối diện về cải tiến chất lượng, mẫu mã thiết kế, tính thẩm mĩ để bắt nhịp yêu cầu của người tiêu dùng, cạnh tranh thị trường đầu ra… Do đó, để đáp ứng với những đòi hỏi trong xu thế cạnh tranh, các làng nghề buộc phải tự làm mới mình, không ngừng “biến đổi” tích cực để vươn lên.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Nậm Cắn đạt cả chất và lượng
Vừa qua, Hội Nông dân xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau là giàu bền vững giai đoạn 2016 – 2024.