Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thanh Hóa: Thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 34

Bùi Ánh - 14:30 16/12/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhờ xây dựng được chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sát thực tiễn, kèm theo giao nhiệm vụ trong hệ thống Hội rõ ràng, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 34-NQ/HNDTW ngày 26/7/2017, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) về việc thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm.

Ba nhiệm vụ đó là: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống; Xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đã góp phần rất lớn trong việc làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển hướng đến cải thiện đời sống của người dân nông thôn.

Hội nghị mở rộng giao ban công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Thanh Hoá nhằm nhìn nhận lại những mặt được và chưa được để thực hiện hiệu quả hơn thời gian tới.

Mặc dù quá trình triển khai và thực hiện Nghị quyết này còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, nhưng Hội Nông dân các cấp tỉnh Thanh Hoá đã nỗ lực, tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả nhất các kế hoạch đã xây dựng, từ việc tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên, nông dân và lao động nông thôn đến phối hợp cung ứng phân bón, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ vốn; đào tạo, tập huấn, tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, kết nối hỗ trợ hội viên, nông dân trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ nông sản…

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai tại Nghị quyết 34/NQ- HNDTW, HND tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch thực hiện bài bản, linh hoạt và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá tổ chức hội nghị báo cáo viên hàng quý

Riêng về nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, hàng năm có trên 95% hội viên, nông dân được các cấp Hội đã tổ chức quán triệt, triển khai về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh và nghị quyết của Hội với hơn 40.000 buổi cho 2.780.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.

Các cấp Hội ND trong tỉnh đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân để đề xuất, kiến nghị với Nhà nước có chính sách phù hợp với nông dân; chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy đề ra hằng năm; phát huy hiệu quả quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...; giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhằm thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phối hợp, tổ chức 246 cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân. Hội ND tỉnh tham gia Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân hằng năm, tổng hợp được hơn 100 câu hỏi ở các lĩnh vực gửi tới Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc đối thoại.

Hội ND các cấp tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo nghề, xuất khẩu lao động

Đối với nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề, các cấp Hội đã giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống đã góp phần kích cầu người dân tham gia phát triển sản xuất. Đây chính là tiền đề mở ra cánh cửa mới cho hội viên nông dân có điều kiện thể hiện sức sáng tạo cùng với bàn tay cần mẫn của mình.

Ngoài chương trình hỗ trợ vốn vay, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức triển khai cung ứng phân bón vô cơ, vi sinh, phân bón qua lá, chế phẩm sinh học cho hội viên, nông dân các huyện, thị, thành phố theo hình thức chậm trả, không lãi. Kết quả nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng được hơn 140.300 tấn phân bón trả chậm các loại, trị giá hơn 11 nghìn tỉ đồng, giúp cho hàng trăm nghìn nông dân giải quyết khó khăn, thuận lợi khi chưa có vốn đầu tư để chăm sóc cây trồng kịp thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng.

Mô hình trồng quất ở Triệu Sơn phát huy giá trị kinh tế cho người dân địa phương

Công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao công nghệ cũng được các cấp Hội trong tỉnh quan tâm. Bằng phương pháp “cầm tay, chỉ việc”, xây dựng các mô hình gắn với học trực tiếp từ những mô hình, cách làm hiệu quả, các cấp Hội đã phối hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 15.448 lớp cho 1.237.928 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về chuyển giao khoa học, công nghệ, sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, xử lý rơm rạ trên đồng ruộng, xử lý môi trường; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 1.817 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, theo hướng VietGAP, VietGAHP và chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, cung ứng rau, củ quả an toàn, chuỗi cung ứng thịt an toàn.

Từ những nhiệm vụ đi đầu được thực hiện bài bản, toàn diện, nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đã để lại dấu ấn khá nổi bật. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phát triển có chiều sâu đã lan tỏa truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo về vốn, giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn, tạo việc làm; chia sẻ khó khăn, mất mát của đồng bào các vùng gặp thiên tai, dịch bệnh....

Phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đã để lại dấu ấn khá nổi bật trong công tác Hội

Không dừng lại ở đó, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nền kinh tế tập thể có tính liên kết theo chuỗi, theo vùng hàng hóa tạo sức cạnh tranh rộng lớn trên thị trường. Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ, tư vấn thành lập được 752 tổ hợp tác, 133 HTX, 300 doanh nghiệp, thành lập 97 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 3.220 hội viên tham gia; 881 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 14.825 hội viên tham gia, qua đó tạo sự liên kết, hợp tác, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Trong bối cảnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cả nước nói chung, của Thanh Hoá nói riêng còn chịu nhiều tác động đan xen thuận lợi và khó khăn, thách thức phức tạp, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá với trách nhiệm là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích của nông dân tỉnh, tiếp tục xác định hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn Thanh Hóa một cách toàn diện trong thời gian tới./.

Thanh Hoá: Tham vấn nông dân về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Ngày 31/10/2024, tại xã Thiết Ống (huyện Bá Thước), Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tham vấn, đối thoại cán bộ, hội viên nông dân về tình hình kinh tế xã hội thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024.