Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thành phố Hà Nội dự kiến cần hơn 55,4 tỷ USD để hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị

Minh Tú - 07:05 11/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Kỳ họp chuyên đề HĐND TP. Hà Nội khóa XVI (Kỳ họp thứ 16) nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến tổ chức ngày 15/5 sẽ xem xét sẽ xem xét 8 nội dung thuộc thẩm quyền; trong đó, sẽ xem xét thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Đây là một trong những vấn đề mà cử tri hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua, bên cạnh Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội

Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, yêu cầu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu có nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ các dự án ĐSĐT; phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp chuyên đề, Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị (MRB) đã hoàn thiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô và trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 08/5 vừa qua. Theo quy hoạch, TP Hà Nội có 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài khoảng 417,8km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,5 tỉ USD. Nếu xác định thời điểm bắt đầu dự án ĐSĐT Hà Nội từ năm 2007 thì sau 18 năm, chúng ta đã hoàn thành được 13km (tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông) và đang thi công 12,5km tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Để hoàn thành được 404,8km còn lại trong 12 năm (đến năm 2035), Hà Nội cần bố trí khoảng 37 tỉ USD.

Phát triển ĐSĐT tại Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, là tất yếu của giai đoạn phát triển mới

Trước đó, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô, đến năm 2030, thị phần vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm là 50-55%, sau năm 2030 là 65-70%. Tuy nhiên đến nay, theo số liệu từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thị phần vận tải hành khách công cộng của thành phố đạt khoảng 19,5%, cách khá xa so với các chỉ tiêu quy hoạch.

Theo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô và trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 08/5 vừa qua thì MRB đưa ra sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư nghiên cứu lên tới khoảng 55,442 tỷ USD, mục tiêu các tuyến đường sắt đô thị sẽ được xây dựng theo thứ tự ưu tiên. Mốc thời gian và chỉ tiêu công tác cụ thể:

Dự kiến đến năm 2025 tổ chức thi công xây dựng tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Đến năm 2030 sẽ hoàn thành thi công xây dựng 96,9km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm với sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến: khoảng 16,208 tỷ USD gồm tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo-Thượng Đình và Nội Bài-Nam Thăng Long), tuyến số 3 (đoạn Nhổn-Ga Hà Nội và Ga Hà Nội-Yên Sở), tuyến số 5 (Văn Cao-Hòa Lạc). Giai đoạn này, đường sắt đô thị đảm nhận 7-8% lượng hành khách và vận chuyển 2,2-2,6 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 301km đường sắt đô thị, khổ đường đôi 1.435mm với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20,966 tỷ USD gồm tuyến số 1 (Ngọc Hồi-Yên Viên), tuyến số 2 đoạn kéo dài lên Sóc Sơn, tuyến 2A đoạn kéo dài lên Xuân Mai, tuyến số 3 đoạn Nhổn-Trôi kéo dài lên Sơn Tây, tuyến số 4 (Mê Linh-Sài Đồng-Liên Hà), tuyến số 6 (Nội Bài-Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh-Hà Đông), tuyến số 8 (Sơn Đồng-Mai Dịch-Vành đai 3-Lĩnh Nam-Dương Xá), tuyến vệ tinh Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai. Đến sau năm 2030, đường sắt đô thị đảm nhận từ 35-40% lượng khách công cộng và có thể vận chuyển được 9,7-11,8 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Đến năm 2045 hoàn thành đầu tư xây dựng 196,2km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm, Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 18,268 tỷ USD gồm tuyến số 1 Gia Lâm-Lạc Đạo (kéo dài đoạn Dương Xá đến Lạc Đạo), tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo-Chợ Mơ-Ngã Tư Sở-Hoàng Quốc Việt), tuyến 1A (Ngọc Hồi-Sân bay thứ 2 phía Nam), tuyến số 9 (Mê Linh-Cổ Loa-Dương Xá), tuyến số 10 (Cát Linh-Láng Hạ-Lê Văn Lương-Yên Nghĩa), tuyến số 11 (Vành đai 2-trục phía Nam-Sân bay thứ 2 phía Nam), tuyến số 12 (Xuân Mai-Phú Xuyên).

Đường Lâm - ngôi làng hơn nghìn tuổi của Hà Nội
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngôi làng cổ kính đã gần 2.000 năm tuổi được bảo tồn tương đối nguyên vẹn với những kiến trúc, cảnh quan độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa giao thoa Việt – Mường cổ. Đến với Đường Lâm, bạn sẽ được hòa mình vào không gian yên bình và chiêm ngưỡng một "bảo tàng sống" đặc trưng về lối sống nông nghiệp - nông thôn Việt Nam. Ở đây, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hòa quyện vào nhau tạo thành một thể thống nhất.