Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024):
“Thực là một đội quân kỳ lạ”
Đây là đội quân quyết chiến, quyết thắng dưới lá cờ quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên những chiến thắng vĩ đại, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm rạng rỡ non sông, đất nước ta.
22 tháng 12 năm 1944
5 giờ chiều. Lễ thành lập đội cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc.
Giữa mùa Đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây cao thẳng tắp, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, lần đầu tập họp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm.
Đại diện Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Mán, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội.
Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc.
"Các đồng chí!
Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này.
Thế là từ phút này trở đi, chúng ta cùng nhau tiến lên con đường vũ trang tranh đấu. Chúng ta nêu cao tinh thần anh dũng hy sinh. Chúng ta quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ. Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương và máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân Giải phóng sẽ tỏ rằng mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc.
…Quân giải phóng là một đội quân rất trọng kỷ luật, tuyệt đối phục tùng thượng lệnh, là một đội quân giàu tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ. Kinh nghiệm chúng ta còn non, nhưng có làm mới có kinh nghiệm và làm tất nhiên sẽ có kinh nghiệm. Chúng ta tin tưởng ở thắng lợi.
…Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá Cờ đỏ Sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố: Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang tranh đấu.
Từ giờ phút này, các đồng chí sẽ noi theo ngọn cờ tiến lên trên con đường máu. Chúng ta tiến, tiến mãi cho đến ngày giải phóng của toàn dân".
Đồng chí đại diện Liên tỉnh ủy đọc thư chúc mừng, tin tưởng đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đoàn thể giao phó. Đại diện các tổ chức nông dân, thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương đều lên chúc mừng đội Quân giải phóng bằng những lời lẽ cảm động, đầy tin tưởng và thương yêu.
Rồi đến lễ tuyên thệ.
Đứng dưới cờ, lòng tràn đầy tin tưởng, chúng tôi đồng thanh đọc mười lời thề danh dự:
"Chúng tôi, đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh:
Xin thề:
1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật, Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.
2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì, sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.
3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.
4. Lúc nào cũng khẩn trương, hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc cứu nước.
5. Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.
6. Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được, thì dù bị cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.
7. Hết sức ái mộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.
8. Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng hay rơi vào tay quân thù.
9. Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng ba điều răn: không lấy của dân - không dọa nạt dân - không quấy nhiễu dân, và ba điều nên: kính trọng dân - giúp đỡ dân - bảo vệ dân để gây lòng tin cậy ái đới với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, giết giặc cứu nước.
10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và quốc thể của Việt Nam".
Sau từng lời thề, những tiếng hô "Xin thề!" lại đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động cả khu rừng.
Tâm tư của chúng tôi trong những giờ phút thiêng liêng đó thực khó tả. Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bồng hiện ra rực rỡ trong ký ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp, làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nối, sẵn sàng quật nát kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động.
Nhân dân và các đoàn thể đem tới rất nhiều quà úy lạo. Nhưng bữa chiều hôm đó, theo yêu cầu của số đông anh em, chúng tôi đã ăn một bữa cơm nhạt, không rau không muối, để nêu cao tinh thần khắc khổ của những người chiến sĩ cách mạng.
Tối hôm đó là đêm du kích đầu tiên.
Bộ đội và đồng bào quây quần chung quanh ngọn lửa hồng đỏ rực giữa khu rừng đầy sương mùa đông với những trận gió heo may lạnh lẽo. Cuộc liên hoan bắt đầu trong một không khí đầm ấm và cảm động. Tất cả các chiến sĩ Giải phóng quân lần lượt giới thiệu bí danh, tiểu sử của mình và phát biểu những nguyện vọng đầu tiên trong giờ phút mới tòng quân.
Thực là một đội quân kỳ lạ. Không người nào là không mang một môi hận thù với đế quốc. Hoặc nhà cửa bị đốt, của cải bị tịch thu, hoặc cha anh chị em bị bắt, bị bắn, còn chính mình nếu chưa trải qua lao tù thì cũng là những kẻ đang bị truy nã, đầu bị treo thưởng hàng vạn đồng, hàng trăm đấu muối.
Đội trưởng Hoàng Sâm, thoát ly gia đình từ nhỏ tham gia hoạt động cách mạng, đã qua Xiêm La (Thái Lan ngày nay), Trung Quốc rồi lại trở về nước hoạt động. Qua nhiều năm bị đế quốc truy nã, anh vẫn lăn lộn trong đồng bào Kinh, Thổ, Mán, Nùng, nhiều lần vũ trang chiến đấu đánh vào các đội quân tuần tiễu của Pháp, làm cho bọn thổ phỉ cũng phải kinh sợ.
Chính trị viên Xích Thắng, con của một gia đình nông dân, dân tộc Thổ, hoạt động từ lâu trong phong trào bí mật, nhà cửa bị tịch thu, gia đình bị truy nã, đã nhiều lần chết hụt trước mũi súng của quân đội đế quốc.
Đồng chí Hoàng Văn Thái, xuất thân từ một gia đình nông dân, một đồng chí cách mạng lâu năm đã hoạt động trong vùng Đình Cả - Bắc Sơn, phụ trách học sinh quân ở nước ngoài mới về.
Đồng chí Lâm Cẩm Như, vốn là cháu đích tôn của cụ Nguyễn Thượng Hiền, sinh ra và lớn lên nơi đất khách, mặc dầu chưa thạo tiếng Việt, nhưng tấm lòng vẫn gắn liền với Tổ quốc Việt Nam.
Các đồng chí Xuân Trường, Thu Sơn, Quốc Chủng, Vũ Lập... những thanh niên lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ, không hề nao núng khi nghe tin làng mạc bị đốt, phá, nhà cửa bị tan, sẵn sàng xung phong giết giặc cứu nước. Cùng trong hàng ngũ những thanh niên trung dũng này còn các đồng chí Nam Long, Quang Trung, Nam Tuấn đến sau đó vài ngày.
Các đồng chí Lương Quân, Nam, dân tộc Thổ, là những người sống sót của những gia đình bị địch tàn sát hoặc truy nã. Đồng chí Quý, dân tộc Mán tiền, một cán bộ của tổng Hoàng Hoa Thám, nơi bị đế quốc khủng bố ghê gớm nhất, bao nhiêu làng mạc bị đốt trụi, một đồng chí có tiếng là giỏi chính trị được mọi người yêu mến.
Lão đồng chí Văn Tiên, một nông dân miền núi, được phân công làm quản lý cho đội, yêu quý các đồng chí trong đội như con, như em, coi trọng từng đồng xu, từng hạt gạo của công quỹ, chỉ có một nguyện vọng là được trao lại nhiệm vụ quản lý cho một đồng chí khác để trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Các nữ đồng chí Cầm, Loan, Thanh là những đồng chí đã thoát ly hoạt động bí mật từ lâu, đã có mặt trong phong trào xung phong Nam tiến, đã được thử thách qua nhiều lần khủng bố gắt gao của kẻ thù.
Lời tự thuật của từng người là một bản cáo trạng về bọn đế quốc. Lòng căm giận quân thù bốc lên cao độ. Ai cũng thấy chỉ còn cách dùng lưỡi gươm, viên đạn để thanh toán món nợ nước, thù nhà với bọn chúng. Từ trước đã cùng chung chí hướng, lúc này lại thấy rõ thêm là cùng chung cảnh ngộ, một thứ tình cảm thiêng liêng đã đúc chúng tôi lại thành một khôi rắn chắc không thể nào tách rời. Cuộc liên hoan mỗi lúc một thêm mặn nồng tha thiết.
Nguyện vọng của ba mươi tư con người đều thống nhất: Mong sao giết được nhiều giặc, lấy được nhiều súng Tây thay súng kíp, mong sao Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân chóng trở nên một đội quân mạnh mẽ, mong sao ngọn cờ đỏ sao vàng trong tương lai gần đây sẽ phấp phới bay giữa Thủ đô.
Một nữ đồng chí chúc đội một câu rất thiết thực và rất có ý nghĩa:
- Nhân dân trong toàn thể hai tổng đều mong sao từ giờ đến Tết, đội từ một trung đội sẽ lớn lên thành một đại đội và sẽ chiến thắng trở về ăn Tết vui vẻ với nhân dân Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám.
Cuộc liên hoan kéo dài đến nửa đêm.
Suốt đêm, các tiểu đội thay phiên nhau túc trực dưới cờ, tâm niệm mười lời thề danh dự.
Trong mấy hôm đó, dưới cánh đồng Kim Mã và trên khắp những ngọn đồi xã Cẩm Lý, các đội quân tuần tiễu của đế quốc do tên quan hai đồn Nguyên Bình và tên bố chánh Nguyễn Văn Tòng đích thân chỉ huy, đang đi từ làng nọ sang làng kia, đốt nhà, cướp của, tiếp tục cuộc khủng bố.
Giữa rừng sâu, tràn ngập gió heo may, trong đêm đông giá lạnh và hùng tráng của Cao - Bắc - Lạng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời”.
Trích “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tập Hồi ký,
Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, năm 2006, chương XIX, trang 89-93.
-
Kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam: Thành Nhà Hồ mở cửa miễn phí đón du khách -
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in sâu trong tâm thức người dân Lào -
Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP -
Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi
- Bài 1: Hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước
- Tự hào 94 năm ngành Tuyên giáo!
- 70 năm Hiệp định Geneve: Sức ép trên bàn đàm phán hòa bình
- Ngày 5/6/1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Cuộc hành trình thay đổi vận mệnh dân tộc
- Bài học lớn nhất từ Hiệp định Geneve 1954 là tinh thần độc lập, tự chủ
- Miền ký ức thiêng liêng của “cô bé Trung Quốc” được chụp ảnh cùng Bác Hồ
-
“Thực là một đội quân kỳ lạ”(Tapchinongthonmoi.vn) - Lời Toà soạn: Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Tạp chí Nông thôn mới xin trích đăng lại một đoạn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để cùng bạn đọc nhớ về ngày lịch sử và khoảnh khắc ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
-
Tròn 80 năm quân đội ra đời: Bản hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh80 năm qua, dưới sự lãnh đaọ của Đảng, quân đội ta đã lập nên bao chiến công lẫy lừng. Tất cả đã đi vào lịch sử dân tộc, tạo nên bản anh hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh.
-
Hải Dương: "Đòn bẩy" giúp phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao(Tapchinongthonmoi.vn) - Tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh... Đây chính là "đòn bẩy" giúp ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh phát triển vượt trội.
-
Bảo vệ, xây dựng thương hiệu cho sâm ViệtĐể ngăn chặn tình trạng bát nháo, thật giả lẫn lộn, ảnh hưởng đến thương hiệu sâm quý Việt Nam, nhất là sâm Ngọc Linh, các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam hay Lai Châu là những địa phương sở hữu giống sâm quý này đang vào cuộc quyết liệt, nỗ lực bảo vệ, xây dựng thương hiệu cho sâm Việt Nam.
-
'3 bám, 4 cùng' để góp phần xây dựng vùng biên giàu mạnhThời gian qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang luôn tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực biên giới chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giúp người dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
-
“Ký ức và niềm tin”: Câu chuyện của những người línhSắp xếp theo ba chủ đề: “Sẵn sàng lên đường”; “Niềm tin chiến thắng” và “Ngày trở về”, trưng bày “Ký ức và niềm tin” dẫn lối người xem theo những câu chuyện và thước phim sống động về những người lính cụ Hồ.
-
Tạp chí Nông thôn mới trao tặng quà “Chung tay vì người nghèo- không ai bị bỏ lại phía sau” tại Tuyên Quang(Tapchinongthonmoi.vn) - Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Chính phủ phát động, sáng ngày 20/12, Tạp chí Nông thôn mới phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức trao tặng quà cho Hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Na Hang.
-
Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân độiTổng Bí thư nêu rõ quan điểm, điều kiện tiên quyết để Quân đội nhân dân tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đó là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân.
-
Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt NamSáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương, dự và đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm.
-
Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ góp phần giảm phát thải khí metanTheo chủ trương của Chính phủ, các doanh nghiệp đã và đang hiện thực hoá cam kết của Chính phủ tại COP 26 - phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Những hành động này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, sản xuất xanh, mà còn tạo dựng hình ảnh và vị thế với đối tác khách hàng, nhất là thị trường xuất khẩu.
-
1 Năng động, sáng tạo, các cấp Hội trong Cụm thi đua số 2 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu thi đua -
2 "Dấu ấn" của Cụm thi đua số 3: Nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu do nông dân làm chủ -
3 Cụm thi đua số 4: Tăng cường kết nối giao thương quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hoạt động an sinh xã hội -
4 Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW -
5 Nông dân Đồng Tháp chuyển đổi sang sản xuất lúa hữu cơ