Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tín dụng chính sách – Động lực cho đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn phát triển

Bùi Ánh - Phan Thơm - 14:46 23/12/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau 22 năm triển khai các chương trình tín dụng chính sách, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”. Với cách làm sáng tạo, phù hợp, phát huy sức người, lợi thế địa phương đã đem lại nhiều đổi mới cho huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Trao cơ hội, đổi đời

Kỳ Sơn là huyện miền núi, biên giới phía Tây của tỉnh Nghệ An, với các dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Khơ Mú, Mông, Thái, Kinh, Hoa. Địa phương này luôn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, người dân thiếu tư liệu sản xuất mặc dù thực tế là huyện có nhiều rừng, nhiều đất. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực của người dân cũng như nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Kỳ Sơn đang ngày một vươn lên.

Quán triệt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tín dụng chính sách cho đội ngũ cán bộ tổ chức Hội nhận ủy thác trên địa bàn huyện Kỳ Sơn

Rõ nhất là các chương trình tín dụng chính sách thể hiện tính ưu việt và nhân văn đã tạo động lực quan trọng, trao cơ hội cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, mở ra những triển vọng mới để phát triển bền vững.

Ở huyện Kỳ Sơn, có không ít câu chuyện thành công, đổi đời nhờ nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo chân cán bộ xã Bảo Thắng, chúng tôi đến thăm gia đình anh Cụt Văn Phanh là người dân tộc Khơ Mú, sinh năm 1984, tại bản Ca Da. Trước đây, cũng như bao thanh niên trong bản làng, sau khi tốt nghiệp phổ thông anh đi làm công nhân ở khu công nghiệp các tỉnh phía Nam. Năm 2021, anh trở về quê hương sau thời gian dài nghỉ việc, kinh tế kiệt quệ do đại dịch Covid -19, anh cùng vợ và 3 đứa con sống leo lắt, tạm bợ trong căn lều tranh tre chòng chành bên sườn núi.

Mô hình chăn nuôi trâu bò từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH

Được sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền địa phương, cán bộ ngân hàng và các đoàn thể xã, anh Phanh đã mạnh dạn vay vốn 40 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ nghèo để mua 1 con trâu và 1 con bò sinh sản . Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, siêng năng chăm chỉ và đa dạng kế sinh nhai, đến nay, gia đình anh Phanh đã có 6 con bò, 7 con trâu, 10 con dê và 6 con lợn. Ngoài ra vợ chồng anh còn trồng lúa, hoa màu, chuối để phục vụ sinh hoạt hàng ngày và chăn nuôi. Năm 2023, người dân bản Ca Da vui mừng cho gia đình anh Phanh đã hoàn thành ngôi nhà sàn 3 gian vững chắc, rộng rãi, thoáng mát, chấm dứt cảnh sống trong ngôi nhà rách nát, tạm bợ. Năm 2024, gia đình anh Phanh đã trả hết nợ ngân hàng và chính thức thoát hộ nghèo.

Nhớ những ngày gây dựng lại cuộc sống, anh Phanh chia sẻ: Sau khi đại dịch Covid-19 trở về, tôi vô vọng với 2 bàn tay trắng và gánh nặng gia đình nuôi 3 đứa con ăn học, chăm sóc bố mẹ già yếu. Nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH lúc đó như chiếc phao cứu sinh với gia đình tôi. Cuộc sống gia đình tôi từ đó mà được đổi thay, ấm no, hạnh phúc hơn, con cái được học hành đầy đủ. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, có những chính sách đúng đắn, trao cơ hội cho hộ nghèo, khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Chị Vừ Y No giới thiệu khách du lịch đến thăm quan vườn đào tại Mường Lống

Còn ở xã Mường Lống, câu chuyện khởi nghiệp thành công với mô hình “chăn nuôi gà đen kết hợp kinh doanh, phát triển du lịch” của hộ gia đình chị Vừ Y No đã truyền cảm hứng cho cộng đồng, nhất là thanh niên thế hệ 9X. Chị Vừ Y No sinh năm 1994, sinh sống tại bản Mường Lống 1. Đây là vùng đất có thời tiết mát mẻ, cảnh quan đẹp, những vườn đào vườn mận và nhiều sản vật như gà đen, lợn bản, rau và các loại dược liệu quý cùng những nét văn hoá đặc trưng của người Mông được gìn giữ và phát huy.

Để khai thác tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế gia đình gắn với làm du lịch cộng đồng. Năm 2020, chị Y No vay NHCSXH số tiền 100 triệu đồng nguồn sản xuất kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn này, gia đình chị đã mua 100 con giống gà đen bản địa, máy ấp trứng, máy phát điện, áp dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen an toàn sinh học. Còn dư ít vốn, chị Y No mở cửa hàng tạp hoá cung ứng nhu cầu tiêu dùng trong bản.

Nắm bắt chủ trương và xu hướng phát triển du lịch ở địa phương, năm 2021, vợ chồng chị Y No sửa sang lại căn nhà và mở thêm dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm. Ngôi nhà chị cũng từ đó mà trở nên vui vẻ rộn ràng hơn, sản phẩm từ gà đen và các món ẩm thực đắt khách hơn. Những điệu múa, tiếng khèn, tiếng hát cự xia, trường ca của người Mông lại trở thành đặc sản tinh thần cho du khách gần xa.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, các mô hình dệt thổ cẩm, thêu ren Pà Tâu được giữ gìn và phát huy

Bằng sự nỗ lực, năng động, sáng tạo, chăm chỉ cần cù, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và tham gia Tổ tiết kiệm & vay vốn, đến cuối năm 2024, chị Y No trả hết nợ ngân hàng, thoát hộ cận nghèo và vươn lên hộ khá, có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Chị Y No tâm sự: Khi mới lập gia đình, hai vợ chồng mình thiếu thốn đủ thứ, nhất là nguồn vốn để gây dựng sinh kế. Qua tổ Tiết kiệm & vay vốn của bản, mình được biết các chính sách của Nhà nước cho vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ vay NHCSXH 100 triệu đồng, vợ chồng mình đã thực hiện được ước mơ xây dựng trang trại gà đen bản địa và kinh doanh, phát triển du lịch. Việc tạo nguồn vốn vay ưu đãi thật là cơ hội quý giá cho những người trẻ khởi nghiệp, phát triển sinh kế bền vững.

Để nguồn vốn tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả ở huyện biên giới

Có thể nói, nguồn vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích đó là sự nỗ lực và nhập cuộc của cả hệ thống chính trị. Suốt thời gian qua, huyện Kỳ Sơn luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giao rõ người rõ việc, vai trò trách nhiệm của cấp uỷ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân.

Mô hình trồng rau sạch từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách được UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực triển khai đến toàn thể đảng viên, cán bộ và người dân trên địa bàn. Từ đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã thường xuyên quan tâm đôn đốc, chỉ đạo công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn thông qua hoạt động của Ban đại diện Hội đồng Quản trị huyện, cấp uỷ và chính quyền cơ sở. Hằng năm, cân đối nguồn lực tài chính từ ngân sách huyện để hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Tính đến nay, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang Ngân hàng CSXH là 3,4 tỷ đồng. Đối với huyện nghèo miền núi, điều đó là một nỗ lực lớn thể hiện sự quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Ngân hàng CSXH đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân khắc phục thiên tai, lũ quét

Ngoài việc được cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, người dân trên địa bàn huyện còn được tư vấn, tham gia dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nghề, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất… qua việc lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội.

Qua trao đổi, ông Ngô Minh Tú - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn cho biết: Phòng Giao dịch huyện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, ưu tiên các nguồn lực cho vùng khó khăn đặc thù như Kỳ Sơn; Phòng Giao dịch huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; thường xuyên bám sát cơ sở, thực hiện cho vay đúng đối tượng, kết hợp giữa cam kết, hướng dẫn và giám sát trách nhiệm sử dụng nguồn tiền đúng mục đích. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong hoạt động cho vay, quản lý nợ đã góp phần quan trọng đảm bảo nguồn vốn của Nhà nước được phát huy hiệu quả.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi đã tiếp sức cho đồng bào các dân tộc ở huyện Kỳ Sơn tạo sinh kế bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ năm 2016 là 60,24 % đến năm 2024 còn 44,89%. Kinh tế toàn huyện có nhiều khởi sắc, diện mạo bản làng vùng cao thay đổi tích cực. đất hứa thu hút đầu tư, khởi nghiệp, là điểm du khách gần xa đến thăm quan, trải nghiệm.

Ông Vi Văn Hòe - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tich HĐND huyện tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác tín dụng chính sách, giai đoạn 2014 -2024

Để tiếp tục phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 30/10/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-TW về “nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới”. Chỉ thị này là cú hích mạnh mẽ, tăng cường sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành chức năng cùng Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc đồng hành, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tin tưởng rằng, với sự chung sức đó, sẽ mở ra những triển vọng tươi sáng để Kỳ Sơn vững vàng vươn lên trên con đường hội nhập và phát triển bền vững.

"Các chương trình tín dụng chính sách đã đem đến “luồng sinh khí” mới cho đồng bào miền núi Kỳ Sơn. Ở đó hội tụ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quản lý của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng CSXH với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Nguồn vốn góp phần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm cho cán bộ và người dân trong công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia các chương trình tín dụng. Từ đó thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa bỏ lối sống "trông chờ, ỷ lại”; Đồng thời, khơi dậy khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự lực tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc", ông Vi Văn Hoè - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện khẳng định.

Hội Nông dân xã Nậm Cắn thực hiện tốt Chỉ thị số 40 về công tác tín dụng chính sách xã hội
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Hội Nông dân xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn – Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt là giúp nhiều hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
  • Hỗ trợ nông dân Nghĩa An xử lý chất thải trong chăn nuôi
    Vừa qua, Trung tâm Môi trường Nông thôn- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân xã Nghĩa An (TX. Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) tổng kết mô hình “Hội Nông dân ứng dung công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2024 – 2026”.
  • Xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp ở Quảng Ngãi: Chưa thể xử lý vì còn "đợi" Luật Đất đai
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Trước tình trạng một số công trình được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã nhiều năm chưa bị xử lý ở thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi), lãnh đạo huyện Sơn Hà và thị trấn Di Lăng đều thừa nhận do vướng quy định mới của Luật Đất đai nên... chưa thể xử lý được!
  • Bình Thuận: Làm giàu từ mô hình trồng dâu nuôi tằm và nuôi chồn hương tại xã Đức Tín
    Tại xã Đức Tín, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nông dân làm giàu từ các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Tiêu biểu có thể kể đến các mô hình của ông Phạm Văn Quyết với nghề trồng dâu nuôi tằm và ông Phạm Ngọc Bồi với mô hình nuôi chồn hương. Hiệu quả của 2 mô hình này đã khiến cho nhiều người đến học hỏi và làm theo.
  • Tín dụng chính sách – Động lực cho đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn phát triển
    Sau 22 năm triển khai các chương trình tín dụng chính sách, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”. Với cách làm sáng tạo, phù hợp, phát huy sức người, lợi thế địa phương đã đem lại nhiều đổi mới cho huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
  • 4 chính sách hỗ trợ chuẩn hóa nông sản Việt
    (Tapchinongthonmoi.vn) - "Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam" sẽ giúp quản lý chặt chẽ chất lượng trong sản xuất, chế biến và chứng nhận sản phẩm đạt nhãn hiệu nông sản quốc gia giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng, được chứng nhận và cam kết truy xuất được nguồn gốc, là cơ sở để phát triển thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản.
  • Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân: Đổi mới để phục vụ bệnh nhân tốt hơn
    Với mục tiêu “Tất cả hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, triển khai các kỹ thuật mới, phục vụ tốt nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân.
  • Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp
    Để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, ngành Nông nghiệp Việt Nam phải đi đầu và có nhiều thay đổi. Ngành Nông nghiệp Việt Nam đang thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải thông qua các kế hoạch chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang kinh tế tuần hoàn.
  • Hành trình đến sản phẩm OCOP 4 sao, xuất khẩu của nước mắm Bà Hai  
    Nước mắm Bà Hai, cái tên gọi bình dị, thân thương gắn liền với bao người dân địa phương và du khách muôn nơi. Việc liên tiếp đạt được sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao đã giúp thương hiệu nước mắm Phan Thiết phát triển mạnh mẽ vươn mình trở thành thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận. Đến nay, nước mắm Bà Hai đã có trong các siêu thị, cửa hàng trên khắp cả nước. Đặc biệt, nước mắm Bà Hai đã xuất khẩu được ra nước ngoài là Mỹ, Canada.