Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cho rằng huyện “thất hứa“, hai hộ dân dựng rào chắn đường

Đức Thủy - 09:35 20/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Được cho là tuyến đường đẹp nhất huyện, đường Hùng Vương nối dài tại thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được đầu tư hơn 70 tỷ đồng vừa hoàn thiện, đã bị 2 hộ dân dựng rào chắn ngang với lý do huyện “thất hứa”.

Gần 3 tháng nay, con đường được cho là đẹp nhất huyện miền núi Hướng Hoá đã bị 2 hộ dân dùng giường, thanh sắt, dây cảnh báo, cây và nhiều thứ khác rào chắn lại, việc này khiến người tham gia giao thông di chuyển qua đây phải leo lên hành lang lề đường hết sức khó khăn và nguy hiểm.

Đoạn đầu đường Hùng Vương nối dài đã bị 2 hộ dân dùng giường, thanh sắt, dây cảnh báo, cây và nhiều thứ khác rào chắn lại

Nguyên nhân xuất phát từ việc địa phương chậm trễ giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân nơi đây.

Được biết, tuyến đường Hùng Vương nối dài thuộc Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mekong (GMS) do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, tổng mức thực hiện hơn 70 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ADB. Dự án được khởi công vào năm 2017 đến cuối năm 2023 công trình này mới hoàn thiện.

Năm 2018 dự án được phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhưng một số hộ dân chưa thống nhất với phương án, chưa nhận tiền bồi thường. Đến tháng 2/2022, 2 hộ gia đình ông L.T.T. và L.Đ.H (xin không nêu tên), cùng trú tại khối 2, thị trấn Khe Sanh mới chịu nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, giá đất tái định cư lúc này áp theo mức mới, tăng cao dẫn đến chênh lệch gần 2,2 tỷ đồng so với thời điểm phê duyệt.

Việc đường Hùng Vương bị rào chắn khiến người dân đi lại khó khăn, các phương tiện phải leo lề 2 bên để đi qua.

Để dự án được triển khai kịp thời, tháng 7/2023, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng huyện Hướng Hóa đã tổ chức đối thoại với gia đình ông T. và ông H. để thống nhất xử lý các vấn đề liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.    

Tại buổi làm việc, các bên đã ký biên bản cam kết, thống nhất đến ngày 30/9/2023, cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện Hướng Hóa có trách nhiệm phải hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí bù chênh lệch giá đất cùng với các thủ tục pháp lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ gia đình ông T. và H. kèm theo “lời hứa”: Nếu trong trường hợp quá hạn nêu trên mà chưa hoàn thành các thủ tục thì gia đình 2 hộ trên có quyền rào lại phần đất đã thu hồi để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, dù 2 hộ dân trên đã giao đất để hoàn thiện dự án trên, nhưng đã đến hạn như trong cam kết, các cơ quan chức năng huyện Hướng Hóa vẫn chưa thực hiện “lời hứa” như trong biên bản, nên hai hộ dân đã dùng các vật dụng rào chắn phần đất bị thu hồi của mình.

“Khi tuyến đường khởi công và hoàn thành, người dân nơi đây hết sức phấn khởi vì có một con đường rộng rãi và rất đẹp giữa trung tâm thị trấn, nhưng từ khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng không lâu thì bị chặn khiến giao thông đi lại rất khó khăn, những nhà ở bên trong rất bất tiện vì phải đi đường vòng. Hình ảnh rào chắn ngay đầu đường rất phản cảm và mất mỹ quan, rất mong chính quyền sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi trong việc đi lại của bà con", Theo anh Bảo – một người dân sinh sống gần đường Hùng Vương nối dài cho biết.

ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết địa phương đang kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí bù chênh lệch giá đất cho các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án đường Hùng Vương. Tuy nhiên, chủ trương này chưa được tỉnh thông qua, dẫn đến chậm trễ trong thực hiện đúng cam kết với 2 hộ dân bị thu hồi đất.

Hiện, Ủy ban Nhân dân huyện Hướng Hóa đã giao các cơ quan chuyên môn, Ủy ban Nhân dân thị trấn Khe Sanh phối hợp với các hội, đoàn thể vận động, tuyên truyền các hộ dân này sớm tháo dỡ rào chắn trên tuyến đường Hùng Vương để người dân đi lại thuận lợi.

Quảng Trị: 45 căn nhà tái định cư ở huyện miền núi vắng bóng người
(Tapchinongthonmoi.vn) Dù được cấp những căn nhà bán kiên cố, nhưng người dân ở khu tái định cư Raky - Rào (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lại quay trở về làng cũ sinh sống vì thiếu đất sản xuất.