Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quảng Trị: Thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ vốn tín dụng chính sách

Đức Thủy - 07:10 17/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mỗi năm huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đã có hàng chục hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đakrông là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Trị với dân số 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện có vị trí địa lý cùng với điều kiện tự nhiên không thuận lợi khiến việc sản xuất khá khó khăn, đa số người dân tại đây vẫn còn nghèo, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển.

Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Đakrông phủ kín 100% thôn, bản với hơn 8.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hàng ngàn người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, ngày càng có nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả hơn, nhiều ngôi nhà được xây dựng mới khang trang, nhiều công trình nước sạch, vệ sinh môi trường đã được quan tâm xây dựng, nhiều học sinh - sinh viên có đủ điều kiện học tập tốt hơn,... Nguồn vồn chính sách đã làm cho bộ mặt nông thôn miền núi huyện Đakrông thực sự khởi sắc, qua đó hạn chế hoạt động tín dụng đen, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hàng ngàn người nghèo và các đối tượng chính sách huyện Đakrông vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Hồ Văn Khưn ngụ thôn Chai (xã Tà Long, huyện Đakrông), từ một gia đình hộ nghèo, đang phải lo cái ăn cái mặc hằng ngày. Gia đình ông đã được vay vốn ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đakrông với số tiền 70 triệu đồng, nhờ có số tiền này anh đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng và mua trâu giống về nuôi.

“Lúc mới có ý định vay tiền, mình thấy rất lo lắng vì sợ đầu tư mần ăn sẽ thua lỗ, không có tiền trả nợ, vay rồi thì tiền đâu mà trả lãi cho ngân hàng, nhưng sau khi được các cán bộ ngân hàng nhiệt tình tư vấn, được cán bộ xã, cán bộ thôn chỉ cho cách làm ăn thì mình hết lo. Khi vay được tiền mình bàn với vợ đầu tư trồng tràm, mua trâu để thả, đến bây giờ nhà mình đã có 3 ha rừng cây tràm gần bán được cùng với 4 con trâu. Rất cảm ơn Đảng, Chính quyền, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp mình và những hộ nghèo như mình thoát nghèo” ông Khưn vui mừng chia sẻ.

Khi về tới khóm Làng cát (thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông) hỏi tìm anh Hồ Văn Cúc thì ai cũng biết vì từ một hộ nghèo anh đã “chuyển mình” trở thành một gia đình khá giả. Với khuôn mặt luôn tươi cười anh chia sẻ, trước đây gia đình mình nghèo lắm, suốt ngày cặm cụi ở nương rẫy để trồng những cây sắn, cây ngô,.. mà không mang lại giá trị kinh tế. Làm việc rất vất vả nhưng chỉ đủ ăn qua ngày chứ đừng nói đến việc học hành cho con cái, rất may mình được vay vốn ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đakrông để phát triển kinh tế.

“Năm 2019, sau khi được sự hỗ trợ của chính quyền và ngân hàng, mình được vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi này, mình đầu tư mua 1 con trâu để nuôi nhân giống và trồng 4 ha cây tràm. Năm vừa rồi gia đình mình đã có 8 con trâu, nhưng gia đình cần việc nên đã bán bớt 5 con được 40 triệu, riêng cây tràm mình đã bán được 1 đợt 2 ha với số tiền trên 30 triệu, hiện mình đang có hơn 2 ha tràm chuẩn bị khai thác nữa. Nhờ có số tiền trên mình cho con cái đi học đàng hoàng để sau này có công ăn việc làm tốt hơn” anh Cúc nói.

Ông Hồ Văn Nghĩa (ngụ thôn Tân Đi 1, xã A Vao, huyện Đakrông) cho biết, hiện tại gia đình ông có 5 ha rừng với 3ha sắn. Được như ngày hôm nay là nhờ năm 2017 gia đình ông được hỗ trợ vay vốn chính sách với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư cây giống, cải tạo đất trồng, từ đó cho năng suất mang lại giá trị kinh tế cao. Mỗi năm nguồn thu từ cây tràm và cây sắn, gia đình anh ước tính thu về hàng chục triệu đồng.

Có được nguồn vốn vay tín dụng xã hội, nhiều hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Ông Hồ Văn Kiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã A Vao, huyện Đakrông cho biết, là xã biên giới đặc biệt khó khăn, những năm qua xã được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt với nhiều chính sách ưu đãi lớn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống người dân được đổi thay. Nhờ có vốn vay từ ngân hàng, người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở xã đã đầu tư trồng rừng keo tràm, nuôi trâu, nuôi bò, nuôi dê, cải tạo ruộng nương, xuất khẩu lao động,... từ đó, nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định, có điều kiện cho con em đi học.

Theo ông Ngô Văn Bảo - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đakrông cho biết: Để phát huy hiệu quả những thành tựu đạt được của nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, trong thời gian tới Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đakrông sẽ tiếp tục tham mưu cho Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Đồng thời, chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách; tạo điều kiệm thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn kịp thời.

Ngoài ra, hoạt động tín dụng chính sách xã hội sẽ tiếp tục đi sâu vào cuộc sống bà con nông dân để phát triển sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần hỗ trợ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của các  Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Đakrông.

Quảng Trị: 45 căn nhà tái định cư ở huyện miền núi vắng bóng người
(Tapchinongthonmoi.vn) Dù được cấp những căn nhà bán kiên cố, nhưng người dân ở khu tái định cư Raky - Rào (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lại quay trở về làng cũ sinh sống vì thiếu đất sản xuất.