Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong phát triển nông nghiệp hướng tới mục tiêu an ninh lương thực, bình đẳng giới và phát triển bền vững

Công Duy - 07:18 13/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong khuôn khổ Chương trình “Năm quốc tế nữ nông dân” tại Việt Nam, chiều ngày 12/8 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp”.

Lan tỏa và truyền cảm hứng về vai trò của phụ nữ trong xây dựng nền nông nghiệp minh bạch -  trách nhiệm  - bền vững

Tháng 5/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết tuyên bố năm 2026 là “Năm quốc tế nữ nông dân”; kêu gọi toàn thế giới hưởng ứng “Năm quốc tế nữ nông dân”. Nghị quyết của Liên Hợp quốc hướng sự chú ý của thế giới đến phụ nữ trong ngành Nông nghiệp.

Nhằm thúc đẩy việc triển khai Nghị quyết của Liên Hợp quốc tuyên bố năm 2026 là “Năm quốc tế nữ nông dân” - một sáng kiến ​​toàn cầu do nhóm nòng cốt, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam khởi xướng và được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) phối hợp với các cơ quan khác của Liên hợp quốc thực hiện, Phái đoàn Hoa Kỳ tại ASEAN và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức “Chương trình Năm quốc tế nữ nông dân” tại Việt Nam. Báo Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị bảo trợ truyền thông.

Chương trình đưa 2 nữ nông dân xuất sắc từ Hoa Kỳ đến Việt Nam và Indonesia gặp gỡ cộng đồng phụ nữ trong ngành Nông nghiệp. Các đối thoại nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề mà phụ nữ trong ngành nông nghiệp toàn cầu đang phải đối mặt.

Chương trình “Năm quốc tế nữ nông dân” tại Việt Nam gửi gắm thông điệp: “Cùng nhau, chúng ta có thể giúp thu hẹp khoảng cách giới, mở đường hướng tới mục tiêu an ninh lương thực, bình đẳng giới và phát triển bền vững vì tương lai tươi sáng, công bằng hơn”.

Lan tỏa và truyền cảm hứng về vai trò của phụ nữ trong xây dựng nền nông nghiệp minh bạch -  trách nhiệm  - bền vững, các đại biểu tham gia Diễn đàn cùng giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về công nghệ và chiến lược thị trường trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi với 2 nữ nông dân tiêu biểu của Hoa Kỳ.

Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đây được xem là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Học viện và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới toàn thể cán bộ và sinh viên đặc biệt là các nữ cán bộ và nữ sinh viên của Học viện.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu chào mừng Diễn đàn.

Diễn đàn vì sự tiến bộ phụ nữ trong nông nghiệp với sự tham gia của khoảng 90 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc; Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ; Bộ NN&PTNT Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Bộ; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Hội Nông dân các tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức khoa học nông nghiệp quốc tế; lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng sự đồng hành của nhiều cơ quan thông tấn báo chí, các điểm cầu trực tuyến của một số nước khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan đã cho thấy sự quan tâm rất lớn đối với vai trò, sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp.

“Kế tiếp sự thành công của chương trình giao lưu của 2 nữ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đến toạ đàm với cán bộ và sinh viên của Học viện về nông nghiệp thông minh, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nông nghiệp vào tháng 3 năm 2023. Hôm nay Học viện vinh dự được tiếp đón 2 nữ nông dân tiêu biểu là bà Jaclyn Wilson và bà Jenifer Schimidt đến từ Hoa kỳ, đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới chia sẻ và giao lưu với cán bộ và sinh viên của Học viện. Tôi tin tưởng rằng với sự chia sẻ của đại diện Bộ NN&PTNT, các quý vị đại biểu từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là các nữ cán bộ và sinh viên của Học viện, hội nghị sẽ góp phần minh chứng cho vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc xây dựng một tương lai bền vững hơn cho nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng tới chuẩn bị cho Năm quốc tế nữ nông dân 2026” - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp trên toàn cầu

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Courtney Beale Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp trên toàn cầu. Diễn đàn là sự kiện quan trọng đánh dấu tuyên bố của Liên Hợp quốc về năm 2026 là “Năm quốc tế nữ nông dân”. Tuyên bố này nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong nông nghiệp trên toàn cầu, ghi nhận những đóng góp của nữ nông dân và giải quyết những thách thức mà họ phải đối mặt. Sự tham gia của nông dân tiêu biểu của Hoa Kỳ là minh chứng tầm quan trọng của việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm xuyên biên giới để trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ trong ngành Nông nghiệp, tăng cường kết nối và hợp tác vì tương lai của phụ nữ trong ngành Nông nghiệp.

Bà Courtney Beale Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, Diễn đàn ghi nhận những đóng góp của nữ nông dân và giải quyết những thách thức mà họ phải đối mặt.

Nâng cao vai trò phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp, các đại biểu cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, và cộng đồng địa phương. Đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, và thị trường, song song đó thúc đẩy tập huấn và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, để mỗi phụ nữ đều có cơ hội tham gia và đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, là một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong số gần 1.300 cán bộ thì cán bộ nữ chiếm 56%, hầu hết các cán bộ nữ đều tham gia nghiên cứu khoa học, đồng thời là cầu nối quan trọng trong các hợp tác với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ. Đã có 3 nhà khoa học nữ của Học viện vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia, được vinh danh và nhận nhiều giải thưởng cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng. Học viện luôn tạo điều kiện để tạo sự bình đẳng giới trong các đơn vị. Phụ nữ có thế mạnh tham gia quản lý tốt:

“Phụ nữ có rất nhiều lợi thế trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi tạo điều kiện cho nữ giới tham gia vào nghiên cứu khoa học và đem những tiến bộ khoa học kỹ thuật nghiên cứu phục vụ nông dân. Nhà khoa học nữ cũng tìm xuống các trang trại, hộ chăn nuôi, người làm nông nghiệp là phái nữ cũng có nhiều đồng cảm hơn, có thể chia sẻ được tốt hơn và cũng hiểu được tâm lý của phụ nữ hơn và khi đó phụ nữ thúc đẩy cho những người nông dân, các chủ trang trại có thể sản xuất tốt hơn” - Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan nhận định.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Một số ý kiến cho rằng, trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản về bình đẳng giới, tiếp cận nguồn lực và cơ hội phát triển. Theo ước tính, khu vực nông thôn hiện nay có khoảng 80% phụ nữ tham gia vào sản xuất nông nghiệp, trong đó, khoảng 25% phụ nữ tham gia quản lý các hợp tác xã nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và bà Hạ Thuý Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng:

“Bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong canh tác nông nghiệp, như làm những công đoạn canh tác đòi hỏi sức lực nhiều hơn như: làm đất, cày cấy thì thúc đẩy phát triển cơ giới hóa. Với sự khéo léo của phụ nữ việc đa dạng hóa sản phẩm cuối cùng nông nghiệp cũng là ưu thế của phụ nữ, nếu có thể tận dụng được nguồn lực ngoài những sản phẩm chính của nông sản có thể làm ra thêm nhiều mặt hàng với giá trị gia tăng khác từ các phụ phẩm nông nghiệp tốt hơn. Đây cũng là điều để thúc đẩy tư duy kinh tế nông nghiệp.

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay rất cần về thể chế chính sách, có những khảo sát và đánh giá để đưa ra những chính sách đặc thù đối với từng vùng miền cũng như từng loại nông sản của Việt Nam. Trong các cộng đồng, đặc biệt là cộng động doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ ở các vùng sâu, vùng xa hoặc những vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên có những chính sách thuận lợi hơn cho phụ nữ tham gia, đã có chính sách nhưng tiếp cận của phụ nữ ở những vùng này chưa nhiều”.

Tại Diễn đàn có trình chiếu phim đóng góp của các nhà khoa học nữ đối với nông nghiệp, trong đó có đoạn nhấn mạnh giống lúa OM18, OM5451, OM380 của PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa và Đài thơm 8 của Kỹ sư Bạch Thị Vững có diện tích gieo trồng 2,24 triệu hecta năm 2023, bằng 60% diện tích gieo trồng lúa của ĐBSCL. Ba loại gạo OM18, OM5451, Đài Thơm 8 là sản phẩm khoa học của các nhà khoa học nữ Trần Thị Cúc Hòa và Bạch Thị Vững chiếm tới 52% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2023. Đóng góp của họ là rất to lớn, được các đại biểu đánh giá xứng đáng được Nhà nước phong Anh hùng Lao động.

Các đại biểu trao đổi, giao lưu với 2 nữ nông dân Hoa Kỳ.

Trong Chương trình Diễn đàn, ngày 13/08/2024 sẽ tổ chức sự kiện “Giao lưu nữ nông dân Việt Nam - Hoa Kỳ” và tham quan mô hình chăn nuôi gà vi sinh và bảo tồn và phát triển dược liệu tại huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội. Chương trình đưa 2 nông dân Mỹ gặp mặt và trao đổi với 20 nữ nông dân tiêu biểu trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đây là cơ hội quý báu để các nữ nông dân huyện Sóc Sơn tiếp cận những kiến thức tiên tiến và chia sẻ kinh nghiệm thực tế, từ đó nâng cao năng lực, phát huy tối đa tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp.

Thông tin về hai nữ nông dân tiêu biểu đến từ Hoa Kỳ

1) Nông dân Jennifer H. Schmidt: Sở hữu và điều hành trang trại Schmidt Farms Inc. (Sudlersville, bang Maryland). Trang trại của cô Jennifer được cấp Chứng nhận quản lý nông nghiệp với diện tích hơn 800ha, trồng ngô, đậu nành, lúa mì, rau và nho. Cô Jennifer còn là chuyên gia được cấp phép về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quản lý dinh dưỡng; chuyên gia tư vấn truyền thông về nông nghiệp và dinh dưỡng, cung cấp kinh nghiệm chuyên môn và các chương trình đào tạo về sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học, hệ thống nông nghiệp và phát triển bền vững. Trước đây, cô Jennifer sở hữu Schmidt Vineyard Management LLC và làm chuyên gia dinh dưỡng cho các tổ chức y tế và giáo dục, với kinh nghiệm sâu rộng về dinh dưỡng lâm sàng và các sáng kiến ​​giáo dục thanh thiếu niên. Cô có bằng Thạc sĩ về dinh dưỡng con người tại Đại học Delaware, được đào tạo chuyên sâu về chế độ dinh dưỡng và nông nghiệp.

2) Nông dân Jaclyn Wilson: Sở hữu và Điều hành trang trại Wilson Flying Diamond Ranch (Lakeside, bang Nebraska) kể từ khi tốt nghiệp đại học vào năm 2002. Cô điều hành hoạt động chăn nuôi bò, bê thế hệ thứ 5 cùng với cha cô, được vinh danh là Nhà Chăn nuôi bò chất lượng quốc gia của năm 2023. Jaclyn sáng lập Công ty Flying Diamond Beef vào năm 2019, tiên phong trong việc bán thịt bò NFT (*). Cô tích cực tham gia hoạt động cộng đồng trên toàn cầu, từng đến thăm các cơ sở chế biến trên 6 châu lục và đại diện cho ngành thịt bò Hoa Kỳ trong các phái đoàn thương mại. Jaclyn nắm vai trò lãnh đạo trong Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn của bang Nebraska và Hiệp hội thịt bò quốc gia, được công nhận là một trong 40 người dưới 40 tuổi có tầm ảnh hưởng đối với lĩnh vực nông nghiệp của Tạp chí Nông trại năm 2016 và được bang Nebraska vinh danh năm 2023 về những thành tựu trong nông nghiệp.

Nông dân chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp Lào Cai có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa. Có được kết quả này, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, các cấp Hội Nông dân (ND) trên địa bàn tỉnh đã cùng bà con ND tham gia mạnh mẽ để xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa bền vững. Tư duy kinh tế nông nghiệp đang hình thành ở chính mỗi nông dân.