Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lào Cai:

Nông dân chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Thùy Dương - 07:03 14/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp Lào Cai có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa. Có được kết quả này, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, các cấp Hội Nông dân (ND) trên địa bàn tỉnh đã cùng bà con ND tham gia mạnh mẽ để xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa bền vững. Tư duy kinh tế nông nghiệp đang hình thành ở chính mỗi nông dân.

Nông dân là chủ thể
Xác định nông dân (ND) là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; chú trọng xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. 

Nguồn quỹ đầu tư để thực hiện Dự án trồng chè đem lại thu nhập cao cho người dân huyện Mường Khương.
Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các cấp phối hợp thông tin tuyên truyền chính sách sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; các mô hình liên kết, mô hình hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Năm 2023, các cấp Hội trong tỉnh chủ động tổ chức 6 đoàn đưa trên 100 cán bộ, hội viên ND đi học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó, Hội ND tỉnh tổ chức 01 đoàn học tập kinh nghiệm về xây dựng, duy trì hoạt động của mô hình chi, tổ hội ND nghề nghiệp gắn với liên kết, sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh, qua đó, giúp cán bộ, hội viên, ND nâng cao nhận thức từ trực quan đến đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất hàng hóa theo các chuỗi giá trị nông sản, học tập phương án quản lý mô hình, phương án tổ chức sản xuất liên kết, cách thức sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản hàng hóa thành công tại địa phương.
Cùng với đó, các cấp Hội ND trong tỉnh duy trì và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa nông sản đặc thù theo quy hoạch vùng sản xuất tại địa phương, làm cơ sở định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, giá trị và chất lượng cao; đồng thời kêu gọi các hội viên đoàn kết giúp nhau trong sản xuất, phổ biến kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật sản xuất phát triển kinh tế hộ.
Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội ND tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi bám vào các nghị quyết của Trung ương Đảng cũng như nghị quyết của Tỉnh ủy. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành rất nhiều nghị quyết về chuyển đổi số, về xây dựng phát triển du lịch, Nghị quyết 10 về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Chúng tôi bám vào những nội dung này để xây dựng các chỉ tiêu, phương hướng và giải pháp để thực hiện các nghị quyết". 
Bức tranh nông nghiệp thêm những gam màu tươi sáng
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của tỉnh, dựa trên nền tảng cây trồng, vật nuôi sẵn có, Hội ND huyện Bảo Thắng đã vận dụng các giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế về đất đai, vị trí địa lý và trình độ canh tác của ND. Với 3 cây trồng chủ lực là quế, chè và cây ăn quả; 3 con là lợn, gà, cá làm thế mạnh, huyện đã quy hoạch lại các vùng sản xuất với định hướng phát triển rõ ràng. Lĩnh vực chăn nuôi chuyển từ nhỏ lẻ sang trang trại, gia trại và chủ động hơn về nguồn giống sản xuất tại chỗ. Những cách làm này mang lại hiệu quả rất cao.
 Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất, chuyên canh có quy mô lớn, đạt giá trị thu nhập cao. Chăn nuôi có sự chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại và liên kết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thủy sản có sự chuyển biến tích cực, sản lượng tăng hàng năm; phát triển rừng, nhất là phát triển rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị từ gỗ được quan tâm. Các tiềm năng phát triển nông, lâm, nghiệp từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả.

Nông dân xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng trồng dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hội ND huyện Mường Khương xác định cần tạo lập liên kết sản xuất giữa ND với ND, ND với doanh nghiệp. Xuất phát từ thực tế, ND các xã trên địa bàn huyện đã liên kết với nhau thành lập các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp theo các ngành hàng chủ lực, gồm chè, chuối, dứa, quýt, lợn đen...
Kết thúc năm 2023, bức tranh nông nghiệp Mường Khương có thêm những gam màu tươi sáng khi các cây trồng chủ lực và tiềm năng đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Toàn huyện đang có 5.456ha chè, 550ha chuối, 1.640ha cây quế, 815ha quýt, 550ha lúa Séng Cù, 200ha cây hồng giòn và 200ha ớt. Đây là những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện nghị quyết lớn của Tỉnh ủy về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa. Từ nghị quyết này, đời sống người dân đang dần có sự thay đổi căn bản, Mường Khương cũng đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Nhờ xây dựng được các vùng hàng hóa quy mô lớn, Mường Khương đã thu hút được các doanh nghiệp, HTX đầu tư, hỗ trợ người dân tiêu thụ thông qua hoạt động chế biến. Cây quýt, cây hồng giòn hay lúa đặc sản đang mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho ND vùng cao.