Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

70 năm hình thành và phát triển của ngành Nông nghiệp Điện Biên

Hoàng Tính - 08:21 03/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong 70 năm qua (kể từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954), tỉnh Điện Biên (trước là tỉnh Lai Châu) đã luôn dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho kinh tế nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Cùng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Điện Biên đã ban hành kịp thời những nghị quyết, chuyên đề, kế hoạch, hành động cụ thể để ngành Nông nghiệp phát triển.

Cánh đồng Mường Thanh “trụ đỡ” của nông nghiệp Điện Biên

Ngay sau khi dành chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, tỉnh Điện Biên đã gặp rất nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp độc canh, tự cấp, tự túc, du canh, du cư, nên trong một thời gian dài, cái đói cái nghèo đã đè nặng lên cuộc sống của đồng bào các dân tộc.

Được thiên nhiêu ưu đãi cùng với những chính sách kịp thời cánh đồng Mường Thanh đã trở thành vựa lúa của Tây Bắc

Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đã quyết tâm lãnh đạo cùng với nhân dân (19 dân tộc anh, em gồm: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Kinh, Hà Nhì, Lào, Kháng, Mường, Cống, Xinh Mun, Si La, Thổ, Phù Lá và các dân tộc khác) nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng cơ sở vật chất và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói từ ngàn xưa giới thiệu về bốn Mường lớn ở vùng Tây Bắc: Lớn nhất là Mường Thanh (Điện Biên); thứ nhì Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái); thứ ba Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La); thứ tư Mường Than (Than Uyên, Lai Châu). Đây được coi là 4 vựa lúa của Tây Bắc,  Điện Biên là tỉnh sở hữu cánh đồng Mường Thanh rộng lớn đây là lợi thế để phát triển nông nghiệp, cánh đồng Mường Thanh là một trong những vựa lúa của vùng đất Tây Bắc, gạo Điện Biên nổi tiếng với hương vị thơm, ngon; nhưng do nguồn nước tưới cung cấp cho cánh đồng Mường Thanh chỉ nhờ vào thiên nhiên (nước trời) nên diện tích gieo cấy và sản lượng thu hoạch còn hạn chế.

Để đảm bảo cung cấp nước cho cánh đồng Mường Thanh và các hoạt động nông nghiệp, nước phục vụ cho sinh hoạt… năm 1963, Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Với sự tham gia của hơn 2.000 thanh niên, trong đó có nhiều người rất trẻ, chưa học hết phổ thông từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa… suốt gần bảy năm (1963-1969) xây dựng công trình, vượt lên những khó khăn và sự phá hoại của giặc Pháp, công trình đã hoàn thành bằng công sức và xương máu của nhiều người. Đại thủy nông Nậm Rốm trở thành công trình thủy nông lớn nhất khu vực Tây Bắc Việt Nam.

Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần nâng cao sản lượng, giá trị cho sản phẩm lúa, gạo ở cánh đồng Mường Thanh

Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đưa vào hoạt động đã tạo nên “mạch sống” cho Điện Biên, cung cấp nước cho: Nhà máy thủy điện, nguồn nước cho nhân dân sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường… và đặc biệt là đảm bảo nước tưới cho Cánh đồng Mường Thanh.

Kể từ khi đi vào hoạt động, Đại thủy nông Nậm Rốm vẫn ngày đêm lặng lẽ đưa nước về tưới cho cánh đồng Mường Thanh, từ diện tích 2.000ha nay đã lên trên 4.000ha; vào những vụ gieo trồng, Đại thủy nông Nậm Rốm cùng các kênh được mở liên tục đảm bảo nước cho cây lúa, cây hoa màu sinh trưởng và phát triển tốt. Các giống gạo chất lượng như: IR64; Bắc thơm số 7; Séng cù... đã được ngành Nông nghiệp và người dân đưa về trồng.

Cùng với đó người nông dân sản xuất lúa ở cánh đồng Mường Thanh đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư máy móc, nông cụ, cơ giới hóa khâu làm đất đạt 93%, khâu thu hoạch đạt đạt 95%; diện tích áp dụng máy cấy gắn động cơ thay thế hình thức gieo thẳng đạt gần 500ha… Đặc biệt nhiều dòng sản phẩm gạo được sản xuất ở cánh đồng Mường Thanh đã đạt chuẩn OCOP.

Trên cánh đồng Mường Thanh ngày nay, mỗi năm nông dân tỉnh Điện Biên thuộc các xã: Thanh Minh, Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa… đã thâm canh được ba vụ (hai vụ lúa, một vụ rau). Áp dụng nhiều giải pháp cánh đồng Mường Thanh đã cho năng suất lúa đạt 10 – 12 tấn/ha…

Nếu như 70 năm trước, cả dân tộc góp gạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ để nuôi quân đánh giặc và sau giải phóng Điện Biên, người dân khu vực lòng chảo Điện Biên vẫn được nhận gạo cứu đói của Nhà nước; thì nay, cánh đồng Mường Thanh đã làm ra đủ gạo cho người dân khu vực lòng chảo Điện Biên và gạo Điện Biên cũng đã có mặt ở các siêu thị, cửa hàng lớn trên toàn quốc.

Nông nghiệp Điện Biên phát triển toàn diện

Cùng với cây lúa và cánh đồng Mường Thanh, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên cũng đã tích cực chuyển đổi mạnh mẽ, đẩy mạnh phát triển cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày vào sản xuất, phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển...

Với nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, đến nay khu vực sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh Điện Biên đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như: Cà phê, cao su, mắc ca, quế, chè… góp phần thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng.

Ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (đứng thứ 2 gần màn hình) thăm quan mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên). (Ảnh TTĐT ĐB)

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã hình thành các vùng sản xuất: Vùng cà phê ở các huyện Mường Ảng, Điện Biên; vùng cao su ở các huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé; vùng chè ở các huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông; vùng Mắc ca ở các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, TP Điện Biên Phủ; toàn tỉnh Điện Biên đang có 419.894ha rừng…

Cùng với đó phát triển chăn nuôi cũng đã được quan tâm đẩy mạnh, đàn gia súc (trâu, bò) phát triển mạnh ở các huyện Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông… đàn trâu (135.478 con), đàn bò (95.000 con); lợn (307.168 con).

Nuôi trồng thủy sản phát triển khá, đến nay toàn tỉnh Điện Biên có khoảng 2.739ha hồ, ao; mô hình nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước, mô hình nuôi cá bể bồn với 275 lồng.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (đứng thứ 2 từ trái sang) kiểm tra thực địa tại vườn ươm cây giống mắc ca. (Ảnh TTĐT ĐB)

Trên cơ sở các vùng chuyên canh, vùng chăn nuôi tập trung, tỉnh Điện Biên đã từng bước sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tỉnh phát triển trên cơ sở gắn với liên kết chặt chẽ về lợi ích giữa ngành công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu; Khuyến khích sắp xếp các hộ chế biến từng bước chuyển thành cơ sở chế biến tập trung để giải quyết việc xử lý môi trường và tăng chất lượng sản phẩm.

Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp bước đầu được hình thành và từng bước được nhân rộng trên các lĩnh vực như sản xuất lúa chất lượng cao, chè Shan tuyết, cà phê, cao su. Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu đã tạo được sự ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân yên tâm sản xuất, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là xu hướng chung và cần thiết trong quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Điện Biên.

Chính vì vậy ngành Nông nghiệp đã đóng góp quan trong vào bức tranh kinh tế của tỉnh Điện Biên. Trong những năm gần đây, nhịp độ tăng trưởng kinh tế ngành Nông nghiệp luôn đạt 5,3% (năm 2021 đạt 7,13%; năm 2022 đạt 5,79%; năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp 3,01%; giá trị toàn ngành đạt 2.432,4 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD).

Có thể thấy, quá trình phát triển của sản xuất nông nghiệp Điện Biên trong 70 năm qua là sự chuyển dịch không ngừng từ nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu sang sản xuất có liên kết; từ thủ công sang hiện đại; từ nền sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp. Trong 70 năm phát triển, ngành Nông nghiệp Điện Biên luôn bám sát, đồng hành, hiện thực hoá các mục tiêu phát triển của tỉnh Điện Biên.

Hướng đi của ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã và đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh Điện Biên, thu nhập và đời sống của người dân phải thực sự được nâng cao, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/người/năm, tới năm 2030, phải đạt 113 triệu đồng/người/năm. Người nông dân và cư dân khu vực nông thôn tỉnh Điện Biên phải có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng.