Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia của… Trung Quốc để đấu thầu ở Tiền Giang

11:33 30/05/2018 GMT+7

Thời gian vừa qua, Nhà thầu Máy Tính Kết Nối ở thành phố Mỹ Tho liên tục có những đơn thư khiếu nại nhiều kết quả đấu thầu thiếu minh bạch diễn ra ở Tiền Giang. Kèm theo hồ sơ, có cả việc địa phương này áp dụng tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc để làm chuẩn đấu thầu khiến nhiều nhà thầu bó tay…

Áp dụng chuẩn Trung Quốc để loại thầu

Theo hồ sơ, ngày 17.1.2018, Bệnh viện đa khoa Tiền Giang phát hành hồ sơ mời thầu: “Mua sắm mực in và vật tư thay thế năm 2018”. Tuy nhiên, hồ sơ này áp đặt các tiêu chuẩn không phù hợp về ISO cũng như tiêu chuẩn quốc gia nên Nhà thầu Máy Tính Kết Nối gửi kiến nghị số 020/YCLR-KN kiến nghị Bệnh viện áp đặt các tiêu chuẩn ISO không đúng đối tượng.

Cụ thể, nhà thầu này giải thích cho Bệnh viện rằng: “ISO 1524:2013 quy định một phương pháp xác định độ tinh xảo của việc nghiền các loại sơn, mực và các sản phẩm liên quan bằng cách sử dụng một thước đo phù hợp cấp độ micrometres. Nó có thể áp dụng cho tất cả các loại sơn lỏng và các sản phẩm liên quan, trừ các sản phẩm chứa các chất nhuộm màu dạng bột (ví dụ: các mảnh thủy tinh, oxit sắt xỉ, miếng kẽm).” Điều đáng lưu ý, bên mời thầu yêu cầu các nhà thầu phải đáp ứng chuẩn GB chứ không phải tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam.

Công văn yêu cầu làm rõ của Cục Quản lý đấu thầu.

Trong khi đó, GB là tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc ban hành bởi Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn Trung Quốc (SAC), Uỷ ban Quốc gia Trung Quốc của ISO  IEC. GB là viết tắt của Guobiao, tiếng Hoa cho tiêu chuẩn quốc gia. Do đó nếu “áp” ISO 1524:2013 vô sản phẩm ở dạng bột tức là áp sai đối tượng. Và tiêu chuẩn GB chỉ có giá trị lưu hành nội bộ trong lãnh thổ Trung Quốc thì không thể “áp” vô Việt Nam. Mặt khác, tiêu chuẩn GB này, theo định nghĩa của bởi Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn Trung Quốc, thì nó có giá trị tương đương với ISO 14001. Việc yêu cầu cùng lúc 2 tiêu chuẩn (cứ cho là) tương đương hoá ra lại thừa.

Tuy nhiên, các khiếu nại của Nhà thầu Máy Tính Kết Nối không được giải quyết triệt để. Ngày 2.2.2018, bệnh viện cho mở thầu với 7 nhà thầu tham gia, giá dự toán công bố là 263,7 triệu đồng. Trong đó, nhà thầu bỏ giá thấp nhất là 160,8 triệu đồng, giá cao nhất là Nhà thầu INCOM 209,7 triệu đồng. Thời gian mở thầu kéo quá dài nên sáng 12.4.2018 Nhà thầu Máy Tinh Kết Nối có văn bản số 038/CV-KN yêu cầu Bệnh viện công bố kết quả vì đã hết hiệu lực của hồ sơ (76 ngày kể từ 26.1.2018 nếu tính từ ngày đóng thầu lần thứ nhất trong khi hiệu lực của Hồ sơ đề xuất (Hồ sơ mời thầu) là 60 ngày). Trưa 12.4.2018 Bệnh viện đa khoa Tiền Giang ra thông báo 231/BV công bố kết quả lựa chọn nhà thầu: Theo đó nhà thầu có giá cao nhất INCOM trúng thầu với giá 209,7 triệu đồng dù Hồ sơ dự thầu đã mất hiệu lực.

Dù giá trị gói thầu rất thấp nhưng nhiều nhà thầu bị loại vẫn bức xúc. Ngày 17.4.2018, một nhà thầu làm văn bản gửi UBND tỉnh Tiền Giang và Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KHĐT) để kiến nghị chung về tình hình đấu thầu tại Tiền Giang. Trong đó có nêu thực trạng vi phạm luật đấu thầu diễn ra càng phổ biến trên diện rộng của nhiều Sở, ngành khác nhau. Nêu rõ sự công bố nhà thầu được phê duyệt trúng thầu trái luật của Bệnh viện đa khoa Tiền Giang, sự né tránh vòng vo của Sở GD&DT tỉnh Tiền Giang, sự bất lực của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương (Sở KHĐT tỉnh Tiền Giang).

Tiêu chuẩn “đo ni đóng giày”

Theo hồ sơ, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cũng bị khiếu nại vì đưa ra các tiêu chuẩn loại thầu kiểu “đo ni đóng giày”, cụ thể là hồ sơ mời thầu: “Mua sắm phòng máy vi tính, máy chiếu, máy vi tính xách tay trang bị cho các trường trung học phổ thông” phát hành ngày 2.3.2018. Theo đó, hồ sơ yêu cầu nhà thầu phải có doanh thu bình quân tối thiểu trong 3 năm (2015, 2016, 2017) là 10 tỷ đồng; Yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu: 2 tỷ đồng; Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự: 2 hợp đồng trị giá 4,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, Khoản 3, Điều 13 và Điểm c, khoản 2, Điều 33 – Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Với Luật Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật và pháp lý để ấn định các số liệu trên của Bên mời thầu chẳng khác nào ngăn cản sức cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đồng thời tạo điều kiện “đo ni đóng giày” cho doanh nghiệp khác được lựa chọn một cách vừa vặn.

Yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu đối với máy tính học sinh và máy tính giáo viên: Monitor 19” LED (Tỷ lệ tương phản động DCR: 120.000.000:1; góc nhìn 170o/160o ). Ý kiến nhà thầu cho rằng, trước hết, cần phải thống nhất khái niệm và nhu cầu về độ tương phản, từ đó xác định và đánh giá tiêu chí kỹ thuật của sản phẩm là thực thực hay ảo. Độ tương phản (Contrast) được biểu diễn bằng tỷ số giữa các vùng sáng nhất và tối nhất của hình ảnh. Độ tương phản tĩnh (Static Contrast) là tỉ lệ giữa 2 điểm sáng nhất và điểm tối nhất trên màn hình tại cùng một thời điểm xác định. Trong khi đó, độ tương phản động (DCR-Dynamic contrast rate) là chỉ số đo lường giữa điểm tối nhất và sáng nhất mà khả năng màn hình có thể đạt được. Trong khi độ tương phản tĩnh rơi vào khoảng 1500:1 tới 2000:1 là đủ cho các màn hình hiện nay, độ tương phản động đã đạt tới con số hàng triệu, thậm chí vô hạn (?!). Có lẽ chức năng lớn nhất của độ tương phản động là để nhà sản xuất… ‘tung hỏa mù’ đối với người tiêu dùng.

Bà Đinh Thị Diễm – Giám đốc Công ty Máy Tính Kết Nối bức xúc: “Chúng tôi cho rằng có sự nhầm lẫn trong việc đưa khái niệm tỉ lệ tương phản động (DCR) thay vì thông số chính thức phải là độ tương phản (Contrast). Lướt qua một số nhận định chung về tỉ lệ tương phản động (DCR) ở trên chúng ta đều nhận thấy chỉ số Độ tương phản động (DCR) hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt kỹ thuật. Việc đưa chỉ số DCR trong khi thiếu vắng chỉ số Độ tương phản tĩnh là khó chấp nhận. Do đó, tôi yêu cầu phải loại bỏ yếu tố DCR ra khỏi yêu cầu trong hồ sơ mời thầu này và thay vào đó phải là yêu cầu về Độ tương phản thực (Real Contrast)”.

Cũng theo bà Diễm, không chỉ Tiền Giang mà các tỉnh lân cận như Long An, Vĩnh Long cũng có hiện tượng “sân sau” trong đấu thầu. Bà Diễm cho biết đã thu thập đầy đủ các hồ sơ để khiếu nại nhằm hạn chế tối đa tình trạng thiếu minh bạch trong lĩnh vực đấu thầu. “So với các gói thầu trăm tỷ, ngàn tỷ thì các gói thầu trong lĩnh vực máy móc văn phòng giá trị rất thấp. Tuy nhiên, dù lớn hay nhỏ chúng tôi cũng cần sự minh bạch” – bà Diễm nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khiếu nại của doanh nghiệp đã kéo dài từ năm 2017 đến nay với những gói thầu có tính chất tương tự. Ngày 16.8.2017, Cục Quản lý đấu thầu đã có công văn 778/QLĐT-ĐT gửi UBND tỉnh Tiền Giang. Công văn nêu rõ: Nếu những phản ánh này của nhà thầu là chính xác thì đây là hành vi vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu (…). Trường hợp cần thiết, yêu cầu Sở KH-ĐT tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, tổ chức lựa chọn nhà thầu. Nếu phát hiện những vi phạm thì phải xử lý nghiêm”.

An Long