Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bảo tồn đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An

11:04 13/10/2021 GMT+7

Đây là Dự án Nâng cao kiến thức, năng lực quản lý rừng và phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) góp phần bảo tồn đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An

Kỳ Sơn là huyện nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An với địa khá phức tạp, có đường biên giới hơn 203,4km với nước bạn Lào, có quốc lộ 7 và cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cửa khẩu phụ biên giới Ta Đo và rất nhiều lối mở qua biên giới Việt – Lào, đất ruộng để sản xuất lương thực ít, thiếu đất sản xuất và việc làm nên có hàng ngàn người đi xuất khẩu lao động, làm việc ở nước ngoài, ở các tỉnh thành phố khắp cả nước, nhất là đi Lào, Thái Lan, Trung Quốc và trở về từ vùng dịch nên nguy cơ dịch bệnh COVID-19 rất cao. Thời gian gần đây, những cuộc di dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ồ ạt về quê tránh dịch rất nhiều nên nguồn lao động tại địa phương cần việc làm để sinh sống là rất lớn. Đặc biệt yêu cầu bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững đang đặt ra những thách thức cho cộng đồng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Toàn cảnh Mường Lống – một trong hai địa điểm triển khai dự án

Dự án do Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn là đơn vị tổ chức thực hiện bằng nguồn tài trợ từ Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP – GEF SGP). UNDP – GEF SGP tài trợ cho các tổ chức cộng đồng (CBO) và các tổ chức phi chính phủ địa phương (NGO) trên cơ sở áp dụng các giải pháp phù hợp với điều kiện của từng địa phương để giải quyết những vấn đề môi trường của địa phương trong các lĩnh vực trọng tâm của GEF.

Đây là huyện thuộc Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) được UNESCO công nhận là KDTSQ thế giới. Huyện có diện tích 209,433ha với quy mô dân số 80.621 khẩu. Có 20 xã và 1 thị trấn, 191 khối, bản. Tỷ lệ che phủ rừng 53%; địa hình hơn 90% núi cao, tiêu biểu như đỉnh Pu Xai Lai Leng cao nhất dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Soong 2.365m, Pu Tông 2.345m, Pu Long 2.176m. Đa dạng sinh học phong phú, với nhiều khu rừng, cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ như các rừng thông, sa mu giàu, pơ mu, công trời Mường Lống, các cung đường ngắm mây hùng vĩ… nhiều lễ hội văn hóa như Pu Nhạ Thầu, lễ hội chọi bò, lễ hội cầu mùa, chợ phiên biên giới Việt – Lào và các đặc sắc văn hoá phong phú của đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú như ẩm thực, dân ca, dân vũ, trang phục, kiến trúc, lễ hội….

Kỳ Sơn cũng là vùng đất có nhiều tài nguyên để phát triển kinh tế về cây trồng, vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như phát triển cây đào, mận ôn đới, gà đen Mông, chăn nuôi bò vỗ béo… Chính những lợi thế đó sẽ đem đến tính khả thi thành công cao cho dự án.

Thác Rồng tại xã Mường Lống – địa điểm cho du khách trải nghiệm

Dự án được thực hiện sẽ giúp cho 630 lượt người là cán bộ địa phương, cộng đồng các thôn bản, phụ nữ, nông dân trong đó có 85,7% là người DTTS được nâng cao kiến thức, năng lực, có thêm kỹ năng về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, gắn kết ICCA với phát triển 5 loại mô hình sinh kế như: Giao đất giao rừng cho cộng đồng, thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển rừng bền vững sau khi được giao; Phát triển chăn nuôi bò vỗ béo; Bảo tồn, phát triển chăn nuôi gà đen đồng bào Mông theo chuỗi giá trị OCOP; Phục tráng, nâng cấp cây ăn quả mận tam hoa, đào Kỳ Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng; Thiết lập Quỹ vay vốn quay vòng phát triển sinh kế. Tất cả những hoạt động đó nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển miền Tây tỉnh Nghệ An.

Khảo sát xây dựng dự án do Hội Nông dân huyện chủ trì

Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật, với việc xây dựng 5 mô hình sinh kế, dự án đã có sự hỗ trợ vật chất cho cộng đồng như: Giao đất giao rừng để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu rừng và đất rừng cho hộ gia đình, cộng đồng; Hỗ trợ giống cỏ, vaccin chăn nuôi bò vỗ béo, phòng chống bệnh tật cho bò; Hỗ trợ 800 con gà giống, thức ăn chăn nuôi, 2 máy ấp trứng, xây dựng thương hiệu gà đen OCOP; Hỗ trợ phân bón, dụng cụ cắt tỉa tạo tán, tạo điểm check – in để phục tráng cây đào, cây mận nhằm tăng năng suất, chất lượng quả và thu hút khách du lịch trải nghiệm; lồng ghép hỗ trợ 9 nhà vệ sinh, nhà tắm cho 9 hộ tham gia du lịch homestay cũng như các hạ tầng biển quảng bá, đường xuống bến thuyền, hang động cho du khách tham quan thuận tiện. Những nguồn lực vật chất này thực sự là một nguồn lực hỗ trợ đáng kể cho đồng bào DTTS và được tiếp tục sử dụng khi dự án kết thúc.

Nuôi bò vỗ béo là một trong những sinh kế cho người dân trong dự án

Hơn 2 năm qua, Hội Nông dân huyện cũng đã thực hiện 3 chương trình, dự án: Đào tạo nghề và mở rộng sản xuất sản phẩm làng nghề dệt thổ cẩm phối hợp với Trung tâm khuyến công tỉnh Nghệ An; Phát triển mô hình chăn nuôi gà đen do Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tài trợ; Phát triển mô hình nuôi dê địa phương theo kế hoạch của UBND huyện.                                                                                                                   Bùi Ánh