Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bình Định: Bảo vệ môi trường nhờ mô hình “Vườn xanh”

Đào Minh Trung - 07:12 05/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ sáng kiến từ cơ sở trong việc bảo vệ môi trường, Hội Nông dân các cấp tỉnh Bình Định đã lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng mô hình điểm “Vườn xanh - Xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ” và đạt được nhiều kết quả.
Hội viên nông dân xã Cát Tài, huyện Phù Cát tiếp nhận thùng ủ rác, chế phẩm vi sinh  do Hội Nông dân tỉnh Bình Định hỗ trợ thực hiện mô hình Vườn xanh.

Bảo vệ môi trường từ sáng kiến tại cơ sở

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định và thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII, khóa VIII ) tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) về “Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông dân và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã xây dựng và ban hành các kế hoạch về tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ sáng kiến bảo vệ môi trường của các địa phương cơ sở trong tỉnh đề xuất, từ năm 2022 đến nay, Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng mô hình điểm “ Vườn xanh -  Xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ” tại thôn Hưng Nghĩa (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) và đã triển khai nhân rộng mô hình này ra các thôn Biểu Chánh, Quảng Nghiệp (xã Phước Hưng); các thôn Lục Bình, Văn Quang, Định Thiện Tây, Định Thiện Đông, Lương Quang (xã Phước Quang); thôn Phú Hòa ( xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn); các thôn Thanh Mai (xã Nhơn Hạnh, Thị xã An Nhơn); các thôn Gia Thạnh thuộc xã Cát Minh, thôn Thuận Thái (xã Cát Tài, huyện Phù Cát)...

Với mô hình “ Vườn xanh - Xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ” đã kịp thời góp phần giải quyết vấn đề về rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày ở nông thôn, xây dựng môi trường nông thôn trong sạch nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, qua đó khẳng định, nâng cao vai trò của tổ chức Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

Để triển khai mô hình “Xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ” hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã hỗ trợ cho bà con thực hiện, đối với thôn thực hiện mô hình điểm, Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã hỗ trợ 50 thùng rác 2 ngăn (loại 40 lít), 50 thùng nhựa (120 lít) để ủ rác và 100 gói (200 gram/gói) chế phẩm sinh học AT - BiO, Emuniv để sử dụng tại hộ gia đình, khu vực dân cư, tổ chức 7 lớp tập huấn cho 450 cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh tham gia; tập huấn thuyết trình trên hội trường, thực hành các kỹ thuật ngay tại hộ gia đình để nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng truyền thông về bảo vệ môi trường nông thôn. Tại các lớp tập huấn, các học viên đã được hướng dẫn kỹ thuật về phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý thành phân bón hữu cơ; kỹ năng về tuyên truyền, vận động hội viên nông dân về thu gom, phân loại và xử lý rác thải bảo vệ môi trường nông thôn, Ngoài ra, các học viên còn được truyền đạt những kiến thức chung về các văn bản pháp quy của Đảng và Nhà nước; các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình phối hợp của Hội Nông dân Việt Nam về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thực trạng và các giải pháp, cũng như vai trò của Hội Nông dân và hội viên nông dân trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Bình Định còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng biên soạn và in ấn tờ rơi, tờ gấp tài liệu tuyền truyền, hướng dẫn kỹ thuật về quy trình phân loại và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón để cấp cho các tuyên truyền viên, tổ quản lý, cán bộ và hội viên nông dân làm tài liệu học tập, nghiên cứu, tuyên truyền.

Hội viên Ngô Thị Minh ở thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định thao tác xử lý ủ rác thành phân bón hữu cơ để cung cấp cho cây trồng tại vườn nhà.

Niềm vui từ mô hình Vườn xanh

Nhận thức được ý nghĩa của việc phân loại, xử lý rác thải tại gia đình, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Bình Định và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng, trong tháng 11 năm 2023, Hội Nông dân xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) tiếp nhận chương trình và triển khai thực hiện mô hình “Vườn xanh - Nông dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ” tại các thôn Hưng Nghĩa, Thọ Nghĩa và Quỳnh Mai.

Một trong những hộ hội viên nông dân làm tốt mô hình “Vườn xanh” có gia đình bà Ngô Thị Minh ở thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa. Bà Ngô Thị Minh chia sẻ: “Tham gia các lớp tập huấn tôi đã nắm bắt được các văn bản của Nhà nước về bảo vệ môi trường; cách phân loại và tận dụng rác thải hữu cơ để ủ thành phân bón cho cây trồng. Sau lớp tập huấn, tôi đã về áp dụng cho gia đình và tuyên truyền trong xóm, thôn cùng nhau làm”.

 “Gia đình tôi thải ra từ 6 - 8kg rác/ngày, trong đó có đến 70% là rác thải hữu cơ, gồm lá, thân cây dứa loại bỏ sau mỗi lần thu hoạch. Ngoài ra, các loại khác như: Rau củ quả đã bị hư, cơm canh, thức ăn còn thừa, các loại bã trà, cà phê, lá cây, rơm rạ, tôi bỏ vào thùng ủ. Từng lớp, khi dày lên 20cm, rắc chế phẩm vi sinh, rồi đảo đều và đậy lắp cận thận như đã được hướng dẫn. Đủ thời gian ủ từ 30 - 35 ngày,  khi rác hữu cơ đã phân hủy thành phân bón, có thể bón dần dần cho vườn lá dứa thơm. Loại phân này an toàn, giúp cây phát triển xanh tốt, nhờ vậy đã hạn chế một số sâu bệnh. Với phân ủ tự làm này, không ngờ đã làm giảm chi phí mua phân bón hóa học ”, bà Ngô Thị Minh cho hay.

Sau thời gian triển khai thực hiện mô hình Vườn xanh, lượng chất thải sinh hoạt thải ra môi trường ở thôn Hưng Nghĩa nói riêng và các thôn khác trong xã Phước Nghĩa nói chung đã được giảm rõ rệt. Kết quả, 100% hộ thực hiện tốt việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình và dung phân hữu cơ tự làm trong sản xuất trồng trọt, đã thay đổi nhận thức và có trách nhiệm xử lý rác thải đúng cách.

“Với những kiến thức và kỹ năng truyền thông được trang bị tại các lớp tập huấn, hội viên nông dân ở các xã thực hiện mô hình Vườn xanh trên địa bàn huyện Tuy Phước đã tích cực hành động và thay đổi nhận thức trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý các vấn đề tồn tại đối với rác thải sinh hoạt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng dân cư nông thôn. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, duy trì và giữ vững tiêu chí môi trường, giữ vững huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 ”, ông Đặng Văn Thái, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Phước cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Trượng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định cho biết, các hoạt động của Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, đưa mô hình “Vườn xanh - Nông dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ” về cơ sở, thôn, xóm đã giúp hội viên nông dân trong tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp thêm xanh, sạch, thân thiện với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế hữu cơ bền vững.

"Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Nông dân và vị trí của hội viên nông dân đối với công tác bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình Vườn xanh để các địa phương khác trong tỉnh học tập, vận động hội viên nông dân tích cực mở rộng tham gia các mô hình bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, vệ sinh và giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn và làng nghề, phát triển mô hình bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới ”, ông Nguyễn Văn Trượng khẳng định.