Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khẩn trương rà soát, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm nguy hiểm

Công Duy - 14:30 17/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đó là yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2024 diễn ra sáng 17/6 tại Hà Nội.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng rồi mới khống chế.

 

Không để dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm lây lan trên diện rộng  

“Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm, không để dịch bệnh bùng phát rồi chạy theo dập dịch”. Đó là ý kiến của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, điển hình là: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi số ổ dịch tăng 2,4 lần; Số ổ dịch Lở mồm long móng (LMLM) tăng 2,1 lần; đặc biệt đã có 1 người chết vì nhiễm vi rút CGC A/H5N1 và 1 người nhiễm vi rút CGC A/H9N2; 44 người tử vong (tăng 30%) do bệnh Dại tại 23 tỉnh, thành phố (tỉnh Bình Thuận (7 ca), Đắk Lắk (5 ca)) và ghi nhận 96.561 trường hợp người bị chó, mèo mắc Dại, nghi Dại cắn, cào phải điều trị dự phòng,,…

Từ đầu năm 2024 đến nay, 44 xã của 13 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch lở mồm long móng; 34 tỉnh, thành phố đã phát hiện động vật nghi mắc bệnh Dại; trên 60 xã của 9 tỉnh có dịch viêm da nổi cục trên gia súc và 7 tỉnh xảy ra cúm gia cầm A/H5N1, số gia cầm buộc tiêu hủy là hơn 12.000 con.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Nguy cơ bệnh Dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì: Giá lợn tăng cao nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn ồ ạt, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ trước đây đã bị dịch. Mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi phòng bệnh cho lợn thịt, nhưng việc quan tâm, sử dụng vaccine còn hạn chế. Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bản đồ phân bố các ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trong 6 tháng đầu năm 2024 (những điểm màu đỏ).

Việc tổ chức chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chưa đồng bộ, chưa bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch. Chủ gia súc chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng, chống dịch bệnh. Chính quyền cơ sở chưa giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định. Việc tổ chức chống dịch, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh,...

Cùng với đó, công tác xét nghiệm, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trong vùng dịch chưa thực hiện đúng theo quy định. Báo cáo, thống kê đàn lợn, tình hình dịch bệnh trên hệ thống VAHIS chưa đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh. Hệ thống thú y cơ sở, cấp huyện ở một số địa phương hoạt động còn hạn chế, không được tổ chức theo đúng quy định của Luật Thú y dẫn đến dịch bệnh lây lan, chưa được kiểm soát. Vi rút dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học (nhiều hộ chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn).

Việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ lợn ở các địa phương còn chưa được chặt chẽ. Thời tiết diễn biến phức tạp gây bất lợi cho sức khỏe vật nuôi, là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh (đang tồn tại trong môi trường và trên một số đàn vật nuôi) có thể gây bùng phát dịch.

Trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng CPI, sức khỏe người dân và môi trường, các đại biểu dự hội nghị đồng ý rằng, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cần huy động các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Đồng thời, việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80%, đồng thời xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chủ động hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh.

Số ổ dịch có chiều hướng gia tăng, đề nghị đưa dịch tả lợn Châu phi vào diện tiêm phòng bắt buộc

Qua hơn 6 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 468 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 22.011 con lợn (tăng 53,74% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó, dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh. Hiện nay, cả nước có 247 ổ dịch thuộc 68 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Theo bà Đinh Thị Thu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thú y cần đưa bệnh dịch tả lợn châu Phi vào diện tiêm phòng bắt buộc. Bởi nếu tiêm phòng mà lợn chết thì vẫn được hỗ trợ, như vậy sẽ giảm bớt thiệt hại cho người dân nếu dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố lân cận cũng cần quyết liệt hơn về công tác phòng chống dịch cũng như quản lý tốt con giống, góp phần ngăn chặn tình trạng nhập lậu con giống.

Hiện tại, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng vaccine đã sản xuất, nhập khẩu, cung ứng trong 6 tháng đầu năm 2024 hơn 295,9 triệu liều. Số lượng vaccine đang bảo quản tại kho gần 94,5 triệu liều, dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong 6 tháng cuối năm 2024 khoảng 319,6 triệu liều.

Công ty Navetco đã cung ứng 600.000 liều vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi do Công ty sản xuất. Hiện nay, còn trong kho hơn 1 triệu liều. Công ty Avac từ tháng 7/2023 đến nay đã cung ứng tổng số 770.000 liều vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi do Công ty sản xuất, bao gồm: 370.000 liều vaccine cho các trại chăn nuôi lợn; 100.000 liều cho các Chi cục và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp của các tỉnh, thành phố; xuất khẩu 300.000 liều. Hiện nay, còn trong kho khoảng 1.5 triệu liều.

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, các tỉnh nên dành ngân sách địa phương cho phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chia sẻ: Cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rất lớn với khoảng 718 cơ sở, vì vậy công tác phòng chống dịch được Sơn La rất quan tâm, đặt lên hàng đầu vì ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người dân cũng như GDP của tỉnh. Sơn La đã xây dựng cơ chế tuyên truyền cho người dân hiểu về các chính sách và cách thức tổ chức, cách làm này có thể áp dụng ở nhiều địa phương. Theo đó, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, mỗi tỉnh nên dành ngân sách cho công tác phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi cần công bố dịch, tránh để lây lan ra những địa phương lân cận. Ông Long đề nghị Lạng Sơn phải công bố dịch ở cấp huyện và cấp tỉnh tương tự như các tỉnh khác. Về tiêm phòng bắt buộc đối với dịch tả lợn châu Phi đã có Thông tư hướng dẫn quy định rất rõ: Khi có bệnh mới, khi có vaccine mới Bộ Nông nghiệp quyết định việc này. Bộ đã có văn bản, Thủ tướng đã có chỉ đạo các địa phương cần thực hiện nghiêm túc. Các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh là 3 tỉnh dịch tả lợn Châu phi đang diễn biến phức tạp, cần tập trung quyết liệt để ngăn chặn dịch và tổ chức tiêm phòng vaccine phòng dịch.

Cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng

Trong các tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương theo dõi tình hình dịch bệnh, khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm nhất là cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, dịch lợn tai xanh, bệnh dại. Các địa phương tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 5 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật động vật trên cạn.

Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2024 tổ chức sáng 17/6. 

Các địa phương cần tổ chức giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của vi rút cúm gia cầm tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu; giám sát lưu hành và giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh lở mồm long móng; xác định hiệu lực các loại vắc xin phù hợp; xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm.

Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phòng, chống bệnh động vật. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS; yêu cầu thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật trên Hệ thống báo cáo trực tuyến; thống nhất chỉ đạo sử dụng số liệu dịch bệnh trên Hệ thống để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của các cấp chính quyền địa phương; không phát sinh biểu mẫu báo cáo để giảm thiểu áp lực cho các cơ quan thú y, cũng như lực lượng thú y cấp xã.

Các tỉnh, thành phố cần hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; có biện pháp ngăn chặn các loài véc - tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh; chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm nêu trên để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch.

Công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật cũng cần được các địa phương tăng cường, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm./.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Trước nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.