Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam:

Trang bị kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ Hội cơ sở

Chu Hồng Châu - 07:46 16/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm cập nhật những kiến thức mới và kỹ năng hoạt động thực tiễn cho cán bộ Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn hiện nay, Trường Cán bộ Hội NDVN đã tích cực đổi mới, đưa những môn học ứng dụng khoa học công nghệ thiết thực vào chương trình đào tạo cho học viên.
TS. Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội NDVN khẳng định, thời gian tới, nhà trường sẽ nghiên cứu, tập trung triển khai một số nội dung và giải pháp để tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân về chuyển đổi số.

Cập nhật trang bị kiến thức công nghệ mới cho cán bộ Hội

Tại lễ khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho hơn 100 học viên là chủ tịch Hội Nông dân cấp xã, phường, thị trấn thuộc 28 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc và một số tỉnh Bắc Trung bộ vừa qua, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN cho biết: Nghị quyết số 46 - NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới” đặt ra yêu cầu 100% cán bộ Hội ND chuyên trách các cấp, chi hội trưởng được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ. 

“Để cụ thể hóa Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội VIII Hội NDVN đề ra chỉ tiêu: Phấn đấu 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp và chi hội trưởng được trang bị kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nghiệp vụ công tác Hội góp phần phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá của Nghị quyết Đại hội VIII Hội NDVN” - Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính nhấn mạnh.

Thực hiện nhiệm vụ đột phá này nhằm đạt mục tiêu nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ Hội các cấp, Ban Giám hiệu và đội ngũ giảng viên Trường Cán bộ Hội NDVN đã tổ chức biên soạn và đưa vào giảng dạy 8 chuyên đề để trang bị kiến thức cơ bản cho học viên. Trong đó, Chuyên đề “Hội NDVN hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số trong nông nghiệp” được đưa vào giảng dạy cho các lớp đào tạo cán bộ Hội ND cấp xã ngay từ khoá đầu tiên trong năm 2024.

Theo ông Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội NDVN, hiện nay Nhà trường đã, đang và tiếp tục thực hiện các bước đổi mới về nội dung, hình thức đào tạo cán bộ Hội với sự quan tâm thường xuyên, tạo mọi điều kiện tốt nhất của Trung ương Hội NDVN và Hội ND 63 tỉnh, thành phố. Năm nay, Hội ND các tỉnh, thành phố đã quan tâm đăng ký cử cán bộ đi học rất đông, các học viên đã tham gia đông đủ với tinh thần học tập rất nghiêm túc. Trong 6 tháng đầu năm, các giảng viên của nhà trường đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy, bộ phận giáo vụ cũng tích cực chuẩn bị tốt nhất cơ sở hạ tầng để phục vụ các học viên tham gia các lớp bồi dưỡng.

Về chương trình đào tạo chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp cho học viên, ông Nguyễn Khắc Toàn thông tin thêm, khi thực hiện CĐS trong nông nghiệp, những lợi ích thiết thực mang lại cho nông dân như: Giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu; giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, kết nối người bán và người mua; nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị nông sản, giúp giảm chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm khí thải nhà kính, từ đó giúp tăng thu nhập cho nông dân. Công nghệ số cho phép nông dân và các doanh nghiệp tạo ra các trang web, cửa hàng trực tuyến hoặc tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá và bán sản phẩm. 

Ths. Nguyễn Hiền Minh – giảng viên Trường Cán bộ Nông dân truyền đạt kiến thức chuyển đổi số cho Chủ tịch Hội ND cấp xã, hội viên ND SXKD giỏi tại lớp học tổ chức ở huyện Mường Tè, Lai Châu ngày 27/9/2024.

Nâng cao vai trò của Hội trong hỗ trợ nông dân chuyển đổi số

Thạc sỹ Nguyễn Hiền Minh (Khoa Nông vận - giảng viên trực tiếp giảng dạy chuyên đề CĐS tại các khoá học của Trường Cán bộ Hội NDVN) chia sẻ: “Trong chương trình học tập, các học viên sẽ được giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ số (CNS) trong tiếp cận đầu vào. Trong kinh doanh nông nghiệp, nguồn vốn đóng vai trò rất quan trọng. Ngày nay, với việc ứng dụng CNS, chủ thể kinh doanh chỉ cần một số thao tác trên điện thoại thông minh đã có thể giải quyết được nhu cầu nguồn vốn vay của mình. Việc thanh toán các đơn hàng cũng đều được thực hiện trên những ứng dụng của thiết bị thông minh”. 

Theo thạc sỹ Nguyễn Hiền Minh, yếu tố cốt lõi trong kinh doanh nông nghiệp hiện nay là ứng dụng công nghệ trong tiếp cận thị trường. Với việc ứng dụng CNS, chủ thể kinh doanh nông sản có nhiều cơ hội nắm bắt thông tin thị trường, rút ngắn khoảng cách giữa người có nông sản và người cần nông sản để trao đổi, mua bán trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử phổ biến như: Facebook, Zalo, Voso, Tiki, Lazada, Postmart... 

Các chủ thể cần lựa chọn những CNS phù hợp với nhu cầu của mình để tiếp cận dịch vụ cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, nông cụ… để ứng dụng, khai thác đạt hiệu quả. Việc minh bạch, kiểm soát đầu vào của thuốc bảo vệ thực vật cũng đã có rất nhiều ứng dụng, phổ biến là hình thức khai báo truy xuất qua ứng dụng do các đơn vị công nghệ cung cấp. 

Trong chương trình học, đề tài ứng dụng CNS trong tổ chức sản xuất cũng được các học viên quan tâm, bởi các học viên là những Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở, sát sao với quá trình sản xuất, canh tác nông nghiệp của hội viên nông dân nhất. Khi nắm chắc về vấn đề này sẽ giúp họ truyền tải kiến thức cho hội viên nông dân tại cơ sở mình phụ trách như: Ứng dụng tự động hóa quá trình sản xuất, hệ thống tưới thông minh, robot làm đất, gieo trồng, thu hái, phun thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng CNS trong dự báo thời tiết, khí hậu, bảo vệ môi trường sản xuất, biết được thời điểm thu hoạch phù hợp; ứng dụng CNS trong bảo quản, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm…

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội NDVN khẳng định, thời gian tới, nhà trường sẽ nghiên cứu, tập trung triển khai một số nội dung và giải pháp để tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân về CĐS; Phối hợp xây dựng và kết nối các chuyên trang về CĐS, kinh tế số trên cổng thông tin và fanpage của các cấp Hội; phối hợp xây dựng ứng dụng CNS trên thiết bị di động (app Store, Google play) về hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân, điển hình là nền tảng số (App) “Nông dân Việt Nam”. 
 

Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam ký chương trình phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu.
Chiều ngày 1/8, tại trụ sở Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu.