Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần gỡ bỏ rào cản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

Bùi Ánh - 07:27 14/07/2022 GMT+7
“Nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân về quyền sử dụng đất và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa hiện đại, hiện nay cần có những cơ chế “thoáng” để tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất”, - đó là chia sẻ của anh Trần Nam Giang, chủ trang trại nuôi lợn rừng ở thôn 10, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Anh Trần Nam Giang với trang trại nuôi lợn rừng hướng đến sản phẩm OCOP của địa phương.

Với diện tích trang trại hơn 3ha trên vùng đất miền núi Hương Sơn đã mang lại cuộc sống khá cho gia đình tôi. Từ nuôi lợn rừng đến nuôi hươu và trồng các loại cây phục vụ cho chăn nuôi, hiện nay trang trại của gia đình không chỉ cung cấp lợn thịt mà còn cung cấp cả con giống cho người dân trong và ngoài huyện. Tuy nhiên, ngày nay những người lựa chọn con đường phát triển từ sản xuất nông nghiệp như tôi còn gặp không ít khó khăn.

Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với những người làm trang trại ở vùng đồi núi là việc đào đất, di chuyển đất để tạo mặt bằng làm trang trại. Bởi theo luật thì việc di chuyển đất ra khỏi khuôn viên là không được phép cho nên rất nhiều chủ trại muốn tạo mặt bằng mở rộng đất đều bất khả kháng. Hơn nữa, đất được giao khoán đều có thời gian sử dụng dẫn đến tâm lí e ngại đầu tư ở dạng quy mô lớn, đồng bộ và hiện đại.

Giờ đất được giao cho gia đình đã sử dụng hết, muốn mở rộng cũng khó do đất trang trại giáp với đất rừng phòng hộ được giao cho hộ gia đình khác quản lý mà theo nguyên tắc thì không thể chuyển nhượng và rừng phòng hộ cũng không thể chuyển sang mục đích sử dụng khác. Do đó, bây giờ chỉ có thể nâng cấp trang trại theo hướng chiều sâu chứ không thể mở rộng quy mô hơn nữa do quỹ đất không còn.

Mặt khác, đất sản xuất nông nghiệp hiện nay rất manh mún cho nên khi người dân muốn quy tụ toàn bộ diện tích của mình thành một vùng tập trung là rất khó. Do tính chất, trình độ phát triển của sản xuất nông nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, từng bước tiếp cận với nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa thì tình trạng sử dụng đất nông nghiệp manh mún theo từng hộ gia đình, cá nhân là rào cản cho việc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn khiến năng suất lao động nông nghiệp không được cải thiện. Vì thế, ở góc độ này cần có hướng đi mới để phù hợp với điều kiện phát triển như hiện nay.

Bên cạnh những vướng mắc do luật quy định thì hiện nay hoạt động sản xuất của người dân trên đất đồi núi dốc, việc chặt, đốt rừng làm nương rẫy và đất nương rẫy bị bỏ hoang chuyển thành đất chưa sử dụng làm đất bị bào mòn tầng mặt nghiêm trọng dẫn đến độ màu mỡ của đất giảm rõ rệt. Do đó để hạn chế được điều này, khi bắt đầu trồng cây cần trồng các loại cây ngắn ngày, xen kẽ dưới cây có tán và khi khai thác xen kẽ không khai thác hết làm cho đất dễ bị xói mòn, bạc hóa đất. Đối với đất được sử dụng để làm trang trại cần xây rãnh mương để giữ ẩm cho đất tạo độ phì nhiêu cho đất. Chăn nuôi theo hướng hữu cơ nên triển khai trong dân không sử dụng đến nước rửa chuồng.

Cùng với đó, nhiều hộ dân chưa ý thức được việc sử dụng vật tư nông nghiệp vào trong hoạt động sản xuất sao cho khoa học, đặc biệt là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đối với đất sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường đất, nước… việc đốt rơm rạ sau sản xuất trên đồng ruộng vô tình đã biến các chất hữu cơ có trong rơm rạ và trong đất biến thành các chất vô cơ. Hơn nữa, đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng làm mất đi một lượng lớn nước trong đất do bị bốc hơi, các keo đất không duy trì được và đất trở nên chai cứng, khô cằn, mất đi độ phì nhiêu và còn gây khói bụi làm ô nhiễm môi trường.

Để sản xuất nông nghiệp ngày một hiệu quả và phát huy được giá trị từ nguồn lợi quỹ đất nông nghiệp mang lại, Nhà nước cần có những cơ chế “mở” đối với các quy định trước đó phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế như hiện nay. Đồng thời, người tham gia sản xuất nông nghiệp cần có ý thức hơn trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ độ phì nhiêu cho đất để chính những “bờ xôi ruộng mật” của mình mang lại giá trị cao nhất.