Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chương trình OCOP Quảng Ninh: Đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng

07:14 17/08/2021 GMT+7

Bài học thành công khi triển khai Chương trình OCOP Quảng Ninh là bước chuyển mạnh sang tư duy phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn. Tỉnh cũng xác định khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư, tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị. Vai trò của ND cũng được xác định rõ là chủ thể thực hiện OCOP.

Đặc sản miến dong Bình Liêu được bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2020.

Đi tiên phong và lan tỏa

Tỉnh Quảng Ninh triển khai Chương trình OCOP từ năm 2013, là địa phương đi đầu trong cả nước. Từ những bước đi ban đầu, trong giai đoạn 2017-2020, Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh có bước chuyển từ “lượng” sang “chất” với hơn 200 sản phẩm xếp hạng từ 3-5 sao, góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn và đóng góp tích cực xây dựng công thôn mới. Đây được coi là chìa khóa để OCOP Quảng Ninh tiếp tục có những bước đột phá.

Sau 3 năm đầu tập trung xây dựng, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp, năm 2017, Quảng Ninh đã hoàn thiện hệ thống bộ máy tổ chức thực hiện Đề án chương trình từ tỉnh đến xã, phường; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP như ưu tiên hỗ trợ thành lập tổ chức HTX, nâng cấp bao bì tem nhãn, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…

Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng sản phẩm được tập trung qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đã đưa 65 sản phẩm không đạt yêu cầu ra khỏi chương trình. Hoạt động xúc tiến thương mại đạt hiệu quả, hội chợ OCOP tổ chức thường niên có doanh thu hàng tỷ đồng/ngày, kết nối vào các chuỗi bán lẻ, thương mại điện tử, mở rộng xúc tiến tại các thị trường trọng điểm trong nước và một số thị trường quốc tế.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản đã có 2 sản phẩm 5 sao đầu tiên trong chương trình OCOP Quảng Ninh cho biết: “Cách làm OCOP của tỉnh Quảng Ninh là rất mạnh và hiệu quả, giúp cho doanh nghiệp chúng tôi khi tham gia vào chương trình này có được sức tiêu thụ rất lớn, đưa các sản phẩm có chất lượng tốt đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất”.

Đến nay, Quảng Ninh đã có 456 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó 236 sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Các sản phẩm OCOP đạt sao đều đáp ứng các yêu cầu cơ bản, một số đạt tiêu chuẩn tiên tiến… theo quy trình sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp, hoàn thiện về bao bì, nhãn mác. Doanh số bán hàng OCOP hàng năm đạt từ 500-700 tỷ đồng. Chương trình đã được Trung ương ghi nhận và nhân rộng trên cả nước, đồng thời góp phần tích cực vào mục tiêu của Chương trình Xây dựng Nông thôn mới. OCOP đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tại Quảng Ninh từ 10,5 triệu đồng/người vào năm 2010 lên 47 triệu đồng/người vào năm 2020, tạo công ăn việc làm cho hơn 4.500 lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp.

Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP ở TP Hạ Long.

Nông dân là chủ thể

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh xác định đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, gắn với chương trình Nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, lấy người dân là chủ thể thực hiện chính. Tỉnh sẽ phát triển mới 300 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 250 sản phẩm đạt từ 3-5 sao với ít nhất 50 tổ chức kinh tế tham gia. Đặc biệt, Quảng Ninh tiếp tục phát huy vai trò của nông dân tích cực tham gia chương trình.

Để nâng cao vai trò của hội viên nông dân, từ khi triển khai Chương trình OCOP, Hội ND tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến xây dựng mẫu mã, thương hiệu, và quảng bá, giới thiệu giúp hội viên nông dân tiêu thụ sản phẩm. Từ đó hội viên, nông dân trong tỉnh đã thực sự vào cuộc, chủ động, tích cực và phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP.

Theo đó, Hội ND tỉnh xác định công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về mục tiêu, ý nghĩa, chương trình OCOP; vai trò trách nhiệm của Hội ND trong tham gia xây dựng, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP là một nhiệm vụ trọng tâm. Hội đã có nhiều biện pháp, phương thức đẩy mạnh tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ nông dân, Hội nghị, Hội thảo, tập huấn, các kênh thông tin truyền thông từ tỉnh đến cơ sở.

Để tăng hiệu quả, thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất nông sản OCOP của nông dân, các cấp Hội đã đề nghị UBND cùng cấp bổ sung ngân sách và vận động từ cán bộ, hội viên nông dân đóng góp bổ sung Quỹ Hỗ trợ Nông dân, đến nay, tổng số vốn toàn tỉnh đạt 47,028 tỷ đồng. Đã chủ động hỗ trợ, hướng dẫn 848 hội viên, thành viên HTX, THT, CLB vay đầu tư phát triển sản xuất thông qua 81 dự án, mô hình liên kết sản xuất, ưu tiên sản xuất sản phẩm OCOP góp phần nâng cao hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho hội viên nông dân.

Hàng năm, Hội ND tỉnh còn xây dựng kế hoạch vận động và nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất gắn với sản phẩm OCOP, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, triển khai hướng dẫn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tìm hiểu, tự nguyện tham gia các hình thức liên kết sản xuất sản phẩm OCOP phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Từ 2017 đến nay, Hội ND các cấp đã tư vấn, hỗ trợ thành lập mới được 26 HTX, trong đó ưu tiên số 1 là HTX sản xuất sản phẩm đặc trưng, OCOP địa phương (nâng tổng số HTX do Hội tư vấn, hỗ trợ, thành lập 101 HTX). Tổ chức 15 Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về liên kết sản xuất gắn với đảm bảo vệ sinh ATTP cho 1.040 cán bộ, hội viên nông dân, thành viên các THT, HTX, CLB ngành nghề. Đồng thời, các cấp Hội tích cực hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Theo ông Lê Văn Độ – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, thực hiện Chương trình OCOP với Hội là nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm, tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ kịp thời giúp người dân và các chủ thể OCOP dần hoàn thiện các quy trình. Đồng thời, thể hiện rõ vai trò của Hội trong việc kết nối các mắt xích liên kết chuỗi giá trị tạo nên sản phẩm OCOP chất lượng cao.

Đến nay, Quảng Ninh đã có 456 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó 236 sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Các sản phẩm OCOP đạt sao đều đáp ứng các yêu cầu cơ bản, một số đạt tiêu chuẩn tiên tiến… theo quy trình sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp, hoàn thiện về bao bì, nhãn mác. Doanh số bán hàng OCOP hàng năm đạt từ 500-700 tỷ đồng.

Trường Giang