Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyện về một “lão tướng” trị thủy

14:03 29/05/2019 GMT+7

Sắp bước vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông Trần Văn Lãng vẫn giữ vẻ phong trần, nụ cười hào sảng. Mái tóc đã bạc nhưng gân cốt vẫn dẻo dai ẩn chứa nguồn năng lượng mạnh mẽ giúp ông nuôi dưỡng niềm đam mê trên mỗi công trình đê, kè vốn vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Dành trọn cả tuổi thanh xuân với nghiệp xây dựng đê kè trị thủy trên những dòng sông hung hãn, ông Lãng đã vững vàng chèo lái “con thuyền”: Công ty CP Xây dựng Đê kè và Phát triển Nông thôn Hải Dương vững vàng tiến bước. Những gian truân thì không kể xiết nhưng đọng lại là niềm hạnh phúc khi mỗi công trình đi qua để lại sự yên bình và trù phú cho người dân sở tại.

Ông Trần Văn Lãng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Đê kè và Phát triển Nông thôn Hải Dương.

Kiến tạo những giá trị mới

Như là duyên nghiệp, dù đảm đương vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Đê kè và Phát triển Nông thôn Hải Dương, nhưng ông Trần Văn Lãng vẫn thường xuyên có mặt trên mỗi công trình xây dựng. Điều ông tâm đắc và đúc kết thành bài học cho mỗi cán bộ, công nhân của đơn vị là “không được xin lỗi”. Gắn trách nhiệm với mỗi việc làm để không sảy ra sai sót, để khách hàng không phải phiền lòng, để mình không mắc lỗi phải xin lỗi. Mỗi công trình bàn giao phải đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ, phải đem lại giá trị mới cho người dân.

Ông kể rằng có những công trình đê kè Công ty triển khai tại An Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh… mới đầu không có đường. Đi xe máy còn lo trượt xuống sông. Nhưng khi công trình đê kè làm xong đã thổi luồng sinh khí mới. Những con đường bê tông thoải mái cho ô tô qua lại đã mở rộng giao thương. Đời sống dân cư được nâng cao, đặc biệt là giá đất tăng vọt gấp 10 lần. Nhiều nơi đã trở thành những khu đô thị sầm uất.

Kè Vĩnh Long (Phường 2, TP. Vĩnh Long) do Công ty thi công

Giờ đây tại các địa phương dọc Sông Tiền, Sông Hậu, những công trình trị thủy đều có dấu ấn của Công ty CP Xây dựng Đê kè và Phát triển Nông thôn Hải Dương. Những công trình thủy lợi quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp đơn vị đều đảm đương và hoàn thành xuất sắc. Bởi thế mỗi cán bộ, công nhân viên đều tự hào về một thương hiệu làm đê, kè hàng đầu tại Việt Nam.

Hiện nay, Công ty có đội ngũ trên 200 cán bộ nhân viên là những kỹ sư, công nhân lành nghề. Công ty cũng mạnh tay đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ thi công. Công trình hiện diện ở khắp Bắc – Trung – Nam, trong đó tập trung ở miền Tây Nam Bộ. Mỗi năm đem lại doanh thu khoảng 600 tỷ đồng. Từ chỗ vốn liếng chỉ vài trăm triệu đồng, nên nay Công ty đã sở hữu tài sản hàng trăm tỷ đồng cùng với vốn điều lệ trên 20 tỷ đồng.

Vượt khó đi lên

Nhìn cơ ngơi bề thế, với dàn máy móc thi công hiện đại hàng đầu tại Việt Nam nhưng ít ai biết Công ty CP Xây dựng Đê kè và Phát triển Nông thôn Hải Dương có một khởi đầu hết sức khó khăn. Ông Lãng chia sẻ: Tiền thân là Xí nghiệp Gia cố đê và Xí nghiệp Xây dựng kè và công trình thủy lợi, tháng 11 năm 1992 được sáp nhập thành Công ty Xây dựng đê kè Hải Hưng, tiền thân của Công ty Đê kè Hải Dương hôm nay.

Khi ấy trong 150 cán bộ, công nhân viên chỉ có 10 người có trình độ đại học, tổ chức thành 3 phòng nghiệp vụ, cùng 3 đội xây dựng. Thiết bị thi công đáng kể nhất là 6 máy khoan phụt vữa cũ. Vốn hoạt động hạn hẹp, hầu hết bị nợ đọng. Trụ sở có 9 gian nhà cấp 4, vừa làm văn phòng, vừa làm kho… Cán bộ kỹ thuật thiếu, công nhân hầu hết chưa qua đào tạo. Công việc được giao ít, thu nhập người lao động thấp. Sau tái lập tỉnh (năm1997), đơn vị cũng chia tách, khó khăn vì thế càng tăng.

Công ty đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập (1992 – 2017)

Trước tình thế cấp bách, ban lãnh đạo công ty quyết định cổ phần hóa, thoái toàn bộ phần vốn của nhà nước (từ năm 2004). Bước chuyển đổi táo bạo đó đã tạo bước ngoặt để doanh nghiệp phát triển vững chắc cho tới ngày nay. “Nếu như ngày trước muốn thay một con ốc đòi hỏi đủ thủ tục, qua các phòng ban rất nhiêu khê, nhưng khi cổ phần hóa rồi mọi vấn đề do doanh nghiệp tự quyết, lãnh đạo công ty chịu trách nhiệm với mỗi quyết định, như vậy mới tạo được sức cạnh tranh và tinh thần trách nhiệm”, ông Lãng cho biết.

Nhưng khi đã ổn định tổ chức lúc này bài toán mở rộng thị phần hết sức cấp bách. Bởi khi đó, Công ty chỉ là doanh nghiệp địa phương, nếu cứ quẩn quanh với những công trình sửa chữa nhỏ trong tỉnh thì khó tồn tại được. Nhân dịp được Bộ Nông nghiệp PTNT mời tham gia xử lý công trình Cống Tân Châu (An Giang), do trước đó 2 doanh nghiệp của Bộ không làm được nhưng Công ty xử lý thành công đã tạo tiếng vang lớn, từ đó đã mở ra hành trình Nam tiến cho doanh nghiệp.

Để mở rộng địa bàn, lãnh đạo Công ty đã quyết định huy động mọi nguồn lực để đa dạng hóa ngành nghề và chuyển hướng hoạt động ra thị trường xa, nhất là ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Ngoài xây dựng kè, gia cố đê, doanh nghiệp mở rộng thi công các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, gia cố nền móng, san lấp mặt bằng, nạo vét thủy lợi, xây dựng các công trình ngầm dưới nước, sản xuất các sản phẩm bê tông đúc sẵn…

Các đội sản xuất trước đây chỉ chuyên thi công được từ 1-2 loại công trình và thụ động chờ phân việc, sau kiện toàn và nâng cấp, các xí nghiệp thành viên chủ động hơn, thi công đa dạng các loại công trình. Các chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… được thành lập, tập trung tìm kiếm công việc ở các địa bàn thường xuất hiện thiên tai nặng nề.

Công ty mở đường “Nam tiến” bằng dự án chống sạt lở sông Tiền tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Công trình này được chủ đầu tư đánh giá cao về tiến độ, chất lượng thi công. Tiếng lành đồn xa, đơn vị tiếp tục trúng thầu dự án kè Mương Chuối (TP Hồ Chí Minh). Công ty luôn bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình ngay cả ở nơi có điều kiện thi công khó khăn.

Mở rộng địa bàn hoạt động, Công ty Đê kè Hải Dương tiếp tục ghi dấu ấn với hàng loạt công trình lớn. Nhiều công trình chống sạt lở đã đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị như các tuyến kè tại thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), thị xã Tân Châu (An Giang), sông Cổ Chiên (TP Vĩnh Long)… Các cống Lô 21, Cả Kiến, Lò Gạch, Hóc Môn thuộc dự án Hệ thống thủy lợi tiểu vùng XVIII – Nam Cà Mau; các hồ chứa nước Ô Tà Sóc, Thanh Long và Ô Thum (An Giang)…

Thiết bị đóng cọc của Công ty thi công tại các địa hình khó khăn.

Chính nhờ thắng thầu nhiều công trình với hợp đồng thi công có giá trị lớn nên Công ty đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm thiết bị thi công hiện đại, đảm bảo chủ động thi công cả trong điều kiện nước sông lên cao, dòng chảy siết. Mặt khác, Công ty có điều kiện thu nhận nhiều cán bộ, kỹ sư giỏi và đội ngũ thợ lành nghề, có tay nghề giỏi.

Từ một doanh nghiệp nhỏ bé, sau hơn chục năm được cổ phần hóa, Công ty đã tạo được bước phát triển mạnh mẽ, có chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực xây dựng đê kè cả nước. Công ty tạo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/tháng, được đóng BHXH đầy đủ. Nhiều năm qua, các cổ đông của Công ty còn được nhận cổ tức ổn định ở mức gần 20%/năm.

Một tin vui lại đến với mỗi cán bộ, nhân viên Công ty khi đơn vị vừa trúng gói thầu dự án tiêu nước cho TP. Hồ Chí Minh với trị giá 1.200 tỷ đồng. Trong giai đoạn tới Công ty tiếp tục chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đầu tư máy móc công nghệ cao tạo bước ngoặt vươn tới những công trình lớn, tới các thị trường trong khu vực ASEAN. “Với phương châm: khó khăn tìm đến, hoàn thiện sạch đẹp rời đi”, Công ty sẽ tiếp tục đổi mới, đủ sức chinh phục những công trình ở vùng ngập úng, sạt lở, góp phần “thay da đổi thịt” các đô thị, làng quê” Chủ tịch HĐQT Trần Văn Lãng tự hào cho biết./.

Bình Châu