Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vai trò của giai cấp Nông dân trong thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945

Bảo Minh - 10:48 19/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhận thức rõ vai trò của nông dân, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được thành lập, Đảng đã có chủ trương vận động nông dân đi theo cách mạng và sớm cử đảng viên đi sâu vào các vùng nông thôn để vận động, tập hợp nông dân. Từ đó, nông dân đã tin tưởng theo Đảng làm nên thắng lợi của các phong trào cách mạng giai đoạn 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945, đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.
Cuộc mít - tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945 (ảnh trái) và tại Sài Gòn (ảnh phải). Ảnh: TL

Nông dân - lực lượng chính trong khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa thành công

Tháng 9/1940, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng địa phương, nhân dân các dân tộc ở Lạng Sơn đã tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, gây chấn động cả vùng thượng du Bắc Kỳ đã mở đầu thời kỳ cách mạng nước ta, thức tỉnh tinh thần cách mạng nhân dân cả nước. Tiếp đó, ngày 23/11/1940, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ, nông dân các tỉnh Nam kỳ đã vùng lên khởi nghĩa. Hòa nhịp với phong trào công nhân, những năm 1941 - 1942, nông dân cả nước đã đấu tranh chống thu thóc, đòi giảm tô, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu… 

Theo TS. Nguyễn Danh Lợi (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Ngay từ đầu năm 1941, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nông dân các dân tộc Cao Bằng đã tổ chức những đoàn thể cứu quốc đầu tiên trong cả nước, là một trong những cơ sở để Đảng ta thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh) nhằm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân yêu nước vào trận tuyến chống đế quốc, phát xít, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Đáp ứng lời kêu gọi của Đảng, nông dân cả nước đã nô nức tham gia vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, trong đó, Hội Nông dân Cứu quốc là lực lượng to lớn nhất, hùng hậu nhất. Đây cũng chính là lực lượng xung kích trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở các địa phương.

Ngày 9/8/1945, sau khi Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh không điều kiện, trong nước Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang tan rã. Trước tình hình khẩn trương đó, từ ngày 13 - 15/8/1945, tại Tân Trào (Tuyên Quang) diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị nhận định: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi... Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa giành chính quyền độc lập”. Hội nghị quyết định phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật.

Ngay sau đó, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ngay ở Tân Trào trong 2 ngày 16 - 17/8/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng, ngày 19/8, hàng vạn nông dân và dân nghèo thành thị, thợ thủ công ngoại thành Hà Nội mang theo gậy gộc, mã tấu, câu liêm... rầm rập kéo vào thành phố, tập trung ở Quảng trường Nhà Hát Lớn dự mít tinh. Cuộc mít tinh của gần 20 vạn người đã chuyển thành biểu tình vũ trang cùng với tự vệ chiến đấu, chia thành nhiều đoàn chiếm các công sở của chính quyền cũ. Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước gấp rút nổi dậy giành chính quyền thành công. 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân đủ các tầng lớp ở Thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. 

TS. Nguyễn Danh Lợi đánh giá: Thành công vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là một minh chứng rõ ràng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của giai cấp Nông dân Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời đây cũng là một biểu hiện cụ thể về sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với giai cấp Nông dân.

Xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ trương nhất quán của Đảng 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giai cấp Nông dân Việt Nam và đánh giá rất cao vai trò của giai cấp Nông dân, với tư cách là lực lượng cách mạng, là lực lượng có sức mạnh “long trời lở đất”, nếu được tổ chức lại dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản; đồng thời, Người phân tích rõ, nhấn mạnh nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, có lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc. 

Trong bài “Gửi Nông gia Việt Nam” đăng trên báo Tấc đất số 1 ngày 7/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Loài người ai cũng “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước hết cần phải ăn); nước ta thì “dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no thì phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng”. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm vấn đề nông dân và nông nghiệp, Người viết: “Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”.

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ trương nhất quán của Đảng, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, trong những năm qua, giai cấp Nông dân Việt Nam, các cấp Hội Nông dân đã làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, hội viên về tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, vai trò trung tâm, nòng cốt của nông dân trong các phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới. Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục có những bước phát triển mới về lượng và chất. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình, cho địa phương, góp phần đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển toàn diện, liên tục với trình độ ngày càng cao, đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, nhiều hộ nông dân trong cả nước đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư tiền của, sức lao động, học tập kinh nghiệm để vươn lên làm giàu.
Với truyền thống vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn và tuyệt đối trung thành với Đảng; với trí thông minh, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất của giai cấp Nông dân được tôi luyện và không ngừng lớn mạnh, ở bất kỳ giai đoạn, thời điểm nào, nông dân luôn là lực lượng to lớn góp phần không nhỏ cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân nỗ lực cố gắng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng đề ra. Giai cấp Nông dân luôn đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.