Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sáng kiến “tiết kiệm nghìn tỷ” cho ngành Nông nghiệp

Bảo Minh - 07:18 27/01/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sinh ra và lớn lên ở làng quê, không đành lòng trước cảnh được mùa mất giá, anh Lương Văn Trường, sinh năm 1990, ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã quyết định thi vào Trường Đại học Đà Lạt theo học ngành Công nghệ sau thu hoạch và tốt nghiệp năm 2011. Ra trường, anh quyết định theo đuổi đam mê làm ruộng và đã có sáng kiến giúp tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỉ đồng cho ngành Nông nghiệp.
Kỹ sư Lương Văn Trường được Trung ương Hội NDVN tôn vinh là Nhà Khoa học của Nhà nông năm 2024. Ảnh Việt Tùng

Sáng kiến bảo quản hạt giống lúa trị giá khoảng hơn 3.000 tỉ đồng

Năm 2011, sau khi ra trường, với mong muốn ứng dụng kiến thức để giúp đỡ bà con nông dân, anh tham gia dự án quốc gia 600 phó Chủ tịch xã trẻ và trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn (nay là xã Lùng Thẩn), huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai từ năm 2012 - 2016, anh nhận nhiệm vụ phụ trách nông lâm nghiệp. Tại đây anh đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế - xã hội được ghi nhận như: Mô hình tham quan cánh đồng hoa tam giác mạch kết hợp trải nghiệm du lịch bản địa quy mô 20ha với doanh thu cho địa phương hơn 500 triệu đồng; mô hình biogas túi ủ biến chất thải chăn nuôi thành khí gas sinh học cho 20 hộ gia đình; mô hình phát triển trồng cây mận Tả Van bản địa quy mô 10ha…

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong dự án 600 phó Chủ tịch xã, anh quyết định về quê hương Nam Định để lập nghiệp. “Tôi vốn đam mê làm nông nghiệp. Thời điểm đó, ở Nam Định bắt đầu có trào lưu công nghiệp hoá, diện tích đất trồng lúa và nông nghiệp bị bỏ hoang rất nhiều. Vì vậy, tôi quyết định về quê làm ruộng”- anh Trường tâm sự. Bắt tay vào sản xuất quy mô lớn ngay từ đầu nên anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Vụ mùa 2018 mưa nhiều, gieo giống xong lại mưa, nên giống chết; ngâm hạt giống để gieo tiếp thì nước chưa rút, giống lại thối. Anh mất trắng 4 - 5 tấn giống, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.

Nhưng cũng từ thất bại đó, anh đã tìm cách xử lý kéo dài thời gian bảo quản hạt giống và đã cho ra đời quy trình sản xuất hạt giống lúa đã nảy mầm sẵn. Quy trình này đưa hạt giống đã nảy mầm về trạng thái ngủ đông (hạt giống nảy mầm rồi được đưa về dạng khô, chịu lực va đập tốt), để nông dân dễ dàng sử dụng mà không bị gãy mầm hay thối hỏng như cách ngâm ủ hạt giống truyền thống. Quy trình đã được Chứng nhận quyền tác giả số 10205/2020/QTG; được chấp nhận đơn đăng ký sáng chế tháng 2.2021.

Sáng kiến này đã được các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp như PGS.TS Mai Quang Vinh (Viện Di truyền nông nghiệp), chuyên gia nông nghiệp Coenter Berg của tổ chức PUM (Hà Lan) đánh giá cao. “Trên thị trường Việt Nam và cả trên thế giới hiện nay chưa có các sản phẩm tương tự. Hạt giống được nảy mầm sẵn, sau đó bảo quản và đưa ra thị trường. Người dùng chỉ cần để trong nước 15 -30 phút là hạt giống đã nảy mầm”, anh Trường cho biết.

Theo tính toán của anh Trường, quy trình có chi phí sản xuất công nghiệp chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi nếu nông dân ngâm ủ hạt mầm tươi thì chi phí cho 1kg (gồm tiền công, vật tư, nước, điện…) phải mất tối thiểu 10.000 đồng. Hiện Việt Nam trồng khoảng 7 triệu hecta lúa, cần khoảng 700.000 tấn giống mỗi năm, nếu thực hiện theo quy trình này sẽ tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỉ đồng cho ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Kỹ sư Lương Văn Trường kiểm tra lúa trên cánh đồng.

Xây dựng chuỗi liên kết đưa thương hiệu “Gạo Mầm tươi” vươn xa

Với những thành công ban đầu, năm 2021, anh Trường tổ chức liên kết, thành lập HTX Thanh niên Nam Đại Dương, hướng tới nhân rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, gia tăng hàm lượng khoa học - kỹ thuật trên cánh đồng lớn, hình thành chuỗi giá trị tăng lợi nhuận cho nông dân địa phương.

“Ngay từ đầu tôi xác định, giải pháp sản xuất mới là chìa khóa để thành công. Do đó tôi cùng các cộng sự của mình tập trung vào nghiên cứu các giải pháp sản xuất. Quy mô sản xuất vào cuối năm 2019 đạt gần 40ha, đến năm 2020 dịch bệnh COVID -19 diễn ra, chúng tôi giảm quy mô sản xuất. Trong quá trình phát triển của mình, chúng tôi đã nghiên cứu một số giải pháp đã được nhà nước và thị trường công nhận như: Quy trình sản xuất hạt giống nảy mầm siêu tốc, kỹ thuật trồng lúa không cày bừa, thuốc diệt ốc bươu vàng từ phụ phẩm nông nghiệp, máy chăm sóc lúa 3 trong 1, gạo Mầm tươi... Chúng tôi đã rất nỗ lực với mong muốn: Giúp cho nông dân Việt Nam nhàn hơn”, anh Trường chia sẻ.

Sản phẩm hạt giống nảy mầm siêu tốc của anh Trường đang được các tập đoàn sản xuất lúa giống hàng đầu tại Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài quan tâm, liên hệ hợp tác sản xuất bởi có tính đột phá về công nghệ, chi phí thấp nên có tính cạnh tranh thương mại cao, dễ dàng tích hợp với các công nghệ sẵn có của đơn vị sản xuất hạt giống; chuyển hạt giống cận thời hạn sử dụng, quá hạn sang sản phẩm mới giá trị cao hơn; thời hạn sử dụng kéo dài (6 đến 12 tháng), bảo quản đơn giản và áp dụng được trên nhiều loại hạt giống khác nhau.

Từ công nghệ sản xuất hạt mầm siêu tốc, anh Trường đã nảy ra ý tưởng sản xuất gạo mầm tươi với giá trị dinh dưỡng cao giúp hỗ trợ kiểm soát mỡ máu và phòng ngừa xơ vữa động mạch, hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa, chống ô-xy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, có thể dùng để nấu cơm, rang làm trà gạo, sữa gạo, chế biến bột ăn dặm cho trẻ nhỏ và làm nguyên liệu sản xuất bột dinh dưỡng... Với những lợi ích đó nên sản phẩm Gạo Mầm tươi của HTX khi đưa ra thị trường được đông đảo người tiêu dùng tiếp nhận, đánh giá cao, tỷ lệ quay lại sử dụng trên 70%, tỷ lệ tăng trưởng sử dụng 600%. Doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50 -70 lao động. 

Ngày 7/11/2024, HTX Thanh niên Nam Đại Dương đã tổ chức hội thảo đánh giá “Ứng dụng tro xỉ bazơ từ lò đốt rác sinh hoạt xã bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa” tại xã Nghĩa Trung (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Theo Giám đốc Lương Văn Trường thì tại Việt Nam, việc sử dụng tro xỉ từ quá trình đốt rác vẫn còn hạn chế, gây ra tiềm ẩn rủi ro đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mô hình thực hiện nhằm đánh giá tiềm năng tái sử dụng tro đốt từ các lò đốt rác thải sinh hoạt trong nông nghiệp. Thông qua các phương pháp lấy mẫu và phân tích, thành phần dinh dưỡng như N,P,K cùng dư lượng kim loại nặng được xác định để đánh giá khả năng tái sử dụng. Kết quả cho thấy tro và xỉ đều có hàm lượng dinh dưỡng cao, các kim loại nặng nằm trong ngưỡng an toàn cho ứng dụng trong nông nghiệp, kỳ vọng thời gian tới mô hình sẽ được nhân rộng trên toàn địa bàn xã và các xã lân cận. 
 

Nam Định có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vừa qua, Hội đồng Thẩm định xét, công nhận xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị xét, công nhận 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu.