Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng, phát thải thấp chỉ thành công khi có sự đồng thuận của các địa phương và nông dân
Trước mắt tập trung cho vùng ĐBSCL- vựa lúa quan trọng nhất, sau đó sẽ mở rộng trên cả nước
Thay mặt Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế giới thiệu và báo cáo bối cảnh và tiến độ thực hiện Đề án.
Ngành Lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Sản xuất lúa gạo không những đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội của đất nước. Ước tính sản lượng lúa trung bình một năm của Việt Nam đạt 43-45 triệu tấn, tương đương khoảng 26-28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê (2020), trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 7,61 kg gạo/tháng. Ngành Lúa gạo đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân. Chỉ tính riêng số hộ trồng lúa thì hiện đã có khoảng trên 7 triệu hộ. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn các thương nhân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo. Ngành Lúa gạo gần đây đã có những bước phát triển và đạt được nhiều kết quả trong kinh doanh xuất khẩu.
Việt Nam hiện nay luôn là một trong những quốc gia có lượng gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 2016-2023, lượng gạo xuất khẩu dao động từ 6-7 triệu tấn với giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ đô la Mỹ. Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt con số kỷ lục trên 8,13 triệu tấn, đạt kim ngạch trên 4,67 tỷ đô la Mỹ. Xuất khẩu lúa gạo không những đem lại nguồn ngoại tệ quan trọng mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành hàng lúa gạo hiện nay vẫn còn tồn tại những thách thức cả bên trong nước và bên ngoài hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả.
Bên trong nội tại ngành Lúa gạo Việt Nam, biện pháp canh tác lúa vẫn còn chưa hiệu quả và bền vững, nông dân còn sử dụng nhiều giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tài nguyên nước. Nếu biện pháp canh tác không thay đổi thì sẽ không có hiệu quả và gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào, đặc biệt là gây ảnh hưởng đến môi trường, gây phát thải khí nhà kính.
Lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp của Việt Nam chiếm 14% tổng lượng phát thải cả nước; riêng lượng phát thải từ trồng lúa chiếm đến 50% phát thải từ nông nghiệp. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo ngày càng tăng, sản xuất phát triển nhưng thu nhập của người nông dân trồng lúa còn thấp do quy mô sản xuất nhỏ lẻ nhưng cũng do canh tác chưa hiệu quả.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng chuyên canh lúa nhưng sự hợp tác giữa các hộ trồng lúa, liên kết giữa người trồng lúa/ hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị còn yếu. Ngoài ra, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và có ảnh hưởng lớn tới nông nghiệp ĐBSCL nói chung và ngành Lúa gạo nói riêng đòi hỏi cần có sự đầu tư đồng bộ và biện pháp canh tác thích ứng hiệu quả. Bên ngoài, bối cảnh thị trường lúa gạo quốc tế ngày càng có sự thay đổi.
Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản xanh thân thiện với môi trường ngày càng tăng. Các nước nhập khẩu tiếp tục đưa ra yêu cầu ngày càng chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật mới. Các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng khắt khe hơn và một số khu vực đã đề xuất về trách nhiệm giải trình và đánh thuế carbon. Cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác ngày càng khốc liệt yêu cầu cần giảm chi phí nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Nhiều nước trong khu vực ngày càng quan tâm đến đầu tư vào lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực nên thị trường dễ tính cho xuất khẩu gạo Việt Nam ngày một thu hẹp, chưa nói đến việc phải cạnh tranh với gạo nhập khẩu ngay tại thị trường trong nước.
Để khắc phục những hạn chế, thách thức của ngành Lúa gạo, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường và thực hiện các cam kết quốc tế trong việc giảm phát thải, ngày 27-11-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Đến nay, Đề án đã được triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại các tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp. Hiệu quả mô hình 50ha lúa triển khai ở Hợp tác xã Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cho thấy, nông dân giảm sử dụng lượng lúa giống từ 140kg xuống còn 60 kg/ha, giảm lần bón phân từ 3 đến 4 lần còn 2 lần mỗi vụ, giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ, cây lúa ít bị ngã, giảm dịch bệnh và tổn thất sau thu hoạch...
Ngoài ra, lúa sau khi thu hoạch được bao tiêu với giá cao hơn 200 đồng đến 300 đồng/kg so với canh tác truyền thống. Việc giảm lượng lúa giống còn 60 kg/ha giúp tiết kiệm chi phí về giống 1,2 triệu đồng, phân bón giảm 0,7 triệu đồng; năng suất đạt từ 6,3 tấn đến 6,5 tấn/ha so với 5,8 tấn đến 6,1 tấn mỗi ha theo cách làm truyền thống...
Lý do lựa chọn ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL để thực hiện Đề án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra đó là: Đề án trước mắt tập trung cho vùng ĐBSCL- vựa lúa quan trọng nhất của nước ta và sau đó sẽ mở rộng ra các vùng khác trên cả nước. Vùng ĐBSCL ở Việt Nam chiếm 50% sản lượng gạo của cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu. Vùng này có năng suất lúa trung bình là 6,28 tấn/ha, cao hơn khoảng 48% so với mức trung bình toàn cầu. Đây là vùng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu gạo của cả nước.
Thêm vào đó, sản xuất lúa gạo tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, đời sống của người trồng lúa còn bấp bênh, chất lượng chưa đồng bộ, thiếu gắn kết chuỗi giá trị, chưa thực sự đáp ứng với xu thế tiêu dùng mới của thị trường. Vùng này đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, chẳng hạn như năng suất lúa gạo tăng chậm lại và sử dụng quá nhiều đầu vào như nước tưới, phân bón, hạt giống và thuốc trừ sâu, làm giảm lợi nhuận của việc trồng lúa, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về môi trường và tạo ra lượng lớn phát thải khí nhà kính (GHG).
Hiện nay, hoạt động trồng lúa trong vùng thải ra 48% lượng khí thải nhà kính của 3 ngành nông nghiệp và 75% lượng khí thải mêtan. Trung bình, sản xuất 1 tấn thóc thải ra khoảng 0,9 tấn CO2e. Tất cả những yếu tố này đã làm suy yếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo ở ĐBSCL và việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt.
Trong thời gian qua, ngành Lúa gạo ĐBSCL không ngừng phát triển trong tất cả các khâu từ sản xuất đến thương mại. Trong sản xuất, mặc dù diện tích lúa giảm nhưng nhờ áp dụng các loại giống xác nhận và các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm (1P5G), 3 giảm 3 tăng (3G3T), tưới ngập khô xen kẽ (AWD), SRP... mà năng suất lúa gạo tăng và sản lượng lúa gạo ổn định, chất lượng hạt gạo được nâng cao. Chế biến gạo ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch. Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, cơ cấu sản phẩm gạo xuất khẩu đã chuyển dịch mạnh sang các loại gạo thơm và chất lượng cao.
Đại biểu Quốc hội cần truyền tải ý nghĩa của Đề án, thuyết phục nông dân cùng thực hiện
Tại buổi gặp mặt, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, mục tiêu kép của đề án giúp người nông dân sản xuất Xanh, giảm lượng khí phát thải nhà kính. Thực hành đúng, bà con có thể có thêm một nguồn thu nữa từ bán tín chỉ các-bon. Điều này không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn giúp lúa gạo của Việt Nam có được lợi thế khi xuất khẩu, qua đó nâng tầm ngành hàng lúa gạo của Việt Nam, đặc biệt thu hút các lao động trẻ trở về sản xuất ngay trên chính đồng đất quê hương mình. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Đề án đòi hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân 12 tỉnh, thành phố tham gia Đề án, các hợp tác xã và nông dân phải có quyết tâm chính trị rất lớn. Bởi, nông dân vẫn quen với tập quán sản xuất truyền thống, đây là rào cản lớn mà nông dân cần thay đổi.
“Để có được 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp là niềm mong mỏi của nông dân, nếu thực hiện được thì đời sống của nông dân sẽ được nâng lên, cải thiện rất lớn về môi trường. Với những tính toán kỹ lưỡng, để đạt được kết quả đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất lớn. Trong đó, điều rất quan trọng là không chỉ thay đổi nhận thức của người lãnh đạo mà nhận thức của nông dân cũng cần phải thay đổi” – Bà Hà Thị Nga phát biểu.
Băn khoăn về Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao chưa đề cập đến vấn đề việc quy hoạch và phát triển hạ tầng về thủy lợi, giao thông, kho bãi... chưa đồng bộ, chưa có sự kết nối, ông Thạch Phước Bình - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ rõ thêm về cơ chế phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương tham gia Đề án.
“Ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, vai trò của 12 tỉnh tham gia Đề án như thế nào, Qua thực tế theo dõi, có những nơi chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phối hợp tốt nhưng cũng có những nơi chưa thật sự quan tâm. Từ nay đến năm 2030 còn 6 năm, nếu không có phối hợp tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu của Đề án” - ông Thạch Phước Bình băn khoăn.
Chia sẻ và giải đáp những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ đưa "thương lái" vào hệ thống ngành hàng Lúa gạo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn đại biểu Quốc hội những địa phương tham gia Đề án tiếp tục lan tỏa, truyền tải tinh thần của Đề án tới người dân. Ngành hàng Lúa gạo muốn bền vững phải có hệ sinh thái với sự tham gia của các bên gồm: Nông dân, thương lái, doanh nghiệp, Nhà nước. Đặc biệt là vai trò của lãnh đạo các địa phương, phải coi đây là một cuộc "cách mạng" thì Đề án mới thành công.
“Nếu các địa phương không vào cuộc quyết liệt và xem đó là một cuộc “cách mạng” thì không thành công. Bộ Nông nghiệp không thể nào với tới từng cánh đồng, từng xã, từng nông dân. Thuyết phục nông dân thay đổi tư duy không phải khó nhưng cũng không phải dễ, vấn đề là “cái tâm” của mỗi đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri, khi về nông thôn mỗi đại biểu cần truyền tải ý nghĩa của Đề án đến người dân, thuyết phục nông dân cùng làm với mình. Mong rằng các đại biểu Quốc hội chia sẻ với cử tri, bà con nông dân và là người thăm dò sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các đoàn thể và sự tham gia nông dân vào Đề án như thế nào”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
-
Ninh Thuận: Kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì đà tăng trưởng -
Lâm Đồng: Ngành Nông nghiệp vượt 04 chỉ tiêu kế hoạch đề ra -
TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp -
Huyện Chợ Mới: Nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao
- Huyện Châu Thành: Nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp hiệu quả,
- Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án SPS theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
- Cà Mau: Thúc đẩy sản xuất tiên tiến, hiệu quả nhờ ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp
- Bình Thuận công bố 10 sản phẩm chế biến từ trái thanh long
- Nâng cao trách nhiệm của tổ chức Đảng, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Vấn đề xây dựng Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Đắk Lắk: Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ II diễn ra từ ngày 31/8 đến 2/9/2024
-
Bắc Giang: Yên Dũng vững bước xây dựng nông thôn mới nâng caoTháng 10/2021, huyện Yên Dũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới (NTM). Hiện Yên Dũng đang quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, với phương châm làm đến đâu chắc đến đó.
-
Việt Nam là nhân tố không thể thiếu trong cộng đồng Pháp ngữNhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Paris (Pháp), sáng 5/10 (theo giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo.
-
Thủ tướng: Xóa hết nhà tạm, nhà dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộcTối 5/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi".
-
Bạc Liêu: Tổ chức thành công Hội thi Cán bộ Hội giỏi lần thứ I - năm 2024(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 4/10, Hội Nông dân (HND) tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội thi Cán bộ Hội giỏi lần thứ I - năm 2024. Đây là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930- 14/10/2024).
-
Khánh Hòa: Thu hút hơn 50 gian hàng trưng bày sản phẩm, công nghệ số tiêu biểu tại Ngày hội công nghệ số năm 2024(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 4/10, tại TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức ngày hội công nghệ số năm 2024. Ngày hội có quy mô hơn 50 gian hàng của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp công nghệ số, ngân hàng trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa tham gia trưng bày các sản phẩm công nghệ số tiêu biểu. Qua đó, thu hút được đông đảo người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp cận công nghệ mới, dịch vụ công nghệ mới, góp phần vào thành công chung trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh
-
Ninh Thuận: Kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì đà tăng trưởng(Tapchinongthonmoi.vn) – Trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phục hồi, phát triển ổn định theo kế hoạch (KH). Một số lĩnh vực chuyển biến tích cực như: các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp tăng khá; kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì tăng trưởng ổn định, quy mô sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vượt mục tiêu đề ra.
-
Tôn vinh những người "Gieo trí tuệ, gặt mùa vàng"Sáng 3/10/2024, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trang trọng tổ chức Chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V và trao giải cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông" lần thứ X, năm 2024. Đây là một chương trình kéo dài suốt 6 tháng với nhiều vòng thẩm định nghiêm túc, khắt khe để chọn ra 56 gương mặt "Nhà khoa học của Nhà nông"; 24 tác giả đoạt giải cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông"
-
Không gian mua sắm sôi động tại nhà phố quảng trường đầu tiên tại Nghệ AnNhà phố quảng trường Central Plaza, Eco Central Park lấy cảm hứng thiết kế từ những căn nhà châu Âu cộng với ngôn ngữ kiến trúc Ecopark tạo nên một không gian mua sắm sôi động, hiện đại, kích thích nhu cầu tiêu dùng, gia tăng trải nghiệm của cư dân, khách tham quan, du lịch.
-
An Giang tăng cường liên kết đưa trái cây vươn ra thế giới(Tapchinongthonmoi.vn) – An Giang là tỉnh có thổ nhưỡng rất thích hợp cho phát triển cây ăn trái, do đó hoạt động liên kết, tiêu thụ trái cây được quan tâm, doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến liên kết để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
-
Tây Ninh kêu gọi đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao(Tapchinongthonmoi.vn) - Tỉnh Tây Ninh đã và đang tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
-
1 Hội Nông dân Việt Nam phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 -
2 Công bố 56 “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V năm 2024 -
3 "Nhà khoa học của nhà nông" cần mẫn gieo hạt, cùng nhà nông đón mùa vàng -
4 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm hỏi đồng bào, chiến sỹ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 -
5 Vụ bứng cây tạo “cảnh trời Âu” ra khỏi rừng ở Quảng Trị: Đã rõ đơn vị chịu trách nhiệm!