Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Bất hợp lý về đối tượng hưởng lợi

09:24 26/05/2018 GMT+7

Bắt đầu từ tháng 7 tới đây, các bệnh viện (BV) trên cả nước sẽ áp dụng khung giá dịch vụ mới theo yêu cầu của Bộ Y tế. Thông tin điều chỉnh giá lần này đã khiến người bệnh nội trú nơm nớp lo sợ khi hàng ngày đối mặt với giá giường bệnh “leo thang”…

Trong khi đó không ít BV tự chủ tài chính ở TPHCM lại đối diện với nỗi lo nguồn thu đi xuống, không đủ kinh phí tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Bệnh viện tự chủ giảm thu

Trong thời gian qua, các BV thực hiện khung giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 37/2015 của liên Bộ Y tế – Tài chính. Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục điều chỉnh khung giá trên, dự kiến áp dụng vào đầu tháng 7-2018.

Theo đó, các dịch vụ khám bệnh, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh ở tất cả các hạng BV và một số dịch vụ kỹ thuật khác được giảm giá, với mức giảm 10% – 20% tùy hạng BV.

Cụ thể, giá khám bệnh ở BV hạng đặc biệt và hạng 1 giảm từ 39.000 đồng xuống 35.000 đồng/lượt khám; BV hạng 2 từ 35.000 đồng xuống 29.000 đồng; BV hạng 3 từ 31.000 đồng xuống 23.000 đồng; BV hạng 4 và trạm y tế xã từ 29.000 đồng xuống 20.000 đồng.

Bệnh nhân nằm điều trị bên ngoài hành lang một bệnh viện ở TPHCM. Ảnh: DIỄM KHANH

Một số dịch vụ cận lâm sàng như: siêu âm giảm từ 49.000 đồng xuống 39.500 đồng; chụp X-quang số hóa 1 phim giảm từ 69.000 đồng xuống 62.900 đồng/lần; chụp CT Scanner đến 32 dãy không có thuốc cản quang giảm từ 536.000 đồng xuống còn 520.900 đồng/lần…

Giảm nhiều nhất là dịch vụ siêu âm can thiệp – đặt ống thông dẫn lưu ổ áp xe (từ hơn 2 triệu đồng xuống chỉ còn chưa đến 600.000 đồng) và phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện (gần 3,7 triệu đồng giảm còn 1,6 triệu đồng).

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, với giá dịch vụ y tế hiện nay, nhiều BV chỉ đảm bảo chi phí giữ chân cán bộ, nhân viên y tế, chứ không đủ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, bảo trì trang thiết bị hay đầu tư máy móc hiện đại để phục vụ bệnh nhân. Vậy nhưng, đợt giảm giá dịch vụ khám bệnh lần này khiến nhiều BV mất thêm một nguồn thu khá lớn.

Riêng với BV quận 2 là BV hạng 2, mỗi ngày khám chữa bệnh cho hơn 2.500 bệnh nhân, vậy mỗi năm BV ước tính giảm nguồn thu cả tỷ đồng. “Nguồn thu chính của y tế tuyến cơ sở là tiền công khám bệnh, còn các dịch vụ kỹ thuật làm không nhiều.

Trước mắt, thấy rõ việc giảm giá dịch vụ y tế có thể đẩy chất lượng khám chữa bệnh đi xuống, bệnh nhân chịu thiệt thòi”, bác sĩ Trần Văn Khanh lý giải.

Bệnh nhân nội trú thêm thiệt thòi

Trái ngược với nỗi lo của các BV tuyến dưới, các BV tuyến trên có các dịch vụ “tiềm năng” khác để tăng thu. Đó là giá giường bệnh. Bởi trong đợt điều chỉnh khung giá lần này, Bộ Y tế cho tăng giá giường bệnh, với giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc… tại BV hạng đặc biệt từ 677.100 đồng tăng lên 751.000 đồng/ngày; giường bệnh ở hồi sức cấp cứu, chống độc từ 362.800 đồng lên 425.100 đồng/ngày.

Ở các BV hạng 1, giá giường bệnh các loại cũng điều chỉnh từ 632.200 đồng lên 710.000 đồng/ngày, từ 335.900 đồng lên 404.000 đồng/ngày và 286.400 đồng lên 317.000 đồng/ngày.

Bác sĩ BV Bình Dân chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: HOÀNG HÙNG     

Theo ghi nhận của phóng viên tại các cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân khi được biết đều tỏ ra bất bình. Hầu hết bệnh nhân nhập viện tuyến trên là khi bệnh đã trở nặng và phải nằm viện dài ngày, do đó việc tăng giá giường bệnh khiến những người bệnh hiểm nghèo thêm gánh nặng viện phí.

Bà Nguyễn Thị Lụa (47 tuổi, ngụ quận Tân Bình) đang nằm điều trị tại BV Ung bướu hơn 1 tháng nay bày tỏ: “Hàng tháng đã tốn khoản tiền lớn cho thuốc men, tiền khám chữa bệnh, tiền dịch vụ, xét nghiệm…, giờ tiền giường bệnh cũng tăng thì người nghèo chúng tôi chẳng kham nổi”.

Còn chị Phan Thị Thuận (ngụ quận 2) đang chăm sóc con tại BV Nhi đồng 1 bức xúc: “Việc đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế vẫn còn rất vất vả, chưa hết cảnh vạ vật ngồi chờ, chen lấn.

Thời gian tới, giá giường nằm tăng, trong khi tình trạng bệnh nhân nằm ghép, quá tải vẫn còn xảy ra. Một phòng bệnh diện tích chưa đến 15m2 mà kê tới chục cái giường, thậm chí chỗ đi lại cũng không có, tăng như thế rồi lại nằm chen chúc, liệu có công bằng với người bệnh”.

Một chuyên gia y tế tính toán, trước đây tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú trung bình toàn quốc chỉ 5% – 6%, nay đã lên đến 8,6% và thậm chí có tỉnh có tỷ lệ lên đến 15% – 17%.

Ngày trước, tiền thuốc, vật tư y tế chiếm tỷ lệ 50% – 60% tổng hóa đơn viện phí, đến nay đã thu hẹp lại còn khoảng 30% – 40%. Trong khi đó, chi phí tiền giường lại lên đến 40% – 60%.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), khi áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ có lợi nhiều nhất do được chi trả phí cao.

Theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP thì BHYT sẽ chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho 1 lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở. Như vậy, nếu 1 lần khám chữa bệnh dưới 195.000 đồng thì người tham gia BHYT sẽ được BHYT chi trả 100%; mức này sẽ được nâng lên thành 208.500 đồng khi mức lương cơ sở mới tăng lên 1.390.000 đồng/tháng từ ngày 1-7-2018.

Theo SGGP