Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đổi mới tư duy phát triển kinh tế là đòi hỏi của nền nông nghiệp 4.0

(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình phù hợp để cụ thể hóa mục tiêu lớn. Nhiệm kỳ tới, Hội quán triệt 3 nhiệm vụ trọng tâm cùng các giải pháp đột phá nhằm đạt kết quả cao nhất. Với mục tiêu hướng đến xây dựng hình ảnh người ND văn minh, hiện đại gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn.

Bà Bùi Thị Thơm (thứ tư từ phải sang) - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình kinh tế giỏi của nông dân Bế Văn Mai (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)

Nông dân toàn diện: Sản xuất giỏi, kinh doanh tài
Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc hỗ trợ ND phát triển kinh tế, tổ chức tốt phong trào ND sản xuất kinh doanh giỏi nhằm xây dựng hình ảnh nông dân toàn diện: Sản xuất giỏi, kinh doanh tài được các cấp Hội ND tỉnh Quảng Bình xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Để đến được đích, Hội ND các cấp trong tỉnh đã thể hiện tính linh hoạt, sáng tạo thông qua xây dựng các mô hình “điểm” (Câu lạc bộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi; chi, tổ hội ND nghề nghiệp...) từ đó thu hút được những tập thể, cá nhân điển hình nhằm thúc đẩy phong trào phát triển sâu rộng, bền vững. 
Bên cạnh đó, Hội đã tập trung khai thác, huy động hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tạo nền móng vững chắc. Điểm nhấn là sự phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ND phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành. 
Hội ND tỉnh Quảng Bình cũng tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch; sản xuất đa giá trị gắn với việc khai thác và sử dụng tài nguyên, môi trường một cách bền vững… 
Nhiệm kỳ qua, phong trào Hội không ngừng lớn mạnh và phát triển toàn diện trên nhiều khía cạnh. Hàng chục ngàn hội viên, ND hưởng ứng tham gia là minh chứng rõ nét, cho thấy tầm nhìn, chiến lược dài hơi đã lan tỏa sâu rộng. Điều đó được cụ thể hóa từ con số cụ thể: Giai đoạn 2017 – 2022, Quảng Bình ghi nhận 76.885 hộ ND đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều ND sản xuất kinh doanh giỏi được Trung ương Hội NDVN  biểu dương; tôn vinh và trao danh hiệu “ND Việt Nam xuất sắc”.
Manh nha từ những mô hình nhỏ lẻ, nhờ được truyền đạt, bồi dưỡng kiến thức, trên hết là ý thức tự vươn lên, đến nay trên địa bàn Quảng Bình xuất hiện nhiều mô hình sản xuất quy mô, tiên tiến với giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng, vừa hoàn thành tốt chỉ tiêu kinh doanh lại góp phần giải bài toán việc làm cho lao động địa phương. Những người như ông Nguyễn Văn Bồn (Trung Trạch), Đinh Đăng Tuân (Hưng Thuỷ), Ngô Văn Dương (Hải Ninh), Phạm Văn Tam (Võ Ninh), Hoàng Minh Thắng (Hải Ninh), Phạm Tuyển (Bảo Ninh), Bùi Thức Quang (Thanh Trạch), Nguyễn Ngọc Cảnh (Quảng Phúc)... chính là đại diện cho lớp ND mới, văn minh hơn, hiện đại hơn. Những kết quả đó vừa là động lực để hội viên, ND hăng hái thi đua lao động, sáng tạo, đồng thời thể hiện rõ vai trò của Hội ND tỉnh Quảng Bình trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn ND liên kết sản xuất. 
Nhiệm kỳ tới, Hội ND tỉnh Quảng Bình xác định tiếp tục nỗ lực vận động, tuyên truyền sâu rộng làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy kinh tế của hội viên ND, từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, đảm bảo giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm; Sản xuất phải gắn với thị trường để tạo động lực khích lệ, khát vọng làm giàu trong ND, quyết tâm vươn lên làm giàu từ chính quê hương của mình.
Đồng hành, sát cánh để nâng cao vị thế, năng lực của nông dân
Hội ND tỉnh Quảng Bình xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, mang tính đột phá xuyên suốt nhiệm kỳ 2023 - 2028. Trên tinh thần đó, Hội ND tỉnh sẽ có những hoạt động hỗ trợ thiết thực gắn với quyền lợi, nhu cầu và nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của hội viên ND. Quá trình thực hiện các cấp Hội sẽ huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi tập trung hỗ trợ ND có vốn để chủ động sản xuất, hoặc tái sản xuất khi cần. Trong đó, các cấp Hội trong tỉnh chú trọng phát huy nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND và nguồn vốn ủy thác của các ngân hàng.

Gian hàng giới thiệu nông sản đặc trưng của hội viên nông dân huyện Tuyên Hoá.
Trong nhiệm kỳ qua, từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ ND, Ban Điều hành Quỹ các cấp đã điều tiết để thực hiện cho 507 dự án, áp dụng cho 4.134 lượt hộ vay. Các mô hình đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể kể đến dự án chăn nuôi bò lai ở Mai Hóa, Văn Hóa, Thuận Hóa; tổ hội nghề nghiệp nuôi cá lóc ở xã Ngư Thuỷ; dự án chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi cá nước ngọt thương phẩm ở xã Hàm Ninh; nuôi trồng thuỷ sản ở thị trấn Quán Hàu; sản xuất mộc mỹ nghệ ở phường Phú Hải, chế biến hải sản ở phường Quang Phú…

Gian hàng giới thiệu nông sản địa phương tại Đại hội Hội ND huyện Tuyên Hoá lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 -2028.
Nhiệm kỳ tới, Hội sẽ tập trung thực hiện nội dung tổ chức đào tạo nghề gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm cho ND tại các doanh nghiệp; phối hợp đào tạo, giới thiệu, hướng dẫn đưa lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn; đẩy mạnh dạy nghề tại chỗ, huy động hội viên, ND là nghệ nhân, ND sản xuất, kinh doanh giỏi trực tiếp truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, dạy nghề cho nông dân; tổ chức các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình để hội viên, ND áp dụng vào sản xuất; cung cấp thông tin thị trường, tư vấn, trợ giúp pháp lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho ND.
Để sản phẩm của nhà nông kịp thời đến tay người tiêu dùng, cũng như giải quyết được bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, Hội ND các cấp trong tỉnh chủ động khâu nối với các tổ chức liên quan xây dựng các hệ thống kết nối cung cầu, thông tin giá cả thị trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu… đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. 

Hội ND Quảng Bình lắp đặt thùng rác tại các điểm công cộng, tuyên truyền hội viên, nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng khẳng định: Nông nghiệp, ND, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bám sát Nghị quyết, nhiệm kỳ tới Hội ND tỉnh Quảng Bình tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân theo hướng “tri thức hóa ND” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng làm giàu từ nông nghiệp. Đặc biệt, mỗi thành viên được khuyến khích, căn cứ thực tiễn để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp gắn với khát vọng vươn lên, từ đó nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của ND trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.