Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI):

Cả nước tổ chức được 638.974 buổi quán triệt cho trên 24 triệu lượt cán bộ, hội viên

Chu Hồng Châu - 07:41 06/01/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong Chương trình Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VIII nhiệm kỳ 2023 -2028, các đại biểu thảo luận về Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW ngày 20/7/2014 Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới.

Thực hiện Chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương Hội (khóa VIII), Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW, ngày 20/7/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI) về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo các ban, đơn vị chuyên môn và các cấp Hội tổ chức thực hiện. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành Hội, cả nước tổ chức được 638.974 buổi quán triệt cho trên 24 triệu lượt cán bộ, hội viên. Ngoài ra, các tỉnh, thành Hội đã ký kết Chương trình phối hợp với các cơ quan báo chí ở địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết.

Cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết thành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp Hội

Hàng năm, Ban Thường vụ Trung ương Hội đều xây dựng kế hoạch hướng dẫn, định hướng công tác tuyên truyền đến các tỉnh, thành Hội, nhất là kế hoạch tuyên truyền sau các dịp Đại hội Đảng và Đại hội Hội Nông dân các cấp; các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, của Hội; kịp thời triển khai tuyên truyền theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng... 

Định kỳ hàng năm, trong các báo cáo sơ kết, tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân, Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp đã nghiêm túc đánh giá việc thực hiện và đề ra các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục chính trị tư tưởng cho nông dân. Trong 10 năm qua, Trung ương Hội đã ban hành 12 Nghị quyết chuyên đề, trong đó có 2 Nghị quyết chuyên đề về công tác tuyên truyền. Hàng năm, Hội Nông dân các cấp đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân.

Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra (Trung ương Hội NDVN) tặng hoa chúc mừng Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Xuân Thượng (huyện Xuân Trường, Nam Định) tại lễ ra mắt.

Trung ương Hội đã ký 24 chương trình phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân đều có chỉ đạo về  nội dung công tác tuyên truyền; trong đó có 8 Chương trình phối hợp chuyên đề về công tác tuyên truyền. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng trang thông tin điện tử để kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các định hướng công tác của Hội đến cán bộ, hội viên, nông dân. 

Chỉ đạo các cơ quan báo chí của Hội đổi mới nội dung, bảo đảm vừa đa dạng thông tin đáp ứng nhu cầu bạn đọc, nhưng cũng chú ý đưa tin đậm nét về các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Hội Nông dân Việt Nam; đồng thời, đổi mới hình thức trình bày theo xu thế báo chí hiện đại; các trang thông tin điện tử tăng cường các hình thức làm báo đa phương tiện; đa nền tảng, tòa soạn hội tụ… Các cơ quan báo, tạp chí của Hội tăng cường thời lượng và các chuyên trang để tuyên truyền về các hoạt động và các thành tựu của Hội.

Chỉ đạo các cơ quan báo chí của Hội đổi mới nội dung, bảo đảm vừa đa dạng thông tin đáp ứng nhu cầu bạn đọc, nhưng cũng chú ý đưa tin đậm nét về các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Hội Nông dân Việt Nam; đồng thời, đổi mới hình thức trình bày theo xu thế báo chí hiện đại; các trang thông tin điện tử tăng cường các hình thức làm báo đa phương tiện; đa nền tảng, tòa soạn hội tụ… Các cơ quan báo, tạp chí của Hội tăng cường thời lượng và các chuyên trang để tuyên truyền về các hoạt động và các thành tựu của Hội.

Các cấp Hội đã xây dựng 73 mô hình “Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”, thành lập mạng lưới trên 5.000 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại các cơ sở... Hàng năm, tham gia giải quyết trên 20.000 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nông dân; trực tiếp hoà giải trên 3.500 vụ, phối hợp hòa giải trên 15.000 vụ mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở.

Tại các địa bàn nơi biên giới, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, biển, đảo, xây dựng “Điểm sáng vùng biên”, chống di cư trái phép; vận động ngư dân tích cực bám biển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Phối hợp với lực lượng Công an phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tổ chức ký cam kết gia đình hội viên nông dân không có người vi phạm pháp luật; tham gia hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân; xây dựng được nhiều mô hình tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở nông thôn như mô hình “Tiếng kẻng phòng gian”, “An toàn giao thông”...

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Một số địa phương đăng ký trực tiếp thực hiện một số tiêu chí cụ thể hoặc tham gia xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Với 876.244 cuộc tuyên truyền cho hàng chục triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Kết quả nông dân đã tự nguyện đóng góp trên 100 ngàn tỷ đồng, trên 47 triệu ngày công, hiến trên 424 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 293 ngàn km kênh mương nội đồng và 542 ngàn km đường giao thông nông thôn, xóa 29.411 nhà tạm.

Ông Mai Văn Chính, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương (ngoài cùng bên phải) và ông Lương Quốc Đoàn- Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch BCH Hội NDVN trao giải giải A cho các tác giả tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" lần thứ II năm 2024. 

Từ chú trọng tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, báo chí, phát thanh truyền hình, trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đến các hình thức tổ chức các cuộc thi, hội thảo, lễ tôn vinh; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng và các phương tiện công nghệ thông tin như lập các nhóm zalo, fanpage… đã mang lại hiệu ứng xã hội cao.

Công tác thông tin khoa học- công nghệ cũng được chú trọng. Các cấp Hội đã tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn cho nông dân các kiến thức mới về nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, thị trường, pháp luật, chuyển đổi số, kinh tế số; kỹ năng sản xuất tiên tiến, kỹ năng marketing, bán hàng, sử dụng công nghệ, thiết bị điện tử, dịch vụ công; tạo sự chuyển biến căn bản về trình độ kiến thức của nông dân.

Công tác truyền thông ngày càng được quan tâm. Trung ương Hội đã phát động và duy trì các hoạt động tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc; tôn vinh nông dân với công nghệ thông tin; tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp; Cuộc thi Nhà nông đua tài; cuộc thi “sáng tạo kỹ thuật nhà nông”, Lễ Tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông; đặc biệt, các diễn đàn nông dân, các hội nghị cấp ủy, chính quyền đối thoại với nông dân...

Ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN (bên phải) trao bằng khen cho các HTX tiêu biểu năm 2024.

Công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, xuất bản của Hội có nhiều chuyển biến. Công tác xuất bản của Hội ngày càng phong phú. Ngoài các ấn phẩm truyền thống của Hội như: Tạp chí Nông thôn mới; các ấn phẩm của Báo Nông thôn ngày nay; các ban, đơn vị còn phát hành chục ngàn bản tin, các tờ rơi tuyên truyền phổ biến kiến thức cho nông dân với lượng thông tin, kiến thức đa dạng, phù hợp với nhu cầu của cán bộ, hội viên, nông dân. Báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận cấp Trung ương tham gia đầy đủ các hội nghị thông tin do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tăng cường chỉ đạo cán bộ đi sâu sát cơ sở với phương châm “tỉnh nắm huyện, huyện nắm xã, xã nắm chi, tổ Hội” do vậy công tác nắm bắt dư luận xã hội khá kịp thời.

Công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn có nhiều chuyển biến tích cực. Trung ương Hội đã xây dựng nhiều chuyên đề phục vụ công tác tổng kết thực tiễn; Các cấp Hội cũng tích cực tham gia tổng kết các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của tỉnh; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Các cấp Hội thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động đảm bảo phù hợp, thiết thực, hiệu quả

Trên quan điểm công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, xuyên suốt của Hội Nông dân các cấp; là vị trí hàng đầu trong các mặt công tác của Hội. Tuyên truyền, vận động phải bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, địa phương, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Hội. Nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền phải bảo đảm tính định hướng, khoa học, cụ thể, kịp thời, sát thực tế, phù hợp nội dung, đối tượng, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết thực của hội viên nông dân.

Lãnh đạo T.Ư Hội NDVN chụp ảnh lưu niệm với 63 Nông dân xuất sắc và 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nông dân phải gắn với giải quyết lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân trong hoạt động của Hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh thông qua tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân.  

Ban Tổ chức trao giải cho các đội tham gia Hội thi tuyên truyền viên giỏi Hội Nông dân TP. Pleiku năm 2024.

Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nông dân phù hợp với bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền vận động nông dân của các cấp Hội. Tập trung tuyên tryền các chủ trương, nghị quyết lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của quốc gia, của địa phương. Kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa phương pháp tuyên truyền truyền thống với các phương tiện tuyên truyền hiện đại, gắn tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho hội viên, nông dân. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp tập hợp nông dân. Coi trọng và phát huy mạnh mẽ, hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua các hoạt động hội thao, văn hóa văn nghệ quần chúng và lan tỏa trên các phương tiện thông tin hiện đại.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động hướng tới mục tiêu đảm bảo phù hợp, thiết thực, hiệu quả; nâng cao năng lực, trách nhiệm cán bộ Hội các cấp, nhất là người đứng đầu trong công tác tuyên truyền; động viên, cổ vũ hội viên nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, phát huy vai trò trung tâm, chủ thể, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng người nông dân văn minh, chuyên nghiệp; góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho nông dân, xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong giai đoạn 2025 -2028, hàng năm các cấp Hội phấn đấu thực hiện các mục tiêu sau:

100% cán bộ, hội viên nông dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục  chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội.

100% cán bộ chuyên trách các cấp Hội, cán bộ chi, tổ hội được trang bị kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nghiệp vụ công tác Hội.

100% cán bộ làm công tác tuyên truyền của các cấp Hội được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác tuyên giáo; đội ngũ tuyên truyền viên được tập huấn về phương pháp tuyên truyền miệng; định kỳ được cung cấp kịp thời các thông tin, kiến thức liên quan nhiệm vụ tuyên truyền, vận động.

100% Hội Nông dân các cấp xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo, đài địa phương; định kỳ, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài đưa tin về hoạt động Hội; các sự kiện lớn của Trung ương Hội, các hoạt động tiêu biểu của các cấp Hội Nông dân được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Các cấp Hội cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền góp phần đảm bảo 100% hội viên của Hội hiểu, đồng thuận thực hiện và cam kết không vi phạm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai ở địa phương.

Các chủ trương, chính sách có tác động lớn đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Báo Nông thôn ngày nay truyền thông kịp thời; 100% cán bộ, hội viên nông dân đọc báo điện tử Dân Việt của báo Nông thôn Ngày nay.

100% hội viên nông dân trong độ tuổi lao động sản xuất hoặc tham gia phát triển kinh tế nông thôn cài đặt App nông dân; trong đó ít nhất 50% thường xuyên truy cập tìm hiểu thông tin, kiến thức.

CLB “Nông dân với pháp luật” góp phần phổ biến pháp luật hiệu quả đến hội viên
(Tapchinongthonmoi.vn) – Ngày 25/6/2024 tại UBND xã Xuân Thượng, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị ra mắt Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật” xã Xuân Thượng (huyện Xuân Trường). Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham dự hội nghị và tặng hoa chúc mừng Câu lạc bộ.