Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đồng Nai: Tìm giải pháp đưa "Cơ giới hoá, tự động hoá vào sản xuất nông nghiệp

Tú San - 15:31 20/10/2023 GMT+7
Đây cũng là chủ đề của buổi hội thảo “Cơ giới hoá và tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được tổ chức ngày 19/10/2023 do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp cùng Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai thực hiện.

Tại buổi hội thảo này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 4406/QĐ- UBND ngày 10/12/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, ngành Nông nghiệp tích cực triển khai áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đào tạo, nâng cao tay nghề của người nông dân. Ngành cũng cần định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy mô hàng hóa tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp gắn với áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; Nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu chỉ đạo tại hội thảo - Ảnh TS

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành và địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tập trung triển khai một số nội dung quan trọng trước mắt cũng như lâu dài. Theo đó, các sở, ngành và địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp, người dân nắm và đồng thuận trong quá trình thực hiện. 

Đại diện Sở NN & PTNT phát biểu tại hội thảo - Ảnh TS

Bên cạnh đó, sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Sở cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan khoa học và các đơn vị nghiên cứu chuyển giao trên địa bàn tỉnh; đặt hàng nghiên cứu và lựa chọn sử dụng các kết quả vào thực tế sản xuất ứng dụng máy móc, thiết bị, phần mềm quản lý tại tỉnh. Sở ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án khoa học và công nghệ liên quan đến hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản, đặc biệt là cơ giới hóa nông nghiệp, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm. Chuyển giao các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Các đại biểu dự hội thảo đã thống nhất đánh giá lại kết quả ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cụ thể là trong thời gian qua, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều loại máy móc, thiết bị được sử dụng trong nông nghiệp. Nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao, nhất là với sản xuất lúa thì khâu làm đất đạt gần 100%, thu hoạch gần 90%. Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu giảm lao động đang thiếu hụt ở nông thôn. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.  

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) là nông dân tiên phong đầu tư phát triển ngành chăn nuôi gà công nghiệp) phát biểu tại hội thảo - Ảnh TS

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai thì vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng suất lao động trong ngành, giảm thất thoát sản phẩm, giảm mức độ khai thác tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, từng bước thực hiện tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đáng chú ý là cơ giới hóa trong trồng trọt 100% khâu làm đất, khâu tưới, tiêu đã được cơ giới, đã có 90.000 ha cây ăn trái, cây công nghiệp, rau màu áp dụng hệ thống tưới tiên tiến kết hợp bón phân, một số diện tích được điều khiển tưới tự động theo chương trình. Về khâu thu hoạch, có 100% diện tích gieo trồng lúa, bắp, đã sử dụng máy gặt đập liên hợp, tách hạt, băm cây. Khâu vận chuyển, xay xát, tách hạt đạt tỉ lệ cơ giới hóa cao. Công tác bảo vệ thực vật tỉ lệ cơ giới hóa đạt 100%. Một số ít diện tích hiện đang sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 12768/KH-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2021-2025; Khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, nông hộ liên kết với doanh nghiệp chế biến trên địa bàn để sử dụng tối đa công suất máy móc trong các khâu sản xuất, vận chuyển và chế biến nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, phát huy hiệu quả của chương trình cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.